QandMe vừa đưa ra thống kê không gian bán lẻ của Việt Nam trong giai đoạn 2018-2020. Công ty này nhận định: "Dung lượng cửa hàng bán lẻ Việt Nam đã thay đổi mạnh mẽ. Mặc dù có nhiều cửa hàng hiện đại hơn, chúng tôi vẫn ghi nhận được sự hỗn loạn khi một số đang cật lực tăng số lượng cửa hàng, trong khi những người khác phải đối mặt với việc tái cấu trúc".
Trong giai đoạn này, QandMe cho rằng sự bành trướng mạng lưới bán lẻ của Thế Giới Di Động là nét nổi bật. Chỉ chưa đầy một năm, từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2020, công ty này đã mở thêm 112 cửa hàng điện thoại, 228 cửa hàng điện máy, đáng chú ý là 702 cửa hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu.
Trong định hướng kinh doanh năm 2020, Thế Giới Di Động kì vọng mảng bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng trên 100% so với năm 2019. Tập đoàn giao nhiệm vụ cho chuỗi Bách Hoá Xanh tăng phần đóng góp trong tổng doanh thu lên 20%.
Trong 2 cái tên mới nổi được điểm danh, tạo tiếng vang lớn trong ngành bán lẻ Việt Nam là Uniqlo và GS25. Chuỗi thời trang đến từ Nhật Bản Uniqlo mới khai trương vào cuối năm 2019, và hiện có được 2 cửa hàng nhưng diện tích mặt bằng lên đến hàng nghìn m2. Thương hiệu này chuẩn bị cửa hàng tiếp theo tại quận 7, TP HCM.
GG25, chuỗi cửa hàng tiện lợi đến từ Hàn Quốc với động lực chính là nhượng quyền, đang nhắm đến việc mở 2.500 cửa hàng trên toàn quốc trong 10 năm.
Từ năm 2018-2020 cũng chứng kiến một màn tái cấu trúc đình đám trong ngành bán lẻ. Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng sau khi tuyên bố "tập trung toàn bộ nguồn lực để trở thành tập đoàn về công nghiệp - công nghệ hàng đầu khu vực", đã chuyển giao hơn 2.500 siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+ cho đại gia hàng tiêu dùng Masan. Tỉ phú Nguyễn Đăng Quang sau khi nhận chuyển nhượng đã cho đóng cửa 100-300 cửa hàng VinMart+ kinh doanh không hiệu quả, và mở thêm 10-30 siêu thịVinMart mới.
Vingroup cũng đã đóng cửa chuỗi điện máy VinPro vào cuối năm 2019, để dồn nguồn lực cho VinFast và VinSmart.
Cụ thể từng ngành, QandMe chỉ rõ xu hướng phát triển về mạng lưới cửa hàng của những ngành bán lẻ, và ai là kẻ đang nắm được thị trường.
Với siêu thị, đầu năm 2018, cả nước có 292 siêu thị. Sang năm 2019, con số này tăng hơn 15%, lên 336 siêu thị. Nhưng tính đến hết tháng 3 năm nay, số lượng siêu thị của cả nước đã giảm 12%, về mốc 296 siêu thị. QandMe giải thích sự suy giảm này là do VinMart đã đóng cửa một số siêu thị.
Co.opmart là thế lực số 1 với mạng lưới 128 siêu thị, chiếm đến 38,8% tổng dung lượng siêu thị toàn quốc. TP HCM và miền Tây vẫn là thị trường trọng điểm của đơn vị bán lẻ lâu năm này. Đặc biệt, với dân số trên 20 triệu người, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, giá mặt bằng vẫn còn ở mức thấp, đánh mạnh vào thị trường Đồng bằng sông Cửu Long được xem như bước đi rất khôn ngoan của Liên hiệp HTX Thương Mại TP HCM, đơn vị vận hành siêu thị Co.opmart.
Đi sau siêu thị là cửa hàng tiện lợi với sự tăng trưởng vô cùng tích cực. Từ mốc 1.700 cửa hàng vào năm 2018, đến nay, số lượng cửa hàng tiện lợi đã lên 3.972, tăng hơn 60%.
Sức nóng của cửa hàng tiện lợi có động lực chính từ chuỗi VinMart+. Đến nay, chuỗi này có mạng lưới 2.870 cửa hàng, chiếm đến gần 3/4 hệ thống cửa hàng tiện lợi toàn quốc. Khác với hầu hết chuỗi còn lại, VinMart+ có hệ thống cửa hàng tiện lợi ngoài TP HCM và Hà Nội rất lớn, đến gần 1.500 cửa hàng.
Một thế lực đáng chú ý khác là Bách Hoá Xanh. Tính đến nay, chuỗi thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu này đã mở rộng mạng lưới gần gấp 3 lần so với năm 2018.
Là một trong 2 tên tuổi hiếm hoi chú trọng thị trường ngoài TP HCM và Hà Nội, mục tiêu quan trọng trong năm nay của Bách Hóa Xanh là nhanh chóng mở rộng mạng lưới cửa hàng khắp miền Nam, Duyên hải Nam Trung Bộ và các vùng cao nguyên, để lấy thị phần.
Các nhóm ngành khác như cửa hàng thuốc và cửa hàng thời trang cũng xác định được động lực chính làm chủ thị trường.
Không tính các cửa hàng nhỏ lẻ, cửa hàng thuốc tây của các chuỗi đã tăng trưởng tốt. Năm 2018, cả nước chỉ có 340 cửa hàng thuốc tây theo chuỗi, đến nay con số này lên 679 cửa hàng, tăng đến 38%. Hai chuỗi Pharmacity và Long Châu là động lực chính.
Hiện tại, chuỗi Pharmacity đang dẫn đầu thị phần, khi có gần 1/2 cửa hàng trong tổng số cửa hàng thuốc tây theo chuỗi của cả nước. Ước doanh thu toàn chuỗi này đạt khoảng hơn 70 tỉ đồng/tháng.
Thành lập năm 2011, Pharmacity nhận khoản đầu tư khá lớn từ Quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III). Cuối năm 2019, chuỗi này đã phát hành thành công 150 tỉ đồng trái phiếu.
Một trong những lợi thế cạnh tranh của Pharmacity là mô hình "lai" giữa nhà thuốc và cửa hàng tiện lợi. Doanh thu từ bán thuốc kê đơn của doanh nghiệp này không lớn, chủ yếu là thuốc cắt liều (thuốc trị các bệnh thông thường như ho, cảm…) và các sản phẩm khác trong ngành dược, như thực phẩm chức năng, hóa mĩ phẩm,…
Về tay FPT Retail vào cuối năm 2017, chuỗi nhà thuốc Long Châu nhanh chóng mở rộng mạng lưới. Đến nay, Long Châu đã có 97 cửa hàng. 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu chuỗi cửa hàng Long Châu đạt gần 500 tỉ đồng, tăng hơn 90% so với cùng kì năm 2018. Mục tiêu trước mắt của FPT Retail là đến năm 2022 sẽ có 700 nhà thuốc, với doanh thu khoảng 6.000 tỉ đồng. FPT Retail kì vọng kiểm soát 30% thị phần bán lẻ dược phẩm qua kênh nhà thuốc tại thị trường Việt Nam.
Ngành bán lẻ thời trang trong 3 năm qua đang trong giai đoạn giang tay đón thêm nhiều bạn chơi mới trong cuộc đua giành thị phần. Không có động lực tăng trưởng chính nhưng lại có không ít tên tuổi ngã ngựa, mạng lưới cửa hàng thời trang theo chuỗi tại Việt Nam phát triển không ổn định. Năm 2018, cả nước có 1.354 cửa hàng. Sang năm 2019, con số này tăng lên 1.513, rồi giảm nhẹ về 1.505 cửa hàng vào đầu năm nay.
Việt Tiến, Blue Exchange, Biti's, An Phước, Canifa… là các chuỗi có số lượng cửa hàng vượt 100. Nhìn chung, thương hiệu nội địa vẫn đang nắm giữ tốt thị phần. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các tên tuổi ngoại như H&M, Zara, Uniqlo đang là một thách thức đáng kể.
Theo tổng hợp của QandMe, nhóm ngành bán lẻ thực phẩm và đồ uống trên thị trường Việt cũng bắt đầu hình thành các xu hướng rõ nét.
Đã vào quỹ đạo ổn định, bán lẻ cà phê vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng về số lượng cửa hàng lên đến 74%. Từ 508 cửa hàng cà phê dạng chuỗi vào năm 2018, đến nay, thị trường đã lên mốc 884 cửa hàng. Động lực chính cho sự tăng trưởng này là ở thị trường TP HCM và các vùng phụ cận.
Highlands Coffee và The Coffee House vẫn là hai tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ cà phê. Hai chuỗi này chiếm tới 46,6% tổng dung lượng cửa hàng trên toàn quốc.
Trái ngược so với nhiều dự đoán, tốc độ tăng trưởng hệ thống cửa hàng của ngành trà sữa đang chững lại. Tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2018-2019 của ngành này là 22,1%, nhưng sang giai đoạn 2019-2020, con số này tuột về mức chỉ 4%.
QandMe cho rằng ngành trà sữa đang có xu hướng mới. Số liệu thống kê chỉ rõ mạng lưới cửa hàng ở các thành phố lớn đang có xu hướng giảm. Trong khi các thương hiệu lại đang tích cực mở mới cửa hàng ở các tỉnh lẻ.
Tiêu biểu cho xu hướng này là chuỗi BoBaPop. Với 62 cửa hàng ngoài TP HCM và Hà Nội, chuỗi trà sữa này đang có gần 1/2 số lượng cửa hàng ở các tỉnh, thành khác, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong giai đoạn này, ngành bán lẻ trà sữa còn phải chia tay với Ten Ren, thương hiệu đến từ Đài Loan được The Coffee House vận hành từ năm 2017, do kết quả kinh doanh chưa đạt như kì vọng.
Đến nay, sau nhiều năm "kiên trì", chuỗi cà phê The Coffee House cũng đã thêm trà sữa vào menu phục vụ. Sản phẩm mới vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng theo nhiều phản hồi từ người dùng, việc bán trà sữa ngay trong cửa hàng cà phê này là bước đi tích cực.
Về chuỗi cửa hàng thức ăn, sự tăng trưởng số lượng cửa hàng không đều cũng xuất hiện. Năm 2018, cả nước có 857 cửa hàng phục vụ thức ăn theo chuỗi. Sang năm, số lượng tăng lên 1.007 cửa hàng. Nhưng đến đầu năm nay, con số nlại lùi về 849 cửa hàng, giảm gần 16%.
Sự suy giảm này được giải thích là do khoảng trống mà chuỗi Món Huế và Phở Hùng để lại.
Cuối năm 2019, toàn bộ chi nhánh của hệ thống Món Huế, Phở Ông Hùng, TP Tea… đột ngột đóng cửa. Sự việc diễn ra sau khi hàng chục nhà cung cấp nguyên liệu và nhà đầu tư đồng loạt tố ông Huy Nhật, Chủ tịch Huy Việt Nam, chiếm dụng tài sản và trốn nợ.
Đến nay, Lotteria, Jolibee và GogiHouse là ba tên tuổi duy nhất có số lượng cửa hàng lên đến hàng trăm. Ngoài ra, các chuỗi thức ăn thuộc Golden Gate và Red Sun cũng đang gia tốc trong việc bành trướng mạng lưới.