Phương Tây đeo khẩu trang và cơ hội của doanh nghiệp Việt

“Hiện một số doanh nghiệp bắt đầu xuất khẩu các lô hàng khẩu trang vải ra nước ngoài”, theo ông Ngô Khải Hoàn, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, thông tin.
Phương Tây đeo khẩu trang và cơ hội của doanh nghiệp Việt - Ảnh 1.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với các ca mắc gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu thì khẩu trang (bao gồm khẩu trang y tế, khẩu trang vải) trở thành sản phẩm thiết yếu trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Sức mua khẩu trang vải tăng chóng mặt

Chị Nguyễn Thị Nga, quản lí một hiệu thuốc tại quận Hà Đông (Hà Nội), chia sẻ chưa bao giờ chứng kiến mặt hàng khẩu trang được người tiêu dùng săn lùng nhiều đến thế.

“Thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra, sản phẩm khẩu trang y tế chúng tôi chỉ dám nhập cầm chừng về bán. Còn hiện nay, cứ nhập về được bao nhiêu là trong vài tiếng đồng hồ đã bán hết veo. Khẩu trang y tế vẫn còn khan hiếm, chúng tôi nhập khẩu trang vải kháng khuẩn về bán cũng rất chạy”, chị Nga chia sẻ.

Không chỉ ở các nhà thuốc, sức mua khẩu trang vải kháng khuẩn tại các siêu thị, hệ thống phân phối lớn cũng tăng cao. Điều này khác với trước đây, khi người dân chỉ quan tâm đến khẩu trang y tế. Đơn cử như tại hệ thống VinMart, VinMart+, trung bình tiêu thụ khoảng 60.000 khẩu trang/ngày.

“Để không xảy ra tình trạng khan hiếm khẩu trang, chúng tôi đã chuẩn bị kế hoạch cung ứng đến quý II/2020. Số lượng khẩu trang được đăng kí, kiểm soát chặt chẽ, báo cáo với Bộ Công Thương định kì” - đại diện hệ thống siêu thị trên cho biết.

Số liệu tổng hợp từ các hệ thống phân phối lớn khác như Saigon Coop, Big C, Vincommerce, BRG Retail, MM Mega Market… cũng cho thấy từ nay đến ngày 15/4, dự kiến sẽ cung ứng ra thị trường gần 9 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn. Trước đó, trong 15 ngày cuối tháng 3, các đơn vị này đã cung ứng hơn 23 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn với giá cả hợp lí và đảm bảo chất lượng.

Theo khuyến cáo từ các cơ quan chức năng và chuyên gia, người dân nên chọn khẩu trang vải kháng khuẩn chứ không nhất thiết phải mang khẩu trang y tế. Bởi khẩu trang y tế hạn chế, chỉ dành riêng cho các nhân viên y tế sử dụng để chăm sóc cho các bệnh nhân bị nhiễm bệnh. Nếu người dân ai cũng lạm dụng đeo khẩu trang y tế thì khó đáp ứng được nhu cầu và khiến nguồn cung thị trường khan hiếm, giá cao.

Phương Tây đeo khẩu trang và cơ hội của doanh nghiệp Việt - Ảnh 2.

Khẩu trang vải trên thị trường hiện nay khá đa dạng, phong phú. (Ảnh: Tú Uyên).

Đủ năng lực sản xuất, cung ứng cho thị trường

Những ngày giữa tháng 3, hàng loạt công ty dệt may Việt Nam nhận được thông báo hủy, hoãn, giãn đơn hàng từ các đối tác lớn ở châu Âu và Mỹ vì gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các doanh nghiệp (DN) như ngồi trên đống lửa, hàng triệu người lao động có nguy cơ thất nghiệp.

Trong bối cảnh đó, các công ty dệt may kiến nghị Chính phủ cho phép tập trung vào sản xuất mặt hàng khẩu trang vải, vừa để phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch trong xã hội, vừa góp phần giảm bớt khó khăn cho các DN. Nhờ vậy tình hình sản xuất khẩu trang đã có nhiều cải thiện.

Thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết lượng khẩu trang sản xuất mỗi ngày đạt từ 20.000 tới 50.000 sản phẩm. Tính từ đầu tháng 2 đến gần cuối tháng 3, tổng sản lượng khẩu trang vải phòng dịch trong cộng đồng, do các đơn vị thành viên Vinatex sản xuất đã đạt hơn 38 triệu chiếc, trong đó khẩu trang từ vải dệt thoi đã cung ứng ra thị trường 5 triệu sản phẩm. Trong các tháng tiếp theo, tập đoàn dự kiến sản lượng khẩu trang vải phòng dịch đạt 28 triệu đến 30 triệu chiếc/tháng.

“Nếu thị trường có nhu cầu sử dụng nhiều khẩu trang hơn, toàn hệ thống của tập đoàn sẽ sắp xếp tổ chức sản xuất để có thể cung ứng lên tới 50 triệu chiếc khẩu trang/tháng” - Vinatex cho hay.

Ông Đào Xuân Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Dệt lụa Nam Định, đánh giá trong bối cảnh khó khăn hiện nay, sản xuất khẩu trang là giải pháp tạm thời để chống đỡ trong khi các đơn hàng xuất khẩu lớn bị ảnh hưởng. Hiện công ty đang sản xuất khẩu trang vải dệt thoi kháng giọt bắn, kháng khuẩn.

“Chúng tôi đang cố gắng cầm cự một vài tháng để giảm bớt khó khăn, tạo việc làm cho người lao động trong khi chờ các thị trường chính ổn định trở lại”, ông Nghĩa cho biết thêm.

Khẩu trang y tế vẫn còn thiếu

Ông Quách Ngô Gia Bảo, Giám đốc Công ty Sản xuất - Thương mại Gia Bảo Phương, cho biết: Công ty vừa có nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế thông qua việc mua lại nguồn nguyên liệu từ một đơn vị trong nước. Nguồn nguyên liệu này được nhập từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, gần như 100% sản phẩm khẩu trang y tế của công ty sản xuất chỉ đủ cung cấp cho các bệnh viện và trung tâm phòng, chống dịch bệnh của TP HCM chứ không bán ra thị trường vì số lượng không nhiều. Nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế hiện vẫn thiếu, chưa chủ động được.

Nguyên nhân chính do phía Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh sản xuất khẩu trang cung cấp cho nội địa và xuất khẩu.

Tính phương án xuất khẩu

Các nước tại châu Âu, Mỹ... trước không có thói quen đeo khẩu trang để phòng, chống dịch bệnh nhưng nay với tình hình dịch căng thẳng cũng bắt đầu chú ý đến mặt hàng này. Đón bắt được tín hiệu thị trường, các DN dệt may Việt Nam đang tính đến phương án xuất khẩu khẩu trang.

Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), thông tin: Hiện tại, Tổng cục Hải quan đã có hướng dẫn cho phép các DN có khẩu trang vải thì được phép xuất khẩu. Đơn vị nào có đơn hàng, có đối tác cần khẩu trang vải thì vẫn có thể tính toán đến phương án này. 

“Tuy nhiên, Vinatex vẫn đặt ưu tiên số một là phục vụ người dân trong nước trước”, ông Hiếu khẳng định.

Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, đánh giá: Năng lực sản xuất khẩu trang vải của ta đang lên từng ngày, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, thậm chí còn dư để xuất khẩu. Vì hiện nay số lượng DN tham gia đăng ký khẩu trang 870 đang tăng lên rất nhiều và đang đi vào sản xuất.

“Hiện một số công ty đang bắt đầu xuất khẩu các lô hàng khẩu trang vải ra nước ngoài. Việc sản xuất khẩu trang cũng là một cách để các DN giải quyết được một phần khó khăn do tác động của dịch COVID-19 trong thời gian này”, ông Hoàn cho biết.

Một trong những DN đang tính toán đến việc xuất khẩu khẩu trang vải ra nước ngoài có thể kể đến như Công ty cổ phần May Hưng Việt. Hiện mỗi ngày Công ty May Hưng Việt có thể sản xuất 100.000-300.000 chiếc khẩu trang vải dệt thoi kháng khuẩn, kháng giọt bắn.

“Trong bối cảnh đầy khó khăn này, chúng tôi đang tính đến phương án xuất khẩu khẩu trang. Hiện chúng tôi đang làm thủ tục để xuất khẩu”, Tổng Giám đốc Công ty May Hưng Việt -Hoàng Ngọc Anh, tiết lộ.

Phương Tây đeo khẩu trang và cơ hội của doanh nghiệp Việt - Ảnh 4.

Nhiều DN đang tập trung sản xuất khẩu trang vải để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt do dịch COVID-19. (Ảnh: CTV).

Dư năng lực sản xuất khẩu trang

Theo thống kê của Bộ Công Thương, từ ngày 31/3 đến 15/4, dự kiến sản lượng khẩu trang vải sẽ được các DN cung ứng khoảng 40 triệu đến 55 triệu chiếc, tùy vào số lượng đơn đặt hàng, bao gồm cả khẩu trang vải kháng khuẩn và khẩu trang vải 870.

Hiện ngoài các DN lớn, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh quy mô vừa và nhỏ, như mô hình hộ kinh doanh, nhóm thợ cũng bắt đầu phổ biến và đóng góp một lượng không nhỏ khẩu trang vải ra cộng đồng.

Năng lực sản xuất khẩu trang vải còn có thể đạt mức cao hơn nhiều nếu các DN sản xuất nhận được đơn đặt hàng.

Tháo gỡ vướng mắc thủ tục xuất khẩu khẩu trang vải

Ngày 31/3, Tổng cục Hải quan đã có văn bản hỏa tốc báo cáo Văn phòng Chính phủ và gửi Bộ Y tế, về thông tin phản ánh việc xuất khẩu khẩu trang thông thường đang gặp một số khó khăn trong quá trình giải quyết thủ tục thông quan, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan địa phương rà soát quy trình thủ tục hải quan đảm bảo tạo thuận lợi; cán bộ, công chức nào sai phạm, gây phiền hà, sách nhiễu thì tạm thời đình chỉ công tác để kiểm điểm trách nhiệm.

Đến nay, về cơ bản, các vướng mắc liên quan đến việc kiểm tra hải quan đối với mặt hàng khẩu trang của DN đã được giải quyết. Tuy nhiên, để tránh vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan xuất khẩu cho các lô hàng khẩu trang, Tổng cục Hải quan cũng đề nghị Bộ Y tế làm rõ mặt hàng khẩu trang đạt tiêu chuẩn TCVN 8389: 2010 nhưng không xuất trình số lưu hành thì có được xuất khẩu hay không.

chọn
VKS đề nghị tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 'mức án nghiêm khắc nhất'
TP HCMTheo VKS, bà Trương Mỹ Lan phạm tội có tổ chức trong thời gian dài, thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi... nên đề nghị tòa tuyên phạt "mức án nghiêm khắc nhất".