Nhiều bệnh viện Mỹ ngắc ngoải, sắp phá sản vì dịch Covid-19

Gánh nặng tài chính vì dịch Covid-19 khiến nhiều bệnh viện ở Mỹ trượt tới bờ vực phá sản, hàng triệu nhân viên y tế có thể mất việc trong tháng tới.

Theo Wall Street Journal, người Mỹ vẫn đang được khuyến nghị ở nhà để làm chậm sự lây lan của dịch virus corona và giảm bớt gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe nước này. Tuy nhiên, điều này khiến nhiều bệnh viện lâm vào cảnh kiệt quệ tài chính vì nhu cầu chăm sóc sức khỏe sụt giảm.

Hồi tháng trước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tạm dừng những ca giải phẫu không cấp thiết, để nhường chỗ cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 và tiết kiệm thiết bị bảo hộ y tế.

Một số bác sĩ phải tạm dừng phương pháp điều trị hóa trị cho các bệnh ung thư ít nguy hiểm hơn, nhằm tuân thủ khuyến nghị của chính phủ, và tránh ức chế hệ thống miễn dịch của bệnh nhân. Ngoài ra, các dịch vụ như nhũ ảnh, nội soi đại tràng và kiểm tra khối u ác tính cũng bị tạm dừng.

Nhiều bệnh viện Mỹ ngắc ngoải, sắp phá sản vì dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Các cuộc giải phẫu không cấp thiết ở Mỹ bị tạm dừng. (Ảnh: Getty Images).

Gánh nặng tài chính và dịch Covid-19

Wall Street Journal nhận định không thể ước tính chính xác thiệt hại của các lệnh đình chỉ này. Ung thư ác tính có thể không được phát hiện và trở nên tồi tệ hơn. Trong khi đó, việc kiểm tra thể chất và hình ảnh thực tế là cần thiết để chẩn đoán nhiều căn bệnh khác.

Tiếp đến là gánh nặng tài chính đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe. Hầu hết bác sĩ và bệnh viện tại Mỹ kiếm tiền từ các ca giải phẫu không cấp thiết của những bệnh nhân có bảo hiểm y tế. Hiện, nguồn tiền lớn nhất của họ đã cạn kiệt.

Ngoài ra, một số bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân nhiễm virus corona. Nhiều nơi phải cắt giảm lương và giãn việc cho nhân viên để duy trì hoạt động. Oxford Economics dự báo 1,5 triệu nhân viên chăm sóc sức khỏe không thiết yếu sẽ mất việc trong tháng tới.

Phòng khám Mayo đã cắt giảm 10% lương của bác sĩ. Trung tâm Y tế Boston cũng cho 10% lực lượng lao động nghỉ phép. Bon Secours Mercy Health, với 43 bệnh viện và 1.000 cơ sở ngoại trú trên 7 bang, phải giãn việc các nhân viên không điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Nhiều bệnh viện Mỹ ngắc ngoải, sắp phá sản vì dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Nhiều bệnh viện ở Mỹ không còn bệnh nhân vì các lệnh phong tỏa. (Ảnh: Getty Images).

“Khi bước vào cuộc khủng hoảng, chúng ta rất mạnh về mặt tài chính và ở vị thế tốt hơn nhiều hệ thống y tế khác. Nhưng đại dịch đã đặt gánh nặng tài chính lên toàn bộ nguồn lực của chúng ta”, ông John Starcher, CEO của Mercy, nói với các nhân viên.

St. Claire HealthCare ở Kentucky cũng giãn việc hơn 25% nhân viên, trong khi Appalachian Regional Healthcare phải đóng cửa các phòng khám và trung tâm ngoại trú.

Hiệp hội Bệnh viện Thương mại ở Pennsylvania báo cáo các bệnh viện thành viên thiệt hại từ 1,5 tỉ USD đến 2 tỉ USD mỗi tháng. Mạng lưới chăm sóc sức khỏe Einstein của Philadelphia cũng dự tính tổn thất tài chính lớn nhất từ trước đến nay.

Xin bảo hộ phá sản

Ngay cả các bệnh viên ở New York cũng ngắc ngoải. “Trong vài tuần qua, một số nhân viên không thiết yếu của chúng tôi không được làm việc hết công suất, một số còn chẳng có việc để làm. Họ chỉ hy vọng có người cần đến mình”, Giám đốc điều hành Anne McCaffrey của Bệnh viện Eastern Niagara chia sẻ.

Năm ngoái, Eastern Niagara là một trong 20 bệnh viện nộp đơn xin phá sản do các khoản bồi thường của Medicaid và Medicare. Một nghiên cứu của RAND ước tính Medicare chỉ chi trả khoảng 40% so với các công ty bảo hiểm tư nhân, trong khi Medicaid trả 70% và dưới 50% ở các bang như New York và California.

Hầu hết bệnh nhân nhiễm virus corona phải nhập viện là người già và người có thu nhập thấp. Vậy nên, các bệnh viện phải chữa trị cho số lượng lớn bệnh nhân Covid-19 sẽ không được bù đắp đủ chi phí.

Gói cứu trợ 2.200 tỉ USD của Quốc hội Mỹ cho phép bệnh nhân của Medicare được bồi thường thêm 20%, đồng thời hỗ trợ các bệnh viện 100 tỉ USD. Tuy nhiên, vẫn chưa ai biết khoản tiền sẽ được phân bổ ra sao.

Nhiều bệnh viện Mỹ ngắc ngoải, sắp phá sản vì dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Hàng loạt bác sĩ và nhân viên y tế không thiết yếu bị giãn việc để giảm gánh nặng tài chính. (Ảnh: Getty Images).

Mục đích ban đầu của lệnh phong tỏa là giảm căng thẳng cho các nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe. Tuy nhiên, theo đánh giá của Đại học Washington, nhu cầu về nguồn lực của các bệnh viện đã đạt đỉnh, trong khi ở những nơi có ít bệnh nhân nhiễm Covid-19, hàng nghìn giường bệnh trống không.

“Các chính trị gia và báo chí đang ca ngợi những bác sĩ, nhân viên y tế vì sự hi sinh và lòng can đảm của họ. Tuy nhiên, việc tạm hoãn hàng loạt dịch vụ y tế có thể khiến nhiều bác sĩ, nhân viên y tế mất việc”, Wall Street Journal bình luận.