Loạt thương vụ M&A đình đám trong ngành bán lẻ năm 2019 cho thấy doanh nghiệp Việt đang trưởng thành

Doanh nghiệp bán lẻ nội đang trưởng thành từng ngày, đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại, và các thương vụ M&A cũng ngày càng chất lượng hơn.

2019 đánh dấu một năm nhiều biến động của ngành bán lẻ Việt. Thị trường dồn dập với hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) của các "ông lớn" từ nội đến ngoại trong ngành như Auchan, Lotte Mart, Saigon Co.op, VinMart Masan.

Tại hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của ngành công thương vừa diễn ra hôm qua, 27/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công Thương không được để đánh mất thị trường bán lẻ Việt Nam, một thị trường được đánh giá tiềm năng với quy mô dân số gần 100 triệu và tốc độ tăng trưởng ngành luôn trên hai con số.

Một năm không vui của nhà bán lẻ ngoại

Giữa tháng 5/2019, thị trường bán lẻ trong nước xáo động với việc đại gia bán lẻ Pháp - Auchan chuẩn bị rút khỏi Việt Nam. Một tháng rưỡi sau, Auchan công bố chuyển nhượng hoàn toàn 18 siêu thị, kể cả trang bán hàng trực tuyến cho Saigon Co.op, khép lại 4 năm hoạt động tại Việt Nam.

Thấy gì từ sự tháo chạy của Auchan và loạt thương vụ M&A đình đám trong ngành bán lẻ Việt 2019? - Ảnh 1.

Đại gia bán lẻ cuối cùng của châu Âu - Auchan, đã bỏ mảng bán lẻ Việt Nam. (Ảnh: Phúc Minh).

Đáng chú ý, sự tháo chạy của Auchan cũng đánh dấu thị trường bán lẻ Việt Nam không còn sự tham gia của doanh nghiệp châu Âu nào, chỉ còn cuộc so kè giữa nhà bán lẻ trong nước với các đại gia châu Á..  

Cách đây vài ngày, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) tuyên bố đầu năm sau sẽ đóng cửa sàn thương mại điện tử lotte.vn sau 3 năm hoạt động, đồng nghĩa Lotte cũng đang tìm hướng đi mới cho mảng kinh doanh này tại Việt Nam.

Vào Việt Nam cuối năm 2008, Lotte Mart tự tin đến năm 2018 sẽ có 30 siêu thị, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, hiện số siêu thị Lotte Mart mới dừng ở con số 14. Hơn một thập kỉ bán lẻ tại Việt Nam, Lotte có khoản lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 là 800 tỉ đồng.  

Thấy gì từ sự tháo chạy của Auchan và loạt thương vụ M&A đình đám trong ngành bán lẻ Việt 2019? - Ảnh 2.

Về số lượng, các đại gia ngoại đang lép vế trước các doanh nghiệp bán lẻ nội. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Các đại gia bán lẻ ngoại khác hoạt động dưới mô hình siêu thị, đại siêu thị tại Việt Nam có 1 năm khá yên ắng. MM Mega Market (Thái Lan) và Emart (Hàn Quốc) vẫn dừng ở con số 19 siêu thị và 1 siêu thị sau nhiều năm. Aeon Mall có 5 trung tâm thương mại sau 5 năm có mặt tại Việt Nam.

Big C vẫn chưa có kế hoạch mới về mở rộng chuỗi siêu thị. Tỉ phú Thái đang có 36 siêu thị tại Việt Nam.

Trước khi rời thị trường, Auchan cũng xác nhận doanh nghiệp đang thua lỗ tại Việt Nam, và vẫn chưa tìm được hướng đi thích hợp để chinh phục người tiêu dùng Việt.

Doanh nghiệp bán lẻ nội có một năm rầm rộ với hoạt động mua bán - sáp nhập 

Trong khi các đại gia bán lẻ ngoại có phần chật vật thì doanh nghiệp nội có một năm rầm rộ  những thương vụ M&A đình đám.

Saigon Co.op là doanh nghiệp nội đã tiếp nhận chuỗi 18 siêu thị Auchan. Các điểm bán của Auchan trước đây đều đã đổi thành Co.opmart, Co.opXtra của hệ thống bán lẻ này.

Thấy gì từ sự tháo chạy của Auchan và loạt thương vụ M&A đình đám trong ngành bán lẻ Việt 2019? - Ảnh 3.

Saigon Co.op đang tích cực mở rộng hướng đến mục tiêu 1.000 điểm bán. (Ảnh: Phúc Minh).

Hiện số điểm bán lẻ Co.opmart, Co.opXtra, Sense City, Co.op Food, Co.op Smiles, Cheers… của Saigon Co.op đã gần mục tiêu 1.000 điểm bán trong năm nay. 

Mới đây, này đã khai trương thêm mô hình mới - siêu thị Finelife tập trung vào phân khúc cao cấp. Saigon Co.op cũng đang có kế hoạch mở trang thương mại điện tử để tối ưu hoá trải nghiệm của khách hàng.

Doanh nghiệp đứng sau nhiều thương vụ M&A nhất năm nay chính là Tập đoàn Vingroup thông qua công ty bán lẻ Vincommerce. 

Hồi tháng 4/2019, Vingroup thâu tóm chuỗi 87 cửa hàng tiện lợi Shop&Go của Công ty CP Cửa hiệu và Sức sống với giá tượng trưng theo công bố chỉ 1 USD. Đến đầu tháng 9, Vingroup tiếp tục thâu tóm 8 siêu thị Queenland Mart toàn tập trung tại khu nhà giàu TP HCM của Công ty CP thực phẩm Bông Sen. 

Sau loạt thâu tóm, cuối năm, Vingroup lại bất ngờ công bố chuyển nhượng toàn bộ mảng bán lẻ tại Vincommerce và công ty chuyên về nông nghiệp VinEco cho Tập đoàn Masan. Tại thời điểm công bố, Vingroup đang sở hữu 2.600 siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+, con số vượt xa các nhà bán lẻ còn lại.

Thấy gì từ sự tháo chạy của Auchan và loạt thương vụ M&A đình đám trong ngành bán lẻ Việt 2019? - Ảnh 4.

Vingroup quyết định nhượng 2.600 siêu thị, cửa hàng tiện lợi VinMart, VinMart+ cho Masan. (Ảnh: Phúc Minh).

Một điểm đáng chú ý trong các thương vụ liên quan Vingroup là tập đoàn này đều bắt tay M&A với các doanh nghiệp bán lẻ nội. 

Chủ tịch Vingroup - tỉ phú Phạm Nhật Vượng cũng khẳng định điều này khi chia sẻ về thương vụ hợp nhất cùng Masan. Ông khẳng định dù nhiều tập đoàn nước ngoài muốn đầu tư vào Vincommerce nhưng Vingroup vẫn chọn Masan và kì vọng tạo nên tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Doanh nghiệp nội ngày càng trưởng thành

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 4,9 triệu tỉ đồng, tăng 11,8% so với năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2019 ước đạt 3,75 triệu tỉ đồng, chiếm 75,9% và tăng 12,7% so với năm trước.

Báo cáo mới đây của McKinsey&Company cho biết lĩnh vực bán lẻ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Thị trường bán lẻ Việt Nam hiện có doanh thu hàng năm khoảng 108 tỉ USD, được dự báo có tăng trưởng lũy kế khoảng 7,3%/năm trong giai đoạn 5 năm tới. 

Thấy gì từ sự tháo chạy của Auchan và loạt thương vụ M&A đình đám trong ngành bán lẻ Việt 2019? - Ảnh 5.

Bách Hoá Xanh đang có tốc độ mở cửa hàng nhanh nhất trong các chuỗi bán lẻ hiện nay. (Ảnh: Phúc Minh).

Giám đốc khu vực miền Bắc của Nielsen Vietnam - bà Đặng Thúy Hà, nhận định thị trường bán lẻ của Việt Nam đang rất sôi động và tiềm năng, khi thu nhập của người dân ngày càng tăng, họ có nhu cầu chi tiêu nhiều hơn cho hàng tiêu dùng và thực phẩm hàng ngày.

Theo bà Hà, vài năm trước, các doanh nghiệp ngoại được xem là nỗi lo lớn của các nhà bán lẻ nội địa, khi dồn dập các ông lớn quyết định đầu tư. Bà cho rằng thực tế, các đại gia ngoại có tiềm lực tài chính lớn, khả năng quản trị tốt nhưng chưa chắc hiểu được tâm lí người tiêu dùng Việt Nam. Về tiêu chí này, các doanh nghiệp nội lại chiếm ưu thế hơn.

Chuyên gia của Nielsen cũng cho rằng không quá lo ngại về cuộc tấn công của đại gia bán lẻ ngoại. Bởi thực tế, để cạnh tranh, bắt buộc nhà bán lẻ nội phải nâng cao chất lượng về vận hành, quản trị, marketing, kết hợp với kinh nghiệm hiểu tâm lí người tiêu dùng. Thực tế, bức tranh ngành bán lẻ những năm gần đây đã thấy được điều đó.

Về những thương vụ M&A đình đám ngành bán lẻ năm qua, bà Hà nhận định thị trường đang nhiều lạc quan hơn, các thương vụ đang làm cho cho các doanh nghiệp bán lẻ nội địa mạnh hơn và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi rất nhiều.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam khẳng định những cái bắt tay gần đây sẽ khiến thị trường có thêm doanh nghiệp mới trưởng thành hơn, thay vì kinh doanh riêng lẻ trước đây.

Riêng trường hợp Vingroup và Masan, bà Loan kì vọng sẽ có một nhà bán lẻ hùng mạnh, hoàn toàn đủ sức cạnh tranh và ganh đua trên thị trường bán lẻ vốn được đánh giá rất khốc liệt tại Việt Nam.