Thương hiệu thời trang đến từ Nhật Bản Uniqlo, thuộc sở hữu của Tập đoàn Fast Retailing, sẽ bắt đầu bán khẩu trang vào mùa hè này tại các cửa hàng của mình. Chủ tịch và Giám đốc điều hành Tadashi Yanai nói với Asian Nikkei Review rằng loại khẩu trang này được ra đời khi nhu cầu toàn cầu tăng lên để bảo vệ sức khoẻ chống lại Sars-CoV-2.
Khẩu trang sẽ được làm từ cùng chất liệu được sử dụng cho đồ lót AIRism của thương hiệu này. Đây là loại vải khiến dòng đồ lót của Uniqlo ăn khách nhờ giúp làn da luôn giữ được sự mát mẻ và khô thoáng, thấm hút mồ hôi nhanh chóng.
"Những chiếc khẩu trang sẽ được bán thông qua các cửa hàng Uniqlo, và thông qua thương mại điện tử với giá 'dưới vài nghìn yên' (tức khoảng dưới 200.000 đồng)", ông Yanai xác nhận.
Doanh số hàng năm của Uniqlo về các sản phẩm AIRism ước tính đạt gần 100 triệu trên trên toàn cầu. Sản xuất phần lớn được thực hiện tại các nhà máy ở Trung Quốc và Đông Nam Á. Một số nhà máy có khả năng sản xuất hàng loạt đó, dự kiến sẽ được sử dụng để sản xuất khẩu trang.
Trước đó, Crystal International Group, nhà sản xuất cho Uniqlo và H&M công bố sẽ sản xuất khẩu trang tái sử dụng cho chính phủ Hong Kong tại Việt Nam. Hầu hết các khẩu trang đang được sản xuất tại một cơ sở ở Việt Nam. Phần còn lại được lắp ráp, khử trùng và đóng gói bằng ba cơ sở miễn phí tại Hong Kong.
Annie Choi Suk-han, thư kí thường trực của Cục Đổi mới và Công nghệ Hong Kong, cho biết nhà máy Việt Nam đã được chọn vì không có hạn chế xuất khẩu đối với các sản phẩm khẩu trang tại đây. Hơn nữa, Việt Nam đang kiểm dịch tốt nên sẽ không có tình trạng phong toả làm ngưng trệ sản xuất.
Báo cáo kết quả xuất nhập khẩu hàng hoá của Tổng cục Hải quan vừa cho biết, trong 4 tháng đầu năm, tổng lượng khẩu trang xuất khẩu của Việt Nam là 415,7 triệu chiếc, trị giá 63,19 triệu USD. Các nước mua khẩu trang nhiều nhất của Việt Nam là Nhật Bản 32,7 triệu chiếc, Hàn Quốc 17,1 triệu chiếc, Đức 11,1 triệu chiếc, Mỹ 10,4 triệu chiếc, Hong Kong 4,1 triệu chiếc.
Như vậy, Uniqlo sẽ là doanh nghiệp mới nhất bắt đầu sản xuất khẩu trang trong tình thế toàn thế giới đang tìm cách tự bảo vệ mình trong đại dịch. Yanai cũng đề cập đến kế hoạch tặng khoảng 5 triệu khẩu trang và bộ đồ bảo hộ cho các tổ chức y tế tại Nhật Bản.
Hồi tháng 4 vừa rồi, Louis Vuitton, Burberry và Chanel cho biết đã bắt tay chuyển đổi một phần dây chuyền sản xuất thời trang cao cấp của mình sang làm khẩu trang và đồ bảo hộ y tế. Đây được xem là nỗ lực của các nhãn hàng xa xỉ trong cuộc chiến chống Covid-19.
Tập đoàn bán hàng xa xỉ LVMH đã cam kết cung cấp ít nhất 40 triệu khẩu trang cho Pháp, trả khoảng 5,4 triệu USD (hơn 127,6 tỉ đồng) cho lần giao hàng đầu tiên. Còn thương hiệu thời trang Burberry của Anh cho biết, họ đang sử dụng chuỗi cung ứng toàn cầu của mình "để theo dõi nhanh việc cung cấp 100.000 khẩu trang y tế cho Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, để nhân viên y tế sử dụng".
Các công ty không làm về lĩnh vực thời trang như Sharp của Nhật Bản cũng đã bắt đầu sản xuất khẩu trang vào tháng 4, nhưng tình trạng thiếu nguồn cung vẫn tiếp tục đối với các sản phẩm khẩu trang chất lượng cao.
Tiêu dùng 08:16 | 13/06/2020
Tiêu dùng 12:41 | 06/06/2020
Tiêu dùng 05:43 | 24/05/2020
Tiêu dùng 14:51 | 21/05/2020
Tiêu dùng 12:31 | 04/05/2020
Tiêu dùng 05:40 | 04/05/2020
Tiêu dùng 18:41 | 02/05/2020
Kinh doanh 18:31 | 30/04/2020