Nhạc xưa nhạt dần dù trào lưu sống lại

Nhạc xưa hay nhạc Bolero nhạt dần do chất lượng ca sĩ không chất lượng và đạt đỉnh như các ca sĩ xưa

Ai ai cũng hát

Ca sĩ từ trẻ đến hạng sao đều đua nhau làm album bolero. Mới đây nhất, ca sĩ Hồ Quỳnh Hương ra album “Hương xưa” với các ca khúc một thời như Sầu lẻ bóng, Mưa nửa đêm, Câu chuyện đầu năm… “Tôi không hát bolero để cạnh tranh với những ca sĩ tên tuổi vì họ quá nổi tiếng với các ca khúc này rồi. Tôi hi vọng mình sẽ thổi một làn gió mới cho các ca khúc bolero và tạo nên nét riêng cho nó chứ không phải khẳng định mình hát tốt dòng nhạc này”, Hồ Quỳnh Hương chia sẻ.

Ngay cả Mỹ Tâm cũng hát Sầu lẻ bóng trong một đêm nhạc. Trước đó, Phương Thanh, Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Cẩm Ly, Dương Triệu Vũ cùng hàng loạt sao trẻ khác đều thử sức sang bolero, như Thanh Thảo, Hiền Thục, Hoàng Bách, Phan Đinh Tùng, Nhật Tinh Anh, Quang Hà, Quốc Thiên, Phương Vy,Tiêu Châu Như Quỳnh. Song thành công nhất mới chỉ có Lệ Quyên, Cẩm Ly, sau này có Hà Vân, Hoài Lâm. Bên cạnh đó, hàng loạt các chương trình truyền hình thực tế tuyển sinh dòng nhạc bolero, mà ngồi ghế giám khảo và sẵn sàng biểu diễn cùng thí sinh có nhiều tên tuổi lớn ở hải ngoại như: Phương Dung, Giao Linh, Mạnh Quỳnh, Phi Nhung, Quang Lê...

Các chương trình “Sol vàng”, “Tình khúc vượt thời gian”, “Thay lời muốn nói”, “Ngôi sao phương Nam”, “Những nốt nhạc ngân”, Thần tượng bolero, Solo cùng bolero,Tình bolero, Hãy nghe tôi hát... đều thu hút người xem. "Solo cùng bolero" mùa hai lên đến 20.000 thí sinh đăng ký, còn "Thần tượng bolero" ngay mùa đầu đã có 40.000 người tham gia.

nhac xua nhat dan du trao luu song lai

Hồ Quỳnh Hương cũng thử sức với nhạc xưa.

Tuy nhiên, đãi cát tìm vàng, song những giọng ca quán quân cũng không bật lên nổi. Nhiều giọng ca học hành bài bản, thậm chí theo học opera, nghe chừng có nhiều mâu thuẫn với trường phái bản năng nhưng luyến láy ngọt ngào của bolero, nhưng qua tay huấn luyện viên không chuyên về dòng nhạc này song lắm fan thì bỗng dưng giành chiến thắng. Thế cho nên, người người đua nhau hát, người người đua nhau thi, song để tìm ra một giọng ca đúng chất thì còn xa vời.

Chỉ là "bản sao" của thần tượng

Thực ra, bolero ai cũng có thể hát được nhưng hát hay thì rất khó. Là bởi, dòng nhạc này phải thấm vào máu và hội đủ nhiều yếu tố mới có thể làm nên một tên tuổi. Ai cũng thử, nhưng để hiểu sâu sắc hay để chất bolero hòa quyện thì lại hiếm. Ngay như Lệ Quyên cũng cố tạo cách hát quá sầu bi, nức nở, hay Hồ Quỳnh Hương dù tiết chế nhiều kỹ thuật song giọng hát vẫn chưa thực sự tự nhiên.

Do vậy, hễ trong các cuộc thi, tìm ra được giọng ca na ná đàn anh đàn chị là đã mừng rồi. Ngược lại, đàn anh, đàn chị cũng dùng lời có cánh khen thí sinh, nên lớp trẻ càng tự tin với lối hát của mình hơn, bất chấp bị ảnh hưởng ai đó hoặc bị lai sang dòng nhạc khác.

Chẳng hạn, ở cuộc thi “Solo cùng bolero” xuất hiện giọng ca giống hệt Duy Khánh (thí sinh Lê Minh Trung) hay ở “Thần tượng bolero” thì có người được ví như bản sao Quang Lê (thí sinh Đình Nguyên, Bảo Nam) hay bản sao Tuấn Vũ (thí sinh Tiến Vinh)… Chưa kể, có những ca sĩ từng “phá nát” bolero như Quách Tấn Du, chuyên hát bolero ở hồ bơi, vây quanh là dàn người đẹp ăn mặc hết sức mát mẻ, nhảy nhót loạn xạ. Ngoài ra, nhiều chương trình cố làm mới các ca khúc bằng cách hòa âm phối khí lại cho gần với giới trẻ, tăng cường thêm vũ công trên sân khấu...

nhac xua nhat dan du trao luu song lai
Ban giam khảo chương trình "Tình Bolero".

Cuối cùng, có khi chương trình là cả... nồi lẩu thập cẩm hầm bà lằng. Khi được hỏi cái khó của chương trình truyền hình thực tế "Thần tượng bolero", giám đốc âm nhạc, nhạc sĩ Minh Vy nhìn nhận: “Hồn của bài hát, của câu hát là mấu chốt của bolero, có những thí sinh ở lứa tuổi của họ chưa thẩm thấu được. Nên trước vòng tập, công ty khá chịu chơi, mời cả chuyên viên giải phóng hình thể, luyện thanh về tập trước cả tháng, đồng thời mời nhạc sĩ gạo cội viết bài thời đó như Hà Phương, Tô Thanh Tùng, Hàn Châu, Y Vũ, Đài Phương Trang… đến nói chuyện với thí sinh, truyền cảm xúc cho họ. Tiếp cận với thí sinh, truyền đạt tâm hồn đến với họ, cộng với tâm huyết của dàn HLV thì hy vọng mới họ hát mới có hồn.”

Ở góc nhìn của người trong cuộc, ca sĩ Hoàng Bách cho biết, anh gặp nhiều khó khăn khi thử sức với nhạc xưa. “Khó khăn đầu tiên là sự trải nghiệm. Mới đầu tôi nghĩ mình đã có đủ khả năng, nhưng càng hát càng cảm nhận được mình chưa có đủ sự trải nghiệm về bài hát. Không có gì khác ngoài việc mình phải nghe nhiều hơn, sống với bài hát nhiều hơn. Với dòng nhạc xưa, càng hát càng khám phá được nhiều điều mới mẻ của nó”, nam ca sĩ tâm sự.

Đừng làm lai tạp bolero

Đa số các ca sĩ trẻ chạy theo thị hiếu âm nhạc, hoặc thể nghiệm, mà quên mất tâm hồn phải thấm nhuần ca khúc thì mới thể hiện được cái tình, cũng như đỉnh cao của ca khúc.

Lo ngại về tình trạng này, nhạc sĩ Tuấn Khanh bình luận: “Nếu lưu tâm cũng thấy, các chương trình huấn luyện người hát bolero trong các chương trình game show có mặt tích cực, nhưng cũng có điều đáng lo khi người hát được nắn nót theo ý kiến các “huấn luyện viên” một cách chủ quan. Lằn ranh của nhạc quê hương, nhạc pop và cả các kỹ thuật thanh nhạc theo kiểu trường lớp cổ điển ngày càng trở nên mong manh. Rất dễ thấy các thí sinh bolero có lối hát ngân rung mạnh mẽ và rền vang như opera trong một tình khúc êm dịu. Hoặc cách nhả chữ âm Bắc khỏe và cứng - điều hết sức tế nhị trong trình diễn bolero - được giữ nguyên trong nhiều bài thi hát gần đây. Việc tạo công thức trình diễn bolero trên sân khấu, cũng như công nghiệp hóa số lượng đông đảo ca sĩ dự thi bolero, có thể làm mòn mỏi các góc cạnh sắc bén nhất của dòng nhạc này.” Ngoài ra, thay vì hát giọng mũi cho đúng đặc trưng của bolero, không ít ca sĩ và thí sinh hát theo kiểu thanh nhạc du nhập từ nhạc pop phương Tây nên người nghe bolero truyền thống cảm thấy bị lạc trong làn sóng quá “mới” và “lạ”.

Cũng theo nhạc sĩ Tuấn Khanh, “không ít người yêu bolero vẫn mong muốn nhìn thấy diện mạo đúng và quen thuộc của dòng nhạc mình yêu thích. Cách tân - tạm gọi như vậy - nên là một thay đổi mang tính cách mạng của từng cá nhân, bởi cảm nhận riêng của nghệ sĩ - hơn là một cuộc ép uổng đại trà. Các game show âm nhạc đang đua tranh dàn dựng một thế hệ mới trình diễn bolero, hết sức chủ quan, nhưng lại không ít lần khoác cho bolero một chiếc áo hiện đại gượng ép và biến một lớp thí sinh vội vã thành ca sĩ theo tiến độ chương trình. Nhưng bên cạnh đó cũng cần một ban tổ chức có tầm, có chuyên môn và sự cẩn trọng với vốn quý đó, để áp dụng những phương thức đúng giúp bolero không trở nên xa lạ và dễ dãi với công chúng. Nếu không, bolero sẽ quay lại thời kỳ đen tối của nó khi bị lạm dụng và trở thành đối tượng bị chỉ trích vô tội vạ của giới truyền thông”.

chọn
Nhiều ông lớn cập bến Ninh Thuận
Từ đầu năm đến nay, Ninh Thuận lần lượt đón các doanh nghiệp bất động sản lớn tìm về đầu tư như Ecopark, Hà Đô, T&T, Hoàng Quân...