Thị trường bán lẻ có dấu hiệu trở lại những ngày qua khi nền kinh tế Mỹ rục rịch mở cửa trở lại và những tín đồ mua sắm đã liều mình bước chân ra khỏi cửa, nhưng xem ra con đường hồi sinh của ngành bán lẻ Mỹ còn rất dài.
Theo đánh giá của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ tháng 4 có biểu hiện lao đáy khi giảm kỉ lục tới 16,4%, mức giảm sâu nhất kể từ năm 2012, trong khi đó mức sụt giảm doanh số bán lẻ tháng 3 là 8,3%. Doanh số tháng 4 đã gồm cả doanh số bán lẻ trực tuyến và tại các cửa hàng, cộng với các khoản tiền khách hàng chi trả tại các quán bar và nhà hàng.
Trong đó, doanh thu của các nhà hàng và quán bar tại Mỹ giảm hơn 50% trong tháng 3 và 4. Các cửa hàng đồ nội thất và đồ gia dụng cũng thất thu đến 2/3 so với mức thông thường, còn doanh thu của các cửa hàng quần áo và thời trang "bốc hơi" tới 89%.
Đáng nói, sự sụt giảm doanh số các nhà bán lẻ thời trang, quần áo đã hé lộ điểm yếu rằng các nhà bán lẻ này quá phụ thuộc vào những điểm bán hàng tại chỗ, ngay cả khi bán hàng trực tuyến đã trở thành xu thế.
Trong hồ sơ xin phá sản, J. Crew cho rằng hãng bán lẻ thời trang này sẽ hụt mất gần 900 triệu USD doanh thu, do đóng cửa các điểm bán hàng, trong khi đó doanh số bán lẻ hàng năm gần đây nhất (2019) của J. Crew đạt khoảng 2,5 tỉ USD.
Số phận của các hãng bán lẻ Mỹ từ nhỏ đến lớn đang lâm nguy hơn lúc nào hết. Dù các nhà bán lẻ trực tuyến ghi nhận doanh số tăng nhưng không thể vực lại doanh số của toàn ngành.
Một số bang tại Mỹ bắt đầu gỡ bỏ các biện pháp hạn chế di chuyển và kinh doanh được áp dụng chống đại dịch Covid-19 trước đó, nhưng các chuyên gia dự báo chi tiêu tiêu dùng tháng 5 sẽ tăng lên nhưng tốc độ chậm. Nhiều khu vực của các bang lớn như New York và California vẫn đóng cửa, và doanh nghiệp bán lẻ khó có thể cải thiện doanh số. Ngay cả khi các nhà bán lẻ mở cửa trở lại, không có gì đảm bảo khách hàng sẽ quay lại đông đúc như trước dịch.
Thậm chí, kể cả người Mỹ cảm thấy thoải mái khi trở lại mua sắm, khả năng chi trả cũng là vấn đề lớn khi đại dịch khiến hơn 33 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, chưa kể nhiều người lao động tạm nghỉ hoặc làm việc trực tuyến khiến thu nhập giảm đáng kể. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng chờ dịch đi qua, nhất là doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận vốn vay theo Chương trình cho vay bảo vệ tiền lương (PPP) để trả lương cho nhân viên.
Jay Sole, chuyên gia phân tích bán lẻ tại Tập đoàn tài chính UBS đánh giá: “Người tiêu dùng đang rất lo lắng về tương lai. Đại dịch khiến người dân e ngại khi đến nơi công cộng và chỗ đông người. Họ cũng lo lắng về công việc và 'sức khỏe' của nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới; do đó mức độ sẵn sàng chi tiêu của người tiêu dùng giảm đáng kể”.
“Công bằng mà nói thì điều tồi tệ nhất (đối với ngành bán lẻ) có thể kết thúc nếu không xuất hiện làn sóng dịch Covid-19 mới”, ông Jim O’Sullivan, chuyên gia kinh tế Mỹ tại Công ty chứng khoán TD Securities đánh giá.
“Nhưng làm thế nào để ngành bán lẻ hồi phục nhanh chóng? Câu trả lời khó có người biết”, ông O’Sullivan nêu.
Nền kinh tế Mỹ lâm vào suy thoái do đại dịch Covid-19 để lại vết sẹo lớn lên ngành bán lẻ vốn đang chật vật. Ngay cả những “cây đại thụ” ngành bán lẻ như J. Crew và Neiman Marcus đã nộp đơn phá sản và gần đây nhất là chuỗi bách hóa 118 tuổi J.C. Penney với hệ thống hơn 800 cửa hàng và gần 85.000 nhân viên cũng xin “khai tử”.
Áp lực sinh tồn không chỉ đè lên đầu các hãng bán lẻ có tên tuổi, mà gần 90% các nhà bán lẻ quy mô nhỏ của Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch và rất ít trong số họ hi vọng phục hồi nhanh chóng, theo kết quả khảo sát do Cục Thống kê Dân số Mỹ công bố tuần này.
Hơn 30% doanh nghiệp bán lẻ được khảo sát cho biết họ sẽ mất đến 6 tháng hoặc hơn để hồi sinh, còn 6,6% không dám nghĩ tới chuyện hồi phục hoàn toàn.
Chuyên gia bán lẻ Jay Sole dẫn kết quả nghiên cứu gần đây cho biết khoảng 100.000 cửa hàng bán lẻ tại Mỹ sẽ đóng cửa cho đến năm 2025, vì đại dịch khiến việc dịch chuyển sang mua sắm trực tuyến càng trở nên mạnh mẽ. Đặc biệt, doanh số bán lẻ các mặt hàng như quần áo thời trang, điện tử tiêu dùng, nội thất gia đình và hàng tạp hóa được dự báo sẽ giảm mạnh nhất.
Theo ông Joel Bines, Giám đốc điều hành tại Công ty tư vấn và tái cấu trúc doanh nghiệp AlixPartners, đại dịch buộc các nhà bán lẻ Mỹ phải nhanh chóng thích nghi với môi trường kinh doanh trên các nền tảng hóa, và việc rót vốn đầu tư vào mảng kinh doanh này lẽ ra phải được thực hiện từ nhiều năm trước.
Việc đầu tư cho số hóa kinh doanh bán lẻ không đơn thuần chỉ chăm chút phát triển các website bán hàng, mà phải hướng đến việc tiếp nhận lịch xem và mua hàng tại cửa hàng và "bắt tay" với các nền tảng giao nhận và thanh toán như Instacart hay Postmates...
“Bất cứ khâu nào của bán lẻ cũng có thể đưa vào số hóa và việc thúc đẩy chuyển đổi số sẽ mang lại kết quả tức khắc”, ông Bines nói.
Hiện một số công ty bán lẻ đang dần mở cửa trở lại. American Eagle Outfitters - nhà bán lẻ “non trẻ” đang sở hữu chuỗi cửa hàng đồ lót Aerie đang rốt ráo triển khai kế hoạch mở cửa trở lại đầy tốn kém. Hãng này đã thuê một chuyên gia y tế từ giữa tháng 3 để tư vấn về việc đưa nhân viên trở lại làm việc tại trụ sở ở thành phố Pittsburgh và các cửa hàng.
Hãng này dự kiến mở cửa lại hơn 200 điểm bán hàng trong tháng 5 và giờ đây thừa nhận việc phát triển kinh doanh trực tuyến là một hình thức chuyển đổi tích cực đem lại trải nghiệm cho người tiêu dùng.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020