Nhà đầu tư lướt sóng đất mất cả trăm triệu đồng khi ngân hàng siết cho vay

Một số trường hợp mua đất đầu tư ở Quảng Nam do ngân hàng không cho vay đành chấp nhận mất từ hàng chục đến cả trăm triệu đồng khi đến hạn giao dịch nhưng không thể tìm nguồn vốn khác kịp thời.

 Một dự án đất nền ở Quảng Nam. (Ảnh: Chu Lai).

Từ sau Tết đến nay, ghi nhận tại huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, thị xã Điện Bàn và TP Tam Kỳ, Quảng Nam, nhiều trường hợp chấp nhận mất tiền cọc đất do không thu xếp đủ vốn khi đến hạn thanh toán, trong khi ngân hàng ngày càng thẩm định chặt việc cho vay đầu tư đất.

Trường hợp gần đây là anh Hòa (ngụ TP Hội An), hay tin có doanh nghiệp đề nghị nghiên cứu đầu tư khu đô thị ở ven biển huyện Duy Xuyên và Thăng Bình, anh theo bạn bè mua lướt sóng.

Anh Hòa đã cọc 100 triệu đồng để mua hai lô đất, mỗi lô 125 m2, tổng 1,7 tỷ đồng. Khi đến thời hạn ký hợp đồng chuyển nhượng, anh Hòa không vay được ngân hàng 700 triệu đồng nên chấp nhận mất tiền đã cọc.

Một trường hợp khác là anh Dễ (ngụ thị xã Điện Bàn) cũng đã mất 100 triệu đồng khi quyết định mua đất ven biển huyện Thăng Bình để đầu tư. Cụ thể, anh Dễ quyết định mua lô đất hơn 1,2 tỷ đồng, dự định vay thêm 500 triệu đồng từ phía ngân hàng.

Anh Dễ đã cẩn thận liên hệ nhân viên ngân hàng tìm hiểu thông tin vay, xác định khu vực định mua không có quy hoạch. Tuy nhiên, khi anh này xuống cọc 100 triệu đồng, nhân viên ngân hàng đi thẩm định xác định lô đất đã bị đẩy giá, bán nhiều lần trong các đợt sốt đất trước đó nên ngân hàng quyết định không cho vay.

Anh Bằng, nhân viên một ngân hàng thương mại ở Đà Nẵng chia sẻ, ngân hàng nơi anh làm việc thời gian qua cũng đã từ chối cho vay nhiều trường hợp mua đất đầu tư lướt sóng trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, nhiều người cọc tiền cho chủ đất mới lên ngân hàng hỏi vay, trong khi hồ sơ đang xin vay vốn rất nhiều, phải đợi thẩm định và chờ có vốn mới tới lượt được giải ngân. Họ không có tiền thanh toán hợp đồng đành mất cọc từ hàng chục đến cả trăm triệu đồng.

Chị Thúy, nhà đầu tư BĐS Quảng Nam kể, khoảng 3-4 năm trước, vay ngân hàng mua đất rất dễ, ai cũng dùng kênh này mới có tiền đầu tư. Còn bây giờ nhiều ngân hàng đã siết việc cho vay đầu tư lướt sóng. Ngân hàng thẩm định mục đích sử dụng tiền vay rất kỹ, không dễ dàng vay được.

Anh Quang, một nhà đầu tư đất nền khác cho biết, nhiều năm qua, chính anh cũng dùng đòn bẩy là tiền vay ngân hàng để đầu tư đất. Khi biết thông tin siết cho vay BĐS, anh cũng đã trao đổi lại phía ngân hàng để có kế hoạch tìm nguồn vốn khác đầu tư.

"Rất nhiều người không biết việc siết cho vay BĐS, xuống tiền cọc rồi đi hỏi vay mới biết. Từ sau Tết đến nay, tôi cũng gặp hai trường hợp mất tiền cọc mua đất vài chục đồng", anh Quang nói.

Quảng Nam cảnh báo hiện tượng thổi giá đất gây sốt ảo

Trong tháng 2, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn chỉ đạo tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh BĐS trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh cho biết tại các khu vực quy hoạch dự kiến thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh như khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông,... đang có dấu hiệu xuất hiện hoạt động đầu cơ mua đi bán lại BĐS gây sốt ảo. Đặc biệt, có hiện tượng thổi giá làm cho giá trị khu đất không đúng với giá phổ biến trên thị trường.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức huy động vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa đúng quy định pháp luật; quảng cáo, rao bán sản phẩm của dự án khi chưa thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục và chưa đầu tư đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chưa được cơ quan nhà nước ban hành văn bản đủ điều kiện huy động vốn.

Trước tình hình trên, tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Xây dựng tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án BĐS, nhất là BĐS hình thành trong tương lai, yêu cầu các nhà đầu tư cung cấp thông tin về tiến độ thực hiện dự án để công khai cho người dân biết, theo dõi, thực hiện giám sát.

Sở này cũng được yêu cầu thực hiện và hướng dẫn các địa phương kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới BĐS bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; tổ chức hoặc chỉ đạo thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh BĐS theo thẩm quyền và theo quy định pháp luật,...

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm yêu cầu Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc và hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất,…; kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá BĐS.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.