Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy trong tháng 4 bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 này, có đến hơn 100 lượt nhà đầu tư Trung Quốc rót vốn vào Việt Nam qua hình thức góp vốn, mua cổ phần (hay thường gọi là mua bán và sáp nhập - M&A) của doanh nghiệp trong nước.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay lượng nhà đầu tư từ Trung Quốc thực hiện giao dịch rót vốn đầu tư qua hình thức M&A của doanh nghiệp Việt Nam lên đến 557 lượt với tổng vốn góp là hơn 230 triệu đô la Mỹ.
So với cùng kì năm ngoái, số lượt góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Trung Quốc của doanh nghiệp Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay tăng hơn 154 lượt giao dịch (tăng hơn 38%) với số tiền tăng thêm khoảng 65 triệu đô la.
Trong khi đó, trong cùng thời gian trên, nhà đầu tư Trung Quốc rót vốn đầu tư trực tiếp thực hiện các dự án đầu tư ở Việt Nam chỉ có 135 dự án, tức chỉ bằng khoảng 1/4 lượt giao dịch qua hình thức đầu tư M&A.
Điều này chứng tỏ nhà đầu tư nước láng giềng ở phía Bắc của Việt Nam hiện nay "chuộng" tham gia góp vốn và mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam hơn là đầu tư theo hình thức trực tiếp (FDI).
Với số lượng giao dịch lớn trên nhưng số vốn đầu tư không nhiều chứng tỏ nhà đầu tư Trung Quốc chủ yếu rót vốn vào các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa ở trong nước.
Giới quan sát và tư vấn đầu tư nước ngoài không lấy làm ngạc nhiên về hiện tượng nhà đầu tư Trung Quốc gia tăng thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam giữa tâm dịch bệnh này.
Theo các chuyên gia, sản xuất kinh doanh bị đình trệ do tác động của đại dịch Covid-19, dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp Việt Nam bị các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó đáng chú ý là nhà đầu tư Trung Quốc đưa vào tầm ngắm thâu tóm nhiều hơn là khó tránh khỏi.
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, cho rằng nhiều cổ phiếu doanh nghiệp trong nước trên thị trường chứng khoán giữa đại dịch Covid-19 bị rớt xuống thê thảm khiến nhà đầu tư ngoại có tiềm lực tài chính mạnh và có nhiều kinh nghiệm trên thương trường sẽ nhanh chân thâu tóm.
Đáng chú ý, doanh nghiệp Trung Quốc trong hơn hai năm qua đã gia tăng đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam thì trong tình hình dịch bệnh này, khó khăn của doanh nghiệp trong nước sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư nước này đẩy nhanh cơ hội thâu tóm, ông Đức nhận định.
Do đó, trong bối cảnh hiện nay, theo ông Đức không còn dừng lại là nguy cơ các doanh nghiệp trong nước bị nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm nữa mà là đã bị rồi.
Cũng theo ông Đức, trong thời gian chưa diễn ra dịch bệnh đã có tình trạng các doanh nghiệp trong nước cũng đã liên hệ Basico, nhờ tư vấn hoặc hỗ trợ các thủ tục để bán cổ phần hoặc chuyển doanh nghiệp của mình cho các nhà đầu tư Trung Quốc.
Do đó, ông Đức cho rằng số liệu trên của Cục Đầu tư nước ngoài chỉ là con số bề nổi và khả năng lượt "thâu tóm" của nhà đầu tư Trung Quốc sẽ nhiều hơn nếu tính cả hình thức đầu tư dạng "núp bóng".
Trên thực tế đã có tình trạng doanh nghiệp, cá nhân người Trung Quốc "núp bóng" người Việt mua bán bất động sản tại các khu vực ven biển để chuyển mục đích sử dụng sang đất thương mại, dịch vụ hoặc thuê diện tích đất dọc ven biển, "thâu tóm" các vị trí đất đẹp, trung tâm…
Bên cạnh là nước láng giềng và có chi phí thấp, văn hóa đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc cũng gần giống nhau thì cơ hội phát triển ở một thị trường trong nước với gần 100 triệu dân cũng được xem là khá lớn cho nhà đầu tư Trung Quốc.
Một số nhà đầu tư Trung Quốc còn nhìn thấy điểm yếu của một số đối tác Việt Nam là kinh doanh theo kinh nghiệm, thiếu hiểu biết về kinh doanh và quản trị nên chủ trương góp vốn đầu tư với mục tiêu lợi dụng để trục lợi, thậm chí là chi phối đối tác Việt Nam.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp Trung Quốc tập trung đầu tư vào những lĩnh vực mà họ có lợi thế khi tiếp cận thị trường Việt Nam do sự gần gũi về văn hóa và tập quán tiêu dùng của hai nước mà những lĩnh vực này thường không đòi hỏi đầu tư vốn lớn. Đó có thể là từ cung cấp dịch vụ và đến sản xuất nhiều mặt hàng khác nhau,...
Tuy nhiên, lo lắng của giới phân tích không chỉ dừng lại các doanh nghiệp Việt Nam bị thâu tóm mà nó còn ảnh hưởng đến cả ngành, lĩnh vực kinh doanh ở Việt Nam khi doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm.
Bởi lẽ theo các chuyên gia, việc các nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam có khả năng họ sẽ không rót vốn mở rộng đầu tư, sản xuất mà sẽ nhập hàng Trung Quốc về gắn mác hàng Việt để xuất khẩu.
Đáng chú ý hơn nữa, giữa thương chiến Mỹ - Trung, hàng hóa Trung Quốc xuất qua Mỹ gặp khó khăn, không loại trừ các doanh nghiệp Trung Quốc cũng chọn Việt Nam là nơi trung chuyển để "sơ chế" hàng hóa trước khi xuất khẩu sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế.
Điều này không chỉ đẩy các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đến chỗ khó khăn hay phá sản, mà còn tiềm ẩn nguy cơ hàng Việt Nam bị áp thuế trừng phạt với mức cao từ các quốc gia nhập khẩu trong đó có Mỹ và các nước châu Âu,...
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, nếu dịch bệnh kéo dài thì khả năng "rơi rụng" hoặc bị thâu tóm của doanh nghiệp trong nước sẽ là rất cao. Ông Đức dự báo khi dịch Covid-19 đi qua, khả năng giao dịch M&A ở thị trường trong nước sẽ tăng cao đáng kể và đây là cơ hội cho nhiều nhà đầu tư ngoại, trong đó đáng chú ý là nhà đầu tư Trung Quốc.
Thay vì phải đăng kí thành lập một doanh nghiệp mới với nhiều thủ tục, thì thâu tóm một doanh nghiệp có sẵn không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn tận dụng được cơ sở khách hàng, chuỗi cung ứng, nguồn nhân lực đã quen thuộc, thấu hiểu đặc tính thị trường, cũng như các nền tảng cơ sở pháp lí.
Trên thực tế không chỉ ở Việt Nam mà giữa đại dịch Covid-19 này, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang tăng cường mở rộng thâu tóm doanh nghiệp ở các nước khác trong đó có cả Ấn Độ. Ấn Độ và một số quốc gia khác cũng đã có biện pháp để kiểm soát việc thâu tóm của nhà đầu tư Trung Quốc.
Do đó, giới phân tích cho rằng ở thị trường trong nước cũng cần có chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, bổ sung những quy định pháp luật chưa chặt chẽ hoặc còn có khoảng trống chưa quy định để tạo ra hành lang pháp lí hợp lí cho đầu tư và kinh doanh, qua đó, vừa thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020