Nguyễn Phong Việt và một buổi chiều hạnh phúc bên ‘những vết thương’ | |
Nhà thơ Phong Việt: ‘Giới trẻ mua sách là một sự dũng cảm’ | |
Văn học trẻ TP HCM – một cái nhìn |
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt. Ảnh: Phi Hùng |
Chào anh, khi thực hiện cuốn sách Về đâu những vết thương, điều gì khiến anh ấn tượng nhất?
Như mọi người cũng biết, thành công của tập thơ đầu tiên Đi qua thương nhớ quá lớn, với những độc giả yêu quý Nguyễn Phong Việt họ sẽ luôn có cảm giác so sánh, đó là điều chắc chắn. Nhưng Việt tin một điều là, mình chưa bao giờ làm cho độc giả của mình thất vọng với tất cả những tác phẩm sau này. Ngay cả Về đâu những vết thương, khi đặt lên kệ sách và đứng cạnh những cuốn sách khác trước đây của Nguyễn Phong Việt nó vẫn không bị lép vế và có một vị trí riêng của nó, đó là điều khiến Việt vui nhất.
Một điều nữa là, Việt cảm thấy rất ấn tượng với lời đề tựa lần này: “Mình nói với nhau bao điều rồi mình thành xa lạ, mình tầm thường quá, phải vậy không?”, nó tạo một sự gợi mở cho người đọc.
Vì đâu mà anh lại nghĩ ra tựa đề là “Về đâu những vết thương”?
Cuốn sách đầu tiên Việt đặt tên là Đi qua thương nhớ, sau đó mình hình dung ra một concept, tức là mỗi cuốn sách của Việt sẽ gắn với nhau như một hành trình.
Cuốn Đi qua thương nhớ là cảm xúc của một người vừa đi qua thương nhớ và bắt đầu nhìn lại mình, bắt đầu hiểu được những giá trị, nỗi đau và sự giằng xé trong lòng… Sau đó là Từ yêu đến thương: Khi mình đi qua thương nhớ và gặp một tình yêu mới thì mình vun vén, chăm sóc và giữ gìn nó…
Rồi Sinh ra để cô đơn là dù tìm được tình thương mới nhưng thỉnh thoảng trong lòng vẫn có những khoảnh khắc khiến mình cô đơn… Và nó được xem như là một bản năng.
Đến Sống một cuộc đời bình thường là sau khi trải qua tất cả các cung bậc cảm xúc nói trên thì cái mong muốn lớn nhất lúc này sẽ là được sống một cuộc đời bình thường, chấp nhận tất cả những gì đến với mình như một điều tự nhiên vốn dĩ.
Còn Về đâu những vết thương là khi mình sống được một cuộc đời bình thường, mình hiểu được tất cả các giá trị cảm xúc trong cuộc sống, thì sẽ có một lúc nào đó mình tự hỏi bản thân: “Những cái tổn thương của ngày xưa đó giờ đã đi về đâu?”.
Sau Về đâu những vết thương thì Việt cũng đã nghĩ ra được tựa cho cuốn sách mới sẽ phát hành vào Giáng sinh năm sau, đó là “Sao phải đau đến như vậy?”. Ở cuốn sách này, Việt muốn gợi mở là: Khi chúng ta gặp một nỗi đau nào đó thì cách để chúng ta ứng xử với nỗi đau đó như thế nào…
Cuốn Về đâu những vết thương ra mắt bạn đọc đúng vào dịp Giáng sinh năm nay. Ảnh: Trần Lê Giang. |
Người ta hay nói đàn ông miền trung tính tình khô khan như chính mảnh đất này vậy, nhưng anh thì khác, hẳn là anh phải trải qua nhiều biến cố lắm trong cuộc sống mới có thể viết nên những câu chữ mượt mà như vậy?
Việt sinh ra trong một gia đình có 7 anh em trai, căn nhà chỉ duy nhất mẹ Việt là phụ nữ. Mình là con út và sinh ra vào thời bao cấp nên cuộc sống rất nhiều khó khăn. Lúc ấy, tất cả những gì ba mẹ Việt làm cho các con của mình là cố gắng mỗi ngày có cơm ăn và kiếm tiền để trang trải cuộc sống trong ngày, cũng như dành dụm để cho con mình ăn học. Nhưng nỗi lo cho ngày mai thì luôn thường trực, vì không phải lúc nào cũng có việc làm.
Thế nên, thời gian ba mẹ dành cho con cái không có nhiều, anh em Việt phải tự học, tự làm tất cả mọi thứ. Và chính vì thế nên, đôi khi mình gặp những nỗi buồn, những trắc trở trong cuộc sống thì mình không biết nói với ai mà phải giữ lại trong lòng… Dần dà theo thời gian, Việt rơi vào cảm giác luôn tự thu mình lại…
Đi qua thương nhớ là cuốn sách mình viết sau khi gặp một cú sốc lớn trong chuyện tình cảm. Và nếu như người khác, khi gặp một nỗi buồn nào đó có thể đi chơi, xem phim, du lịch cùng bạn bè… thì Việt lại bị thói quen co cụm lại, giữ tất cả vào lòng và không chia sẻ được với ai… Cho đến một lúc, Việt quyết định viết nó xuống, chỉ đơn giản là muốn đặt một thứ gì đó nặng nề khiến mình tổn thương xuống cho nhẹ lòng thôi.
Thế nên, trong thơ Việt viết bằng cảm xúc, mình nghĩ như thế nào thì viết bằng thế đó. Việt quan niệm một điều, cảm xúc của mình yêu cầu mình phải kể một câu chuyện thì mình phải viết lại như vậy. Nên Việt rất thoải mái trong vấn đề cảm xúc và có lẽ đó là điều khiến độc giả cảm thấy thú vị khi đọc thơ Nguyễn Phong Việt. Và sự thành công lớn nhất của mình là viết ra một cuốn sách mà độc giả đọc vào không cảm thấy bị lừa dối.
“Sự cô đơn dường như là một tố chất không thể thiếu của những người làm công việc sáng tạo” – Nguyễn Phong Việt. Ảnh: Phi Hùng. |
Trong các cuốn sách anh viết, có bao nhiêu phần trăm là được anh viết nên từ câu chuyện thật của mình?
Với cuốn Đi qua thương nhớ, gần như trọn vẹn là câu chuyện của Việt. Còn những cuốn sách về sau thì nó chỉ có một phần câu chuyện của mình trong đó thôi. Việt nghĩ đơn giản thế này, sức sáng tạo của con người có hạn, ai cũng có một hoặc vài câu chuyện thôi, không thể ngày này qua tháng nọ kể hoài một câu chuyện đó được.
Cái điều quan trọng nhất của người viết là, chúng ta phải đi, phải học, phải đọc, phải nhìn ngắm thế giới… Như bản thân Việt, phải đọc sách, xem phim, nghe nhạc, thậm chí bạn bè thỉnh thoảng có những nỗi niềm họ kể cho mình nghe. Thông qua những lần mình tiếp nhận, cóp nhặt những “dữ liệu” đó, đưa nó qua lăng kính của mình, viết lại bằng cách của Nguyễn Phong Việt.
Mặc dù anh đang có một gia đình hạnh phúc nhưng vẫn thể hiện những nỗi niềm về tình yêu như thể mình đang đau khổ vậy, bà xã anh có phản ứng gì không khi đọc thơ anh viết?
Thật ra, ngay khi bà xã Việt đọc cuốn sách Về đâu những vết thương, bà xã có nói là cảm thấy rất nặng lòng. Nhưng, như Việt có nói, mình là một người viết mà, không phải tất cả những gì mình kể đều là của mình. Có khi mình mượn những câu chuyện từ thế giới xung quanh và biến nó thành một câu chuyện qua lăng kính của Nguyễn Phong Việt thôi.
Còn một điều nữa là, đôi khi Việt cũng phải thừa nhận, với những người làm công việc liên quan đến sáng tạo (như người sáng tạo câu chữ, diễn viên, đạo diễn, nhạc sĩ…) thì trong bản năng của họ lúc nào cũng có một chút cô đơn… Đó là thực tế. Tức là, cái sự cô đơn đó nó không thể thiếu cho công việc sáng tạo của họ. Nhưng mà, phải biết cách giữ để làm sao cho cái sự cô đơn đó không bị tác động, ảnh hưởng đến người thân của mình.
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt chụp hình cùng vợ và con trai. Ảnh: NVCC |
Vậy bà xã có ủng hộ anh trong việc “sáng tạo câu chữ” này không?
À, ngày xưa bà xã Việt cũng từng là nhà thơ, nên cô ấy rất hiểu và đồng cảm được chứ không đến mức cảm thấy khó chịu. Việt biết, khi một người bên cạnh đọc được cuốn sách mình viết bằng những nỗi niềm, sự tuyệt vọng, ray rứt từ bên trong con người như thế thì đương nhiên là người ấy không thể nào vui được, nhưng sẽ hiểu cuốn sách đó vì sao nó là như vậy.
Việt nghĩ thế này, mọi người cũng sẽ giống như bà xã Việt thôi, cũng sẽ đau, sẽ buồn, sẽ nặng lòng khi đọc Về đâu những vết thương, nhưng Việt tin một điều, sau khi gấp cuốn sách lại tất cả sẽ mĩm cười và cảm ơn những tổn thương trong quá khứ đã giúp mình trở nên mạnh mẽ và trưởng thành hơn ở hiện tại.
Về đâu những vết thương là một hoài niệm về những vết thương của ngày tháng thanh xuân của mình. Và Việt tin là mọi người ai cũng có thể ít nhiều tìm thấy một câu chuyện về một góc khuất nào đó của mình trong cuốn sách lần này.