Theo Reuters, Mỹ ghi nhận thêm 28.000 ca bệnh mới và khoảng 2.200 ca tử vong trong 24 giờ qua, tính đến sáng 17/4. Hiện nước này vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 684.000 ca nhiễm vàgần 35.000 ca tử vong.
Nhà bán lẻ True Value chia sẻ với tờ The Wall Street Journal rằng, họ đã nhận được ý kiến từ hơn 4.500 cửa hàng của mình vào tháng trước rằng chất khử trùng tay đang hết sạch trên kệ, khiến nhân viên cửa hàng không có lấy một chai để sử dụng.
Tại nhà máy của công ty ở Cary, nơi sản xuất các sản phẩm tẩy rửa và sơn các loại, John Vanderpool, Phó chủ tịch bộ phận, đã tham khảo ý kiến của Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), sau đó cho đội bảo trì và các kĩ sư của mình chạy thử nghiệm hai dây chuyền sản xuất sơn thành sản xuất nước rửa tay được FDA phê chuẩn.
Bắt đầu từ tuần này, các lọ nước rửa tay đang được vận chuyển miễn phí tới các cửa hàng để sử dụng riêng. Sản phẩm sẽ được bán cho người tiêu dùng sau khi nhân viên đủ dùng.
Sự thay đổi tại nhà máy của True Value từ sơn sang chất khử trùng tay là một trong vô số sáng kiến của khu vực tư nhân trong cuộc chiến chống lại Covid-19 của người Mỹ. Nước này đang huy động sức mạnh công nghiệp để chế tạo thiết bị bảo vệ cá nhân, máy thở, kit xét nghiệm và vaccine để khống chế bệnh dịch.
Một số cá nhân đang sử dụng máy in 3D để tạo ra khẩu trang N95. Các phòng thí nghiệm hàn lâm dọn vào nhà máy của General Motors và hợp tác với Ventec Life Systems để chế tạo máy thở. Hàng trăm phương pháp điều trị và vaccine cho Covid-19 đang được phát triển trên toàn thế giới.
Moderna, một công ty công nghệ sinh học ở Cambridge, đã bắt đầu thử nghiệm trên người về vaccine Covid-19 chỉ hai tháng sau khi bộ gen của virus được giải trình tự. Khi bắt đầu dịch bệnh, các mẫu bệnh phẩm phải được gửi đến các phòng thí nghiệm ở xa, và mất nhiều ngày để đưa ra kết quả. Kể từ đó, các công ty thiết bị y tế đã triển khai các kit xét nghiệm với thời gian cho kết quả nhanh hơn. Nổi bật nhất là kit của Phòng thí nghiệm Abbott có thể cung cấp kết quả trong vòng dưới 15 phút.
Sự tham gia của kinh tế tư nhân sẽ là chìa khóa trong việc giúp nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại. Google đang phát triển phần mềm cảnh báo người dùng nếu họ tiếp xúc với người bị nhiễm virus. Các nhà tuyển dụng lớn của các nhà sản xuất thịt đông lạnh đến các nhà điều hành công viên giải trí, hay các nhà sản xuất ô tô đang thiết kế lại hoạt động của họ để tích hợp kiểm tra cách li xã hội và nhiệt độ của ứng viên, nhằm tăng cường cơ sở dữ liệu điều tra dịch tể.
Joel Mokyr, một nhà sử học kinh tế tại Đại học Tây Bắc, cho biết các cuộc khủng hoảng quốc gia như chiến tranh và đại dịch trong lịch sử tạo ra một guồng máy của sự đổi mới kinh doanh. "Chúng tôi có kho năng lượng sáng tạo khổng lồ trải khắp nền kinh tế. Khi đất nước xảy ra biến cố, những người tài sẽ thầm nghĩ 'Phải xem xét chuyện này thật kĩ. Hãy chờ xem tôi có thể làm gì để giải quyết nó'. Và rồi họ lộ diện", vị này ví von.
Vào giữa tháng 3, Lennon Rodgers, giám đốc Phòng thí nghiệm đổi mới thiết kế kĩ thuật Grainger tại Đại học Wisconsin ở Madison, đã nhận được lời cầu xin từ bệnh viện của trường đại học để tạo ra 1.000 tấm khiên che mặt.
Ông ấy thường nhận được yêu cầu từ khắp các trường, để hợp tác sản xuất khẩu trang các loại. "Và ban đầu, tôi không quá coi trọng điều đó", ông thừa nhận. Nhưng sau khi vợ ông, một bác sĩ gây mê, nói với ông rằng những chiếc khiên là không thể thiếu để nhân viên y tế đối mặt với những bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm cao. Từ đó, ông bắt đầu lùng sục các nhà máy để ngỏ lời hợp tác.
Cuối cùng, Lennon Rodgers đã hợp tác với Delve, một công ty thiết kế địa phương và Midwest Prototyping, một nhà sản xuất gia công, để thiết kế khiên che mặt, Shield Badger Shield của riêng họ. Tên gọi này được đặt theo tên của linh vật Đại học Wisconsin.
Họ dự kiến sẽ sử dụng máy in 3D. Nhưng để nhân rộng hơn, họ đã tải bản thiết kế lên trang web của họ cùng với các phần cần thiết cho bất kì đều có thể ai tải xuống.
Vài ngày sau, Ford Motor đã làm với những điều chỉnh của riêng mình, bắt đầu tạo ra tấm khiên che mặt cho các bệnh viện ở khu vực Detroit.
Ông Rodgers và Justin Boutilier, một giáo sư kĩ thuật, Rebecca Alcock, một sinh viên tốt nghiệp; và Auyon Siddiq, một giáo sư tại Đại học California, đã xây dựng một chuỗi cung ứng pop-up cung cấp các tấm khiên che mặt. Các bệnh viện cần tấm khiên và nhà máy cung cấp sẽ được kết nối bằng một thuật toán trên trang web.
Trang web cũng kết nối các nhà sản xuất với các nhà cung cấp vật liệu cần thiết. Hơn 300 nhà sản xuất đã đệ trình kế hoạch sản xuất với tổng số 2 triệu tấm khiên che mặt mỗi ngày, vượt quá những gì bệnh viện yêu cầu.
Tuy nhiên, so với thời chiến, chính phủ liên bang cho đến nay hầu như đóng vai trò hỗ trợ trong việc huy động các nguồn lực kinh tế để chống lại đại dịch. Hầu hết việc mua lại và sản xuất các nguồn cung cấp vật tư y tế quan trọng, lại do các tiểu bang và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe làm việc với các nhà cung cấp và trung gian tư nhân.
Trong những tuần gần đây, chính phủ liên bang đã tăng cường sự tham gia của mình, chẳng hạn như đặt hàng khẩu trang và máy thở để phân phối cho các tiểu bang. Nhưng các tiểu bang đã phàn nàn về việc phải cạnh tranh với nhau, và với chính liên bang về các nguồn cung cấp tư nhân, trong khi các nguồn cung cấp từ liên bang lại quá ít.
"Vai trò thứ yếu của Washington phản ánh bản chất khác nhau của cuộc khủng hoảng. Quốc phòng luôn là trách nhiệm của Washington, trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ chủ yếu là tư nhân và sức khỏe cộng đồng chủ yếu là trách nhiệm của chính quyền tiểu bang và địa phương", Hugh Rockoff, một nhà kinh tế của Đại học Rutgers, nhận định.
"Điều này cũng phản ánh một sự thay đổi trong triết học", Mark Wilson, một nhà sử học tại Đại học Bắc Carolina tại Charlotte, chia sẻ.
Vị này nói thêm, trong những thập niên gần đây, chính phủ liên bang đã ưu tiên dựa vào nguồn lực tư nhân với những vấn đề không được xem cốt lõi của mình. "Điều đó có thể hiệu quả hơn trong thời bình, nhưng ít có khả năng đáp ứng nhu cầu của dân chúng trong trường hợp khẩn cấp", ông nói.
Một điểm khác biệt nữa là thay vì bận rộn hậu cận như thời chiến, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp tư nhân đang rảnh rỗi dưới lệnh đóng cửa bắt buộc của chính phủ, hoặc do thiếu nhu cầu thị trường. Điều đó khiến một số doanh nghiệp có năng lực dự phòng đủ đảm đương trọng trách phục vụ cho đại dịch.
Vào ngày 19/3, Kepner Scott Shoe, một nhà sản xuất giày trẻ em, đã buộc phải ngừng sản xuất khi thống đốc ra lệnh đóng cửa tất cả các doanh nghiệp không quan trọng.
"Gia đình tôi không phải là người thích ngồi và nhìn mọi thứ xảy ra", Audrey Zimmerman, người quản lí công ty, chia sẻ. Cô đã nghe rất nhiều về tình trạng thiếu hụt khẩu trang bảo vệ từ bạn bè và người thân là nhân viên chăm sóc sức khỏe.
"Chúng tôi biết rằng chúng tôi có đủ nguồn vải. Chúng tôi đã có những thợ may có thể may những loại khẩu trang này. Họ có nhiều năm kinh nghiệm nên một mẫu mới, dù là giày hay khẩu trang, đều dễ thực hiện", cô nói.
Zimmerman quyết định xin lệnh miễn trừ từ tiểu bang để mở cửa trở lại, với 8 nhân viên. Khẩu trang bông được tặng cho nhân viên y tế để đeo kèm khẩu trang N95 nhằm kéo dài thời gian sử dụng của chúng.
"Thật là cảm thấy lạ lẫm làm sao khi không thấy những đôi giày đi qua dây chuyền sản xuất. Tôi rất vui vì chúng tôi có thể bước vào cuộc chiến và giúp đỡ được họ nhanh như cách chúng tôi kinh doanh", cô chia sẻ.
Sau khi thống đốc Pennsylvania đề nghị mọi người đeo khẩu trang ở nơi công cộng , Kepner Scott bắt đầu bán khẩi trang trực tuyến, điều này "giúp chúng tôi tiếp tục bật đèn và tiếp tục quyên góp khẩu trang".
Sars-CoV-2 sẽ không được thuần hóa cho đến khi có sẵn một liệu pháp hoặc vaccine và điều đó đã trở thành trọng tâm của ngành công nghiệp dược phẩm. Theo Jefferies, một ngân hàng đầu tư, hơn 200 phương pháp điều trị bằng thuốc thử nghiệm, thuốc tái chế và vaccine cho Covid-19 đang được phát triển trên toàn thế giới.
Michael Yee, một nhà phân tích công nghệ sinh học tại Jefferies, cho biết ngành công nghệ sinh học đã tăng số vốn kỉ lục trong những năm gần đây thông qua các gói tài trợ mạo hiểm, các bảo trợ dịch vụ công cộng. "Đổi mới công nghệ sinh học trong 10 đến 20 năm qua, đã cho phép chúng tôi đưa ra các liệu pháp sớm đầy triển vọng trong vài tuần chứ không phải vài năm", vị này chia sẻ.
Tuy nhiên thực tiễn lại không dễ dàng. Đầu tiên, liên quan đến tiền nong. Sars-CoV-2 không giống như các đội quân thù địch, không thể bị đánh bại bằng lực lượng đông người. Ông Yee ước tính ít hơn 500 triệu USD đã được cam kết cho nghiên cứu thuốc ở giai đoạn đầu cho đến nay. "Đó chỉ mới được khoảng một nửa chi phí trung bình để đưa một loại thuốc mới ra thị trường", ông ước lượng.
Thứ hai, họ có thể không đủ nguồn lực. Dù các nhà sản xuất đang cố gắng đẩy mạnh sản xuất thiết bị bảo vệ cá nhân và máy thở, nhưng dường như họ đang bị tụt lại phía sau so với diễn tiến của đại dịch tại Mỹ. Đến tháng 5, sản xuất khẩu trang N95 trong nước vẫn sẽ ít hơn 1/3 nhu cầu ước tính.
Một loại vaccine, ngay cả với tốc độ phát triển chưa từng có, có thể không dễ xuấy hiện trong 12 đến 18 tháng.
Ông Mokyr, nhà sử học kinh tế, cho biết những nỗ lực này vẫn phục vụ một mục đích có giá trị. "Mỗi đại dịch thêm vào kho kiến thức và công cụ của chúng ta, tăng cường phản ứng của chúng ta với những biến cố tiếp theo", ông nói thêm.
Ví dụ, virus cúm ở người được phát hiện vào năm 1933, đến tận 15 năm sau đại dịch 1918. Nhưng chỉ mất vài tuần để phân lập virus gây ra Covid-19.
"Khi mầm bệnh tiếp theo xuất hiện, chúng ta sẽ có các công cụ, phòng thí nghiệm, kính hiển vi, máy tính và chúng ta sẽ sẵn sàng. Đây là một cuộc chiến kiến thức chống lại sự tiến hóa của tự nhiên. Bản thân tôi đang đặt cược vào kiến thức của nhân loại", ông khẳng định.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020