Một ngày của đô vật sumo Nhật Bản: Ăn 8.000 calo, đeo mặt nạ oxy khi ngủ |
Vào tháng 2, Maithilee Jadeja trình báo với cảnh sát cô làm mất chiếc điện thoại di động trên đỉnh nủi Aso, một trong những ngọn núi lửa còn hoạt động ở Nhật Bản và cũng là địa điểm du lịch phổ biến. Jadeja tuột tay đánh rơi chiếc điện thoại khi giơ máy lên chụp ảnh.
Hai tháng sau đó, cô sinh viên 20 tuổi đang theo học tại một trường đại học ở Kyoto nhận được giấy báo của cảnh sát ở vùng Kumamoto, cách nơi cô sống khoảng 500 km, rằng họ đã tìm thấy chiếc điện thoại của cô.
Theo cảnh sát, một người đi leo núi đã tình cờ nhặt được và giao nộp lại. Vì màn hình điện thoại đã nát vụn nên cảnh sát băn khoăn không biết Jadeja còn muốn nhận lại chiếc điện thoại không?
Khoảng một tuần sau, chiếc điện thoại, được gói gém cẩn thận trong hộp xốp, trở về với chủ nhân. "Tôi thử bật điện thoại và thật kỳ diệu nó vẫn hoạt động tốt", Jadeja nhớ lại, "Cảm giác thật hạnh phúc và ấm áp khi biết rằng có ai đó đã tốn nhiều công sức đến vậy để giúp bạn tìm lại vật đã mất".
Ở Nhật Bản, những câu chuyện như của Jadeja, chẳng may đánh rơi điện thoại, bỏ quên ví tiền, làm mất chìa khóa hay thất lạc những đồ vật có giá trị, thường kết thúc có hậu, Al Jazeera đưa tin.
Thiên đường của những người làm mất đồ
Một điểm tiếp nhận đồ thất lạc, gọi là koban, ở Nhật Bản. Ảnh: Al Jazeera. |
Nhật Bản từ lâu đã được thế giới công nhận là một quốc gia trung thực. Báo cáo của đơn vị phụ trách tìm kiếm và lưu giữ đồ đạc thất lạc trực thuộc lực lượng cảnh sát đô thị Tokyo cho biết, năm 2016, khoảng 3,76 tỉ yên (33 triệu USD) tiền mặt bị thất lạc được giao nộp cho cảnh sát và 3/4 số tiền này đã được hoàn trả cho đúng chủ nhân. Ngoài tiền mặt, vào năm ngoái, cảnh sát Tokyo đã xử lý gần 4 triệu món đồ thất lạc, tăng gần ba lần so với năm 1997, trong đó thẻ tín dụng, bằng lái xe và ô che mưa chiếm số lượng lớn nhất.
Trung tâm chứa đồ thất lạc rộng 660 mét vuông của thủ đô Tokyo mỗi năm tiếp nhận hàng triệu món đồ thất lạc, từ vật dụng hàng ngày như mắt kính, chìa khóa, điện thoại hay bằng lái xe cho đến những thứ tưởng như không thể bị bỏ quên ở nơi công cộng như hũ đựng tro cốt, theo Japan Times.
"Tôi làm rơi ví trên đường từ sân bay Narita về khách sạn ngay ngày đầu tiên đặt chân đến Tokyo. Một chữ bẻ đôi tiếng Nhật tôi cũng không biết vì vậy tôi đã phải nhờ một người bạn giúp liên hệ với khách sạn nơi tôi trọ. Và không lâu sau đó, cảnh sát Tokyo đã mang ví đến trả lại tôi tận tay. Thật không thể tin được", Rishank Kumar, người Mỹ, chia sẻ.
Mark D West, hiệu trưởng trường đại học Luật Michigan, Mỹ và là tác giả cuốn "Law in Everyday Japan: Sex, Sumo, Suicide, and Statutes" (Tạm dịch: Luật pháp trong cuộc sống hàng ngày ở Nhật Bản: Tình dục, Sumo, Tự tử và Luật lệ), đã miêu tả "Nhật bản là thiên đường của những người hay làm mất đồ".
Theo ông West, cảnh sát Nhật Bản tìm kiếm và quản lý hiệu quả đồ thất lạc là do hệ thống luật pháp của quốc gia này chặt chẽ và hoàn thiện.
Nhật Bản quy định đồ vật thất lạc phải được trả lại cho chủ sở hữu hoặc giao tại đồn cảnh sát địa phương. Những người tìm được đồ vật thất lạc sẽ được thưởng 5% - 20% giá trị món đồ. Nếu sau ba tháng mà không ai đến nhận thì người tìm thấy chúng, nếu muốn, sẽ đương nhiên được sở hữu món đồ đó.
"Ai cũng biết nếu trả lại đồ thất lạc họ sẽ được nhận một khoản tiền thưởng", West nói, "Vì thế, họ cất công giao nộp các món đồ tại đồn cảnh sát khu vực".
Theo thống kê, có khoảng 6.000 điểm tiếp nhận đồ thất lạc, gọi là koban, trên khắp nước Nhật. Những điểm này, thường có diện tích nhỏ như một căn phòng, là mối nối quan trọng giúp những người chủ tìm lại đồ đã mất.
Sự trung thực
Không chỉ do luật pháp nghiêm minh mà còn do tính kỷ luật trong cách sống người Nhật. Ngay từ khi còn bé, trẻ em ở Nhật Bản đã được nghe cha mẹ hoặc thầy cô nói về những điểm tiếp nhận đồ thất lạc và thậm chí bọn trẻ còn biết vị trí chính xác của các koban gần nơi mình ở phòng trường hợp nhặt được của rơi. Hầu hết trẻ em Nhật Bản đều từng đến koban ít nhất một lần.
Toshinari Nishioka, một cựu cảnh sát đang làm giảng viên tại trường đại học Quan hệ Quốc tế Kansai, cho biết cho dù số tiền nhặt được nhỏ đến mấy, trẻ em cũng được giáo dục phải giao nộp lại cho cảnh sát và cảnh sát cũng sẽ nghiêm túc xử lý số tiền đó theo đúng quy trình.
"Thậm chí, khi số tiền chỉ đáng giá một hoặc 5 yên, sĩ quan cảnh sát cũng sẽ cẩn thận tiếp nhận số tiền và khen ngợi đứa trẻ rằng "Cháu làm tốt lắm!' Lực lượng cảnh sát làm vậy là để giúp trẻ em nuôi dưỡng lòng tự tôn và cảm giác khi hoàn thành một việc tốt. Nhiệm vụ của cảnh sát không chỉ là phòng chống tội phạm mà họ còn cố gắng nhân rộng những việc làm tốt trong cộng đồng dân cư địa phương", ông Nishioka nhấn mạnh.
Mayuko Matsumoto, sinh sống ở tỉnh Shigan, phía tây Nhật Bản, nhớ lại một kỷ niệm hồi nhỏ. Khi cô đang cùng mẹ đi dạo gần nhà thì hai mẹ con nhặt được một chiếc ví, bên trong có khoảng 10.000 yên (100 USD).
"Mẹ liền dẫn tôi tới koban để giao nộp chiếc ví. Người cảnh sát trực ở đó đã đưa cho tôi mấy chiếc kẹo làm phần thưởng", Matusomoto kể lại.
Theo thống kê của Economist, tỷ lệ tội phạm tại đất nước mặt trời mọc liên tục giảm trong 13 năm qua. Nhật Bản chỉ có 0,3 vụ sát nhân trên 100.000 người. Con số này quả thực ấn tượng nếu so sánh với tỷ lệ tương tự ở Mỹ là xấp xỉ 4/100.000.
Vật thất lạc vô chủ
Kenji Takahashi, sinh sống và buôn bán tại thành phố Osaka, chuyên mua lại những món đồ thất lạc không có người nhận. Ảnh: Al Jazeera. |
Ngoại trừ những món đồ dễ lần ra danh tính của chủ sở hữu như thẻ tín dụng, chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu, đa phần các vật dụng hàng ngày như mũ nón và ô dù đều không thể tìm được người nhận lại. Năm 2016, ở Tokyo, chỉ 0,8% ô che mưa và 3,8 % quần áo hoặc giày dép được trả lại
Sau một thời gian cất giữ mà không tìm được chủ sở hữu, các món đồ thất lạc sẽ được đem bán đấu giá.
Kenji Takahashi, 37 tuổi chủ cửa hàng Tetsudo Wasuremono Kensho ở trung tâm Osaka, là người chuyên thu mua những món đồ thất lạc vô chủ mà cảnh sát thành phố bán đấu giá.
Cửa hàng của Takahashi chất đầy những món đồ từ cà vạt, kính mắt, mũ bảo hiểm, bao đựng điện thoại, chuỗi hạt tụng kinh, gậy của người già cho đến túi đựng đồ đánh golf. Và nhiều nhất là ô. Takahashi cho biết mỗi năm anh bán khoảng 10.000 chiếc ô.
Ô che mưa là món đồ bị thất lạc nhiều nhất, theo quản lý trung tâm Shoji Okubo ở Tokyo. Ước tính chỉ trong một ngày mưa, riêng Tokyo, trung bình khoảng 3.000 chiếc ô bị thất lạc. Năm 2016, trung tâm đã tiếp nhận tổng cộng gần 400.000 chiếc.
"Tôi nghĩ những cửa tiệm như chúng tôi đóng một vai trò quan trọng trong quy trình xử lý đồ đạc thất lạc. Chúng sẽ bị vứt đi nếu chúng tôi không mua lại và đem bán. Tóm lại, mọi thứ diễn ra trôi chảy", Takahashi nói.
Mánh khóe săn mồi trong ngành công nghiệp phim khiêu dâm ở Nhật | |
Chuyện khó tin ở Nhật: Tên trộm trả xe cho chủ kèm thư và quà xin lỗi |