Nhập viện vì Covid - 19, cô gái Mỹ hốt hoảng với hoá đơn điều trị gần 35.000 USD

Tạp chí Time của Mỹ cho biết số tiền cô gái này phải trả cho hoá đơn điều trị Covid - 19 chính xác là 34.927,43 USD, tương đương khoảng 870 triệu đồng.

Sốc với hoá đơn điều trị Covid - 19 gần 900 triệu đồng

Vào ngày thứ Bảy cuối tháng Hai, khi Danni Askini bắt đầu cảm thấy đau tức ngực, khó thở kèm với chứng đau nửa đầu, cô đã gọi cho bác sĩ ung thư, người đang điều trị bệnh ung thư hạch của cô. Vị bác sĩ cho rằng cơ thể của cô đang phản ứng với một loại thuốc mới, và khuyên cô nên đến bệnh viện ở khu vực Boston. Tại đó, các bác sĩ nói với cô rằng cô có khả năng bị viêm phổi, và cho cô về nhà để tự theo dõi thêm.

Trong vài ngày tiếp theo, Askini thấy nhiệt độ cơ thể tăng đột biến và sau đó lại giảm xuống một cách hết sức nguy hiểm. Cô bắt đầu ho dữ dội vì những chất lỏng khó chịu trong phổi. 

Sau hai chuyến quay trở lại bệnh viện, Askini được các bác sĩ giúp điều trị các triệu chứng giống như cảm cúm và viêm phổi, họ tiếp tục khuyên cô trở về nhà để nghỉ ngơi. Askini phải đợi thêm 3 ngày để phòng xét nghiệm cho ra kết quả chính xác căn bệnh cô đang mắc phải. 

Và kết quả cuối cùng, Askini đã dương tính với virus Covid - 19.

Vài ngày sau, cô gái trẻ nhận được hoá đơn cho việc xét nghiệm và điều trị của mình, tất cả hết 34.927,43 USD, tức hơn 870 triệu đồng.

“Tôi bị sốc. Rất sốc”, Askini hoang mang. “Tôi không biết đó là những chi phí gì”.

Nhập viện vì Covid - 19, cô gái người Mỹ hốt hoảng với tờ hoá đơn lên tới gần 900 triệu đồng - Ảnh 1.

Sốc với hoá đơn điều trị Covid - 19 lên tới gần 900 triệu đồng. (Ảnh: AFP).

Giống như 27 triệu người Mỹ khác, Askini không có bảo hiểm khi lần đầu tiên đến bệnh viện. Cô và chồng đã lên kế hoạch chuyển đến Washington DC trong tháng này để nhận công việc mới. Tuy nhiên, kế hoạch đó đã bị hoãn lại. Askini đã nộp đơn xin trợ cấp y tế, và hi vọng bệnh viện sẽ xem xét lại các hoá đơn của cô. 

Các chuyên gia y tế cộng đồng dự đoán rằng hàng chục ngàn và có thể là hàng triệu người trên khắp nước Mỹ sẽ phải nhập viện vì Covid - 19 trong thời gian tới. Vào ngày 18/3, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật Phản ứng với Covid -19, có xét đến chi phí xét nghiệm, nhưng không nhắc gì tới chi phí điều trị, theo tạp chí Time.

Trong khi hầu hết những người nhiễm Covid - 19 không nhất thiết phải nhập viện, và có thể tự hồi phục, điều trị tại nhà, thì theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những người có diễn biến bệnh quá nặng phải đến các khu Chăm sóc tích cực (ICU), và sẽ phải đối mặt với các hoá đơn khổng lồ, bất kể họ có bảo hiểm gì. 

Chính phủ Hoa Kỳ đang nghiên cứu để tung ra gói cứu trợ cho mỗi cưu dân 1.000 tỉ USD trong tương lai, nhằm giúp giảm bớt một số khó khăn về kinh tế khi đại dịch xảy ra, nhưng theo Time, mức hỗ trợ này chẳng thấm vào đâu so với những gì mà người dân Mỹ đang phải gánh trên lưng.

Người Mỹ chính xác phải trả bao nhiêu để điều trị Covid - 19?

Với hệ thống y tế phân mảnh, số tiền mà người bệnh phải trả để điều trị Covid - 19 phụ thuộc vào loại bảo hiểm người đó mua, các lợi ích của gói bảo hiểm đó và số tiền khấu trừ mà người bệnh đã chi trả.

Một phân tích mới đây từ Kaiser Family Foundation, ước tính chi phí trung bình cho một người sử dụng bảo hiểm lao động bình thường, phải trả cho việc điều trị Covid -19 và với điều kiện người này không có thêm bất kì biến chứng nào, là 9.763 USD, tức khoảng 244 triệu đồng. 

Nếu phải điều trị thêm các biến chứng khác, số tiền có thể tăng gấp đôi lên 20.292 USD, tức khoảng 507 triệu đồng.

Với những người không có bảo hiểm thì chi phí điều trị Covid -19 có thể lên tới con số khổng lồ như cô gái trẻ Danni Askini kể trên.

Nhập viện vì Covid - 19, cô gái người Mỹ hốt hoảng với tờ hoá đơn lên tới gần 900 triệu đồng - Ảnh 2.

Với những người không có bảo hiểm thì chi phí điều trị Covid -19 có thể lên tới con số khổng lồ. (Ảnh: The Hill).

Để giúp đỡ những người này trong việc thanh toán chi phí điều trị Covid - 19, một số bệnh viện và một vài tiểu bang đang triển khai các chương trình chăm sóc từ thiện, cũng như hỗ trợ một phần tài chính.

Một số tiểu bang ở Mỹ gồm Maryland, Massachusetts, Nevada, New York, Rhode Island và Washington, đã lên kế hoạch cho phép nhiều người cùng lúc có thể tham gia đóng bảo hiểm từ giữa năm nay, giúp họ bớt đi gánh nặng chi phí.

Các tiểu bang khác đang yêu cầu đưa vaccine Covid - 19 vào danh mục bảo hiểm chi trả trong thời gian tới, hoặc thay đổi quy định mua thuốc theo toa, giúp người dân tích trữ các loại thuốc thiết yếu tốt hơn. 

Đến nay, tại Maine, Maryland, Massachusetts, Nevada, New Mexico, New York và Oregon đã yêu cầu các công ty bảo hiểm phải chi trả chi phí cho vaccine ngừa Covid - 19, một khi nó sẵn sàng có mặt trên thị trường. 

Nhiều người Mỹ không dám đến bệnh viện vì chi phí quá cao

Nhập viện vì Covid - 19, cô gái người Mỹ hốt hoảng với tờ hoá đơn lên tới gần 900 triệu đồng - Ảnh 3.

Nhiều người Mỹ không dám đến bệnh viện vì chi phí quá cao. (Ảnh: Time).

Câu hỏi đặt ra là sẽ ra sao nếu tôi không có đủ khả năng để trả tiền điều trị, thậm chí là không có tiền để đóng bảo hiểm?

Rất tiếc, hệ thống chăm sóc sức khoẻ của Hoa Kỳ không có câu trả lời. Tuy nhiên, có một vài lưu ý có thể giúp người bệnh giảm chi phí khi điều trị Covid - 19.

Thứ nhất, nếu bạn nghi ngờ mình đang nhiễm Covid - 19, bước đầu tiên là nhấc điện thoại lên và gọi cho bác sĩ gia đình, hoặc khoa cấp cứu. Điều này cho phép họ chuẩn bị giường bệnh, cung cấp cho bạn các hướng dẫn cần thiết ban đầu, và cũng có thể giúp bạn tiết kiệm tiền.

Thứ hai, nên nhớ rằng điều trị tại bệnh viện sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với việc đến phòng khám của bác sĩ. Một chi phí khác đến từ cơ sở vật chất, chi phí mà rất nhiều bệnh viện sẽ tính khi bệnh nhân bước qua cửa của họ. Ví dụ, trong lần đầu tiên tới bệnh viện ở Boston vào ngày 29/2, Danni Askini đã phải trả 1.804 USD khi bước vào phòng cấp cứu, và trả thêm 3.841,07 USD khác cho các dịch vụ của bệnh viện.

Tuy nhiên theo tạp chí Time của Mỹ, ngay cả khi đại dịch Covid - 19 không bùng phát trên toàn cầu, người Mỹ vẫn phải đối mặt với các chi phí khám chữa bệnh cao hơn rất nhiều so với phần còn lại của thế giới, và có hàng triệu người đã không dám đến bệnh viện chữa bệnh, vì lo ngại chi phí của nó. 

Dịch Covid - 19 ập đến khiến tình hình càng trở nên cấp bách. Nhiều người Mỹ phải chi trả những hoá đơn khổng lồ, hoặc tìm cách né tránh việc này bằng cách trốn xét nghiệm, không điều trị,… khiến dịch bệnh ngày càng có diễn biến phức tạp và lây lan rộng hơn.

Đến 21/3, thế giới đã có 276.113 người nhiễm bệnh, và 11.402 trường hợp tử vong có liên quan tới Covid - 19.

Trong đó, tại Mỹ tính đến 7h sáng ngày 21/3 đã ghi nhận 18.876 ca nhiễm, và 237 người chết vì Covid - 19. Chỉ trong 1 ngày, số người mắc Covid-19 đã tăng vọt thêm 5.087 ca. Một nhân viên trong văn phòng Phó Tổng thống Mike Pence, người đứng đầu công tác đối phó Covid-19, đã được xác định dương tính với nCoV.