Nhà máy nước mặt sông Hồng: Tiến độ 'rùa' và an ninh nguồn nước

Dù có đề án từ đầu những năm 2000, dự kiến hoàn thành năm 2018, nhưng tới nay, Nhà máy nước mặt sông Hồng (xã Liên Hồng, Đan Phượng, Hà Nội) vẫn chưa xong phần san lấp mặt bằng. Trong khi đó, các chuyên gia lo ngại về việc kiểm soát đầu vào nguồn nước mặt sông Hồng và công nghệ xử lí để đảm bảo an toàn.

Ngày 2/12, có mặt tại công trường xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng, phóng viên ghi nhận, toàn bộ mặt bằng rộng hơn 20 ha đã giải phóng xong; một phần mặt bằng đã được san lấp, nhưng một phần vẫn là ao hồ. 

Hai nhóm công nhân hơn chục người có mặt trên công trường; một nhóm xây dựng bờ kè, nhóm còn lại thi công tại khu vực nhà điều hành. Một loạt cống dẫn nước đã được tập hợp về công trường, bên cạnh là một số máy móc thi công hồ chứa, nhưng đang dừng hoạt động.

Thi công ì ạch

Theo người dân địa phương, dự án thi công khá chậm, năm 2018, dựng rào và để đó; hơn nửa năm nay, rào tôn được phá đi, máy móc được đưa về, nhưng mỗi ngày chỉ có vài công nhân thi công trên công trường. Theo lãnh đạo UBND xã Liên Hồng, dự án bắt đầu thu hồi mặt bằng từ năm 2015, nhưng vướng một số mộ của dân. 

Dù vậy, mặt bằng sạch cho dự án được bàn giao từ giữa năm 2018, còn tiến độ tới nay ra sao, xã không nắm được. Cách công trường nhà máy nước không xa là văn phòng Ban quản lý dự án, nhưng khi phóng viên tìm tới, cửa đóng then cài, dù gọi nhiều lần vẫn không ai xuất hiện.

avatar_1575332995847

Công trường xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng (xã Liên Hồng, Đan Phượng, Hà Nội) vẫn chỉ là mặt bằng "sạch", dù theo kế hoạch phải đưa vào sử dụng từ năm 2018. (Ảnh: Phạm Thanh)

Dự án nhà máy nước mặt sông Hồng được Hà Nội chấp thuận đầu tư vào tháng 10/2015, nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Nước mặt sông Hồng (2 cổ đông chính là Công ty Cổ phần Nước sạch Thành Long góp 79% vốn, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội góp 20% vốn). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.692 tỷ đồng do doanh nghiệp tự huy động. Diện tích sử dụng đất hơn 20,5 ha.

Giai đoạn 1 của dự án đặt mục tiêu hoàn thành và cấp nước từ năm 2018, với công suất 150.000 m3/ngày đêm; giai đoạn 2 đến năm 2020, nâng công suất lên 300.000 m3/ngày đêm, cấp nước cho khu vực huyện Đan Phượng, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm... Dự án sử dụng công nghệ truyền thống kết hợp hiện đại, gồm các bước: sơ lắng cặn thô - keo tụ - trộn phản ứng - lắng ngang - lọc nhanh - lọc hữu cơ (than hoạt tính) - khử trùng - bể chứa nước sạch và cung cấp tới người dân.

Cảnh báo an ninh nguồn nước

Đề án khai thác nước mặt sông Hồng thay thế nước ngầm đã được Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội triển khai nghiên cứu từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên, vì một số lí do, dự án này mất nhiều năm để bàn thảo, xây dựng.

Theo kết quả nghiên cứu về nước sạch khu vực Đồng bằng sông Hồng của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố năm 2012, ở nhiều nơi thuộc lưu vực sông Hồng, nguồn nước mặt bị ô nhiễm nhiều loại chất hữu cơ, vi khuẩn, vi sinh vật; tổng chất rắn lơ lửng có hàm lượng cao. 

Theo nghiên cứu này, gần một nửa lưu vực sông Hồng nằm ngoài Việt Nam nên nhiều mối đe dọa đối với chất lượng nước và nguồn cung nước ở lưu vực sẽ mang tính xuyên biên giới, nằm ngoài khả năng kiểm soát trực tiếp của Việt Nam.

Nghiên cứu này chỉ ra, nồng độ ôxy sinh hóa (BOD) và nhu cầu ôxy hóa học (COD) bình quân vượt quá tiêu chuẩn loại A với nước uống (theo TCVN6) ở hầu hết các dòng sông, cao gấp 1-2 lần tiêu chuẩn. 

Đoạn sông qua Phú Thọ, BOD và COD vượt mức tiêu chuẩn quốc gia. Trong khi đó, kim loại nặng hiếm khi được giám sát trong các chương trình giám sát ở địa phương. Vì vậy, hầu như không có dữ liệu để xác định mức độ ô nhiễm kim loại. “Mức độ ô nhiễm cao ở nhiều khu vực đặt ra một số thách thức trong lựa chọn công nghệ và thiết kế nhà máy xử lí nước phụ thuộc vào nguồn nước mặt”, WB nhận định.

Theo nghiên cứu của nhóm tác giả TS Trần Lập Dân  - TS Vũ Thị Thu Lan - KS Hoàng Thanh Sơn công bố tại Hội thảo “Khai thác những lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, kinh tế-xã hội trong quá trình đô thị hoá và phát triển bền vững vùng Thủ đô Hà Nội” (tháng 10/2006), nước sông Hồng chứa nhiều cát bùn lơ lửng, độ đục cao, hàm lượng hóa chất độc hại như arsenic, chì, phenol... cao, khó sử dụng cho sinh hoạt.

Ngày 2/12, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Trần Quang Hưng, nguyên Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, nói rằng, thượng nguồn sông Hồng hay sông Đà đều bắt nguồn từ nước ngoài, tuy nhiên, nguồn nước sông Hồng nhiều nguy cơ ô nhiễm hơn, do chảy qua nhiều khu vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp của nước bạn và Việt Nam. 

“Với các nhà máy nước sinh hoạt, điều quan trọng là phải quan trắc được các chất thải công nghiệp và có thể xử lí được chúng, vì những nguy cơ này sông Hồng luôn có”, ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, Đề án nghiên cứu sử dụng nước mặt sông Hồng làm nước sinh hoạt đã có từ 20 năm trước, nhưng do yếu tố an ninh nguồn nước chưa tính được hết, lại khó kiểm soát, trong khi vẫn có thể khai thác nước ngầm, nên vẫn chưa triển khai.

Vị chuyên gia này dẫn trường hợp nước sạch sông Đà bị đổ dầu thải ở thượng nguồn, dù số lượng dầu đó nhỏ so với các khu công nghiệp, đô thị, hay các khu vực sản xuất nông nghiệp (sử dụng thuốc bảo vệ thực vật) thải ra, nhưng đã gây bất ổn, ô nhiễm cả nguồn nước sạch. 

Với nguồn nước sông Hồng, việc kiểm soát, cảnh báo, xử lí sự cố ra sao phải được đặt ra và có nguồn dự phòng thay thế. “Giá nước không quan trọng, quan trọng là chất lượng nước cho người dân sử dụng”, ông Hưng nhận định.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.