Cứ mỗi năm đến ngày giáp tết, người ta lại có những tranh cãi về việc có nên bỏ tết cổ truyền hay không. Năm nay cũng không phải là ngoại lệ. Cùng trò chuyện với nhà văn Tâm Phan để nghe những chia sẻ về tết cổ truyền cũng như quan điểm về gộp Tết Tây với Tết Ta.
Nhà văn Tâm Phan. |
- Xin chào chị Tâm Phan, là người may mắn được trải nghiệm cả hai cái tết – Tết Ta và Tết Tây. Theo chị cảm nhận thì hai cái tết này khác nhau như thế nào?
Với người phương Tây thì Giáng sinh lại quan trọng hơn là thời điểm chuyển giao năm mới. Đêm Giáng sinh 24/12 cũng giống như đêm giao thừa Tết Ta vậy. Khi trẻ con đi ngủ, cha mẹ đặt quà dưới gốc cây thông và cho kẹo bánh, những món đồ chơi nho nhỏ vào chiếc tất treo trước lò sưởi, vờ là quà của ông già Noel. Ngày 25/12 cũng giống y như ngày mùng 1 Tết Ta, mọi người tặng quà cho nhau, chúc tụng những điều tốt lành, giống như Việt Nam lì xì tiền mừng tuổi cho con trẻ. Ngày 25/12 là ngày sum họp gia đình, dù ai đi đâu về đâu, Giáng sinh họ cũng cố gắng có mặt ở nhà vào ngày 24/12 giống như ngày 30 Tết của Việt Nam. Theo tôi quan sát, thời điểm chuyển giao năm mới (Tết Tây) họ cũng tổ chức giống như Việt Nam ăn mừng Tết Tây thôi, cũng bắn pháo hoa và mọi người đều tham dự tiệc cuối năm cùng cơ quan, bè bạn. Tuy nhiên, những gì thuộc về truyền thống và gia đình thì phải là Giáng sinh.
- Hiện nay có rất nhiều ý kiến cũng như tranh cãi xung quanh việc gộp Tết Tây và Tết Ta? Chị nghĩ nên hay không nên và tại sao?
Tôi không thấy có lý do gì để gộp 2 cái Tết này vì tính chất của chúng hoàn toàn khác nhau. Như đã nói bên trên, người phương Tây có Giáng sinh là “Tết cổ truyền” của họ, rất gần với năm mới là Tết Tây nhưng họ không gộp lại. Họ vẫn chào đón nó và vẫn giữ nếp sum họp gia đình vào dịp Giáng sinh. Người Việt Nam cũng vậy thôi, vừa đón Tết Tây mang tính “ngoại giao” vừa có Tết Ta mang tính “nội giao”. Hai cái Tết hoàn toàn có thể đi song song với nhau mà không giống nhau.
"Cố gắng đưa con về Việt Nam vào dịp Tết để con được sống trong không khí đầm ấm gia đình nhà ngoại". |
- Hồi ức về Tết cổ truyền đẹp đẽ mà chị nhớ nhất là gì?
Tết cổ truyền là một điều thiêng liêng đẹp đẽ gắn liền với tuổi thơ của bất cứ ai. Nó là tập hợp của ký ức về âm thanh, hình ảnh, mùi vị, cảm xúc theo ta đi suốt cuộc đời. Chỉ cần nghe 1 câu hát “Mùa xuân, mùa xuân, một mùa xuân nho nhỏ…” hay nhìn hình ảnh chợ hoa, cành đào, cành mai, cây quất, hay ngửi thấy mùi măng khô, mùi bánh chưng bánh tét, mùi lá mùi già thơm nồng là lòng nao nao nhớ Tết. Đối với tôi, Tết cổ truyền không gì có thể thay thế được.
Bé Jenna khi 5 tuổi được bố mẹ cho về Việt Nam ăn tết. |
"Tôi muốn con có được những ký ức đẹp về Tết cổ truyền". |
- Chị nghĩ bọn trẻ con Việt Nam bây giờ có thiệt thòi về mặt cảm xúc không, khi những háo hức mong chờ ngày Tết cổ truyền đã vơi đi ít nhiều?
Tất cả là do người lớn. Chỉ những người thực dụng mới nói Tết phải lì xì, Tết phải nấu nướng, Tết phải hầu người này người nọ. Thực tế là họ đã tước đi quyền hạnh phúc của chính mình. Họ hoàn toàn có thể dành thời gian sum vầy cùng gia đình, tìm niềm vui trong việc nấu cho vợ/ chồng con cái những món ăn ngày Tết hoặc thậm chí tìm mua những món ăn đặc trưng ngày Tết và gia đình cùng hưởng thụ. Nó phải là 1 niềm vui, niềm tự hào từ cha mẹ truyền sang con cái chứ không phải “gánh nặng” và cha mẹ cố “bớt xén” của con.
Năm nay cả nhà không về Việt Nam ăn tết nhưng Tâm Phan vẫn giữ cho con thói quen mặc áo dài vào ngày quan trọng này. |
Bé Jenna 7 tuổi duyên dáng trong tà áo dài truyền thống. |
- Chị mong muốn con mình nghĩ và có cảm nhận về Tết cổ truyền như thế nào?
Tôi luôn muốn con tôi có được những ký ức đẹp của tôi về Tết và cố gắng đưa con về Việt Nam vào dịp Tết để con được sống trong không khí đầm ấm gia đình nhà ngoại. Tết năm nay chúng tôi không về Việt Nam nhưng tôi vẫn tổ chức tiệc Tết, mời 2 gia đình Việt Nam ở Úc tới chung vui cùng gia đình tôi. Mỗi nhà sẽ làm 2 món ăn ngày Tết mang tới góp tiệc, con cái sẽ mặc áo dài, các cha mẹ chuẩn bị bao lì xì cho các con. Tôi dự định sẽ gói bánh tét và làm 1 cành đào hoa giấy cùng con gái nữa, một phần là để trang trí cho có không khí Tết, một phần vì con gái tôi cũng rất thích làm thủ công. Điều này sẽ tăng ý nghĩa của Tết cổ truyền cho những người con xa xứ như tôi.
- Kỷ niệm đón tết cổ truyền nào ở Việt Nam của bé Jenna mà chị nhớ nhất cho đến bây giờ?
Hồi bé Jenna 5 tuổi đón Tết ở Việt Nam, con rất vui khi nhận được bao lì xì nhưng khi mở ra thấy tiền con lại khá thất vọng. Tôi nghĩ nếu bên trong là 1 miếng đề can công chúa thì có lẽ con sẽ vui hơn rất nhiều (cười).
"Tết là tập hợp của ký ức về âm thanh, hình ảnh, mùi vị, cảm xúc theo ta đi suốt cuộc đời". |
- Năm đầu tiên đón tết xa quê hương, chị đã làm gì để vơi đi nỗi nhớ tết cổ truyền?
Phương Tây không có khái niệm gì về Tết ở Việt Nam nên những ngày Tết là những ngày làm việc bình thường đối với họ. Năm đầu tiên đón Tết xa quê hương tôi vào youtube bật những bài hát đón Xuân mà tôi ưa thích. Tôi tự mày mò học gói bánh tét, làm giò thủ, nấu măng, ninh sườn, những món cha mẹ tôi vẫn làm vào ngày Tết.
"Tôi tự mày mò học gói bánh tét". |
- Tết cổ truyền đang dần trở thành dịp để các gia đình “trốn tránh” những thủ tục rườm rà, cỗ bàn lễ lạt, và họ lên kế hoạch đi du lịch đâu đó. Quan điểm cá nhân chị về vấn đề này là như nào?
Đó hoàn toàn là sự lựa chọn của họ, tôi không có quyền đánh giá. Tuy nhiên, nếu bảo người phương Tây hãy bỏ Giáng sinh đi, không phải tặng quà cáp nữa, hãy đi du lịch, hãy nói với trẻ con rằng ông già tuyết là không có thật thì họ sẽ vô cùng tức giận. Cả năm họ mong đợi đến Giáng sinh là dịp duy nhất sum họp đại gia đình, thể hiện sự quan tâm tới người thân qua những món quà mà bạn lại toan tước đi niềm hạnh phúc của họ? Không đời nào! Còn thời điểm giao thoa giữa năm cũ và năm mới là một sự kiện của lịch sử, diễn ra mỗi năm 1 lần. Cả thế giới cùng đón mừng năm mới chứ không riêng gì Việt Nam.