Giữa đại dịch Covid-19, các hãng bán lẻ khắp thế giới trông chờ vào thị trường Trung Quốc để hồi sinh

Hàng loạt các ông lớn toàn cầu đang hướng đến Trung Quốc để tái khởi động sau thời gian phong tỏa vì dịch bệnh. Song, đại dịch Covid-19 đã định hình lại hành vi mua sắm người tiêu dùng tại xứ tỉ dân, viễn tưởng thị trường béo bở này sẽ là 'cứu cánh' cho các nhãn hàng xa xỉ dường như khó thành hiện thực.
Các thương hiệu bán lẻ đa quốc gia đặt cược vào Trung Quốc, chờ người tiêu dùng chi tiền - Ảnh 1.

Người mua sắm xếp hàng bên ngoài một cửa hàng giày Nike tại Bắc Kinh vào ngày 17/3. Thương hiệu này cho biết doanh số bán hàng quí I/2020 tại Trung Quốc tăng 5%, bất chấp đại dịch Covid-19. (Nguồn: Bloomberg).

Các thương hiệu toàn cầu đang đặt cược vào thị trường tiêu dùng khổng lồ của Trung Quốc, với niềm hi vọng "miếng bánh lớn" này sẽ giúp khơi dậy mức tăng trưởng kinh doanh trì trệ hiện tại, trong bối cảnh nền kinh tế đang chật vật phục hồi và đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát.

Song, từ nhà bán lẻ đồ chơi Lego AS đến chuỗi thức ăn nhanh Domino's Pizza, đều đang chứng kiến sự tăng trưởng vừa phải tại thị trường Trung Quốc, so với 1-2 tháng trước.

Các thương hiệu nhận định khả năng sự phục hồi sẽ khó khăn hơn nhiều, và ngày càng trở nên thách thức bởi người tiêu dùng mất việc làm, thu nhập giảm mạnh.

"Đã đến lúc phải cẩn thận hơn với việc chi tiêu", ông Wu Yun - CEO 40 tuổi của một tập đoàn tư nhân Trung Quốc ở Thượng Hải cho biết.

Dù thu nhập vẫn chưa chịu ảnh hưởng quá lớn do cuộc khủng hoảng Covid-19 gây ra, ông Wu cho biết ông đang kiểm soát dần mức chi tiêu của mình, hủy bỏ các kì nghỉ nước ngoài, và đang lên kế hoạch mua một bất động sản mới.

Trung Quốc là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, với 5,8 nghìn tỉ USD doanh số bán lẻ vào năm 2019.

Các thương hiệu bán lẻ đa quốc gia đặt cược vào Trung Quốc, chờ người tiêu dùng chi tiền - Ảnh 2.

Đỉnh điểm đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc đến sớm hơn so với các nước phương Tây, vì vậy, nền kinh tế Trung Quốc cũng hoạt động trở lại sớm hơn.

Sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đóng vai trò là một người tiên phong, đưa ra các cảnh báo quan trọng cho các nhà bán lẻ, cung cấp cho họ những kịch bản có thể xảy ra một khi Mỹ và châu Âu mở cửa trở lại.

Sau mức sụt giảm 21% trong hai tháng đầu năm 2020, doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã phục hồi một phần trong tháng tiếp theo, quý đầu năm chỉ giảm 16% so với cùng kì năm 2019.

Con số này thực tế tốt hơn mong đợi mà nhiều nhà phân tích dự báo. Các công ty bán lẻ nổi tiếng như Nike và L'Oréal SA cũng đã thông báo trong tháng 4, rằng nhu cầu tại thị trường Trung Quốc đang có các dấu hiệu khả quan.

Các nhà bán lẻ trực tuyến là những thu được kết quả tốt nhất, JD.com đã báo cáo mức tăng trưởng 10% trong doanh số bán hàng quí I/2020 tại phân khúc kinh doanh này.

Một số nhà bán lẻ truyền thống cũng ghi nhận mức tăng trưởng trở lại tốt, như Nike với báo cáo doanh số hàng quí tại thị trường Trung Quốc tăng 5% theo năm, bất chấp cuộc khủng hoảng đang diễn ra.

Trong khi doanh số của L'Oréal tăng 6% nhờ doanh thu từ bán hàng truyền thống và sự gia tăng mạnh mẽ trong kênh bán hàng kĩ thuật số.

Đến cuối tháng 4, hầu hết các cửa hàng bán lẻ lớn tại Trung Quốc đã mở cửa trở lại được vài tuần.

Các thương hiệu bán lẻ đa quốc gia đặt cược vào Trung Quốc, chờ người tiêu dùng chi tiền - Ảnh 3.

Người mua sắm đeo khẩu trang bảo hộ khi đến mua hàng tại một của hàng Lego ở Hong Kong vào ngày 29/4. (Nguồn: Bloomberg).

Các nhà sản xuất hàng xa xỉ như LVMH và Kering – công ty mẹ của nhãn hiệu đắt đỏ Gucci, cũng thể hiện sự lạc quan.

Ông Jean-Jacques Guiony - Giám đốc tài chính của LVMH, cho biết: "Người tiêu dùng Trung Quốc có vẻ như đang rất 'hồ hởi' để quay lại các hành vi tiêu dùng trước đây của họ".

Song, theo số liệu đo lường từ các công ty khác vẫn cho thấy cuộc sống ở Trung Quốc còn lâu mới đạt được mức bình thường trước khi đại dịch xảy ra.

Thương hiệu cà phê nổi tiếng Starbucks vào cuối tháng 3 thông báo doanh số bán hàng giảm hơn 40% trong năm 2020.

Chuỗi thời trang Hennes & Mauritz đang trải qua một quá trình phục hồi dần dần, trong khi hai ông lớn sản xuất General Motors và Ford Motor đều có doanh số quí I/2020 sụt giảm trầm trọng, lần lượt với 43% và 35%.

Tổ chức Tình báo Kinh tế dự báo rằng mức tiêu thụ của Trung Quốc sẽ không thể hồi phục trở lại mức tăng trưởng cũ cho đến năm 2021.

Các thương hiệu bán lẻ đa quốc gia đặt cược vào Trung Quốc, chờ người tiêu dùng chi tiền - Ảnh 4.

(Nguồn: Wind).

Các dữ liệu chính thức cho thấy tỉ lệ thất nghiệp tại các đô thị Trung Quốc ở mức 5,9% trong tháng 3, tương đương với 27 triệu người.

Một ước tính độc lập của UBS và các công ty khác khẳng định con số thực sự có thể là gần 80 triệu người. Đặc biệt, việc đóng cửa các hoạt động kinh doanh cũng làm giảm số lượng công ăn việc làm cho người lao động nhập cư.

Ngoài ra, các nhà phân tích cho rằng dữ liệu chính thức của Trung Quốc không kể đến những lao động làm các công việc không chính thức, trong đó có một lượng lớn những người làm việc trong ngành dịch vụ và lao động phổ thông.

Con số này cũng không phản ánh những lao động đang và đã bị cắt giảm việc làm hoặc tiền lương.

Một cuộc khảo sát trong tháng 4 của mckinsey & Co. với người tiêu dùng Trung Quốc, cho thấy 40% cho biết họ đang rất cẩn trọng trong việc chi tiền, có 13% cho biết họ sẽ không thắt chặt hầu bao.

Còn khảo sát khác, thực hiện bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cho thấy 53% người gửi tiền dự định sẽ tiết kiệm nhiều hơn kể từ bây giờ, cao hơn gấp đôi so với 22% người dự kiến sẽ chi tiêu nhiều hơn.

Các thương hiệu bán lẻ đa quốc gia đặt cược vào Trung Quốc, chờ người tiêu dùng chi tiền - Ảnh 5.

Tại một trung tâm thương mại ở Thượng Hải, nhân viên nhiều cửa hàng cho biết lưu lượng khách đã tăng lại trong tháng 3. Nhiều doanh nghiệp đã mở cửa trở lại vào đầu tháng 2. Nhưng lượng khách hàng mua sắm sẵn sàng chi mạnh tay vẫn ít hơn ban đầu.

Trên một con phố thường nhộn nhịp gần đó, hơn một nửa các cửa hàng vẫn đang đóng cửa hoặc chủ cho thuê mặt bằng đang tìm người thuê mới.

Chủ một cửa hàng thời trang tại đây cho biết thời điểm này là giai đoạn kinh doanh tồi tệ nhất mà cô từng trải qua, cô dự định sẽ rời Thượng Hải sau 20 năm làm việc và trở về quê nhà.

Sau khi kiểm soát được số ca nhiễm Covid-19 mới, Trung Quốc đang dần chuyển mối quan tâm vào việc phục hồi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Các thương hiệu bán lẻ đa quốc gia đặt cược vào Trung Quốc, chờ người tiêu dùng chi tiền - Ảnh 6.

Hàng dài người dân chờ đợi vào cửa hàng Lego tại HongKong để mua sắm ngày 29/4. (Nguồn: Bloomberg).

Bộ Thương mại Trung Quốc đã phát động một lễ hội mua sắm trực tuyến riêng trong ngày 28/4, áp dụng cho các giao dịch trên gần như toàn bộ các trang web thương mại điện tử của Trung Quốc.

Hai tỉnh ở miền đông Trung Quốc, Giang Tây và Chiết Giang, đã kêu gọi các nhà tuyển dụng cho công nhân nghỉ thêm nửa ngày mỗi tuần, để có thể mua sắm hoặc ghé thăm các nhà hàng và địa điểm du lịch tại đây.

Chính quyền địa phương hai tỉnh này cũng đã phát hành các phiếu mua hàng với tổng trị giá hàng chục triệu USD, để giảm giá tại các cửa hàng tại đây.

Các thương hiệu bán lẻ đa quốc gia đặt cược vào Trung Quốc, chờ người tiêu dùng chi tiền - Ảnh 7.

Trung Quốc ghi nhận lượng đặt phòng khách sạn cao gấp đôi so với kì nghỉ lễ cuối tháng 4. (Nguồn: AP).

Sự cẩn trọng trong chi tiêu từ lâu đã không dùng để chỉ người tiêu dùng Trung Quốc hiện đại. Nhưng hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định được liệu sự miễn cưỡng thắt lại chi tiêu của họ sẽ hình thành cách chi tiêu mới, hay chỉ tạm thời do tình hình đại dịch Covid-19.

Anh Wang chia sẻ anh đã lên kế hoạch đổi chiếc ô tô Nissan của mình sang chiếc Tesla Model 3 trong năm nay, cho đến khi đại dịch xảy ra.

Cô Lynn Zhou, 33 tuổi, cũng chia sẻ rằng cô ấy đã thay đổi các ưu tiên chi tiêu của mình kể từ khi thu nhập của cô bị cắt đi một nửa.

"Dịch bệnh buộc tôi phải suy nghĩ về những gì thực sự quan trọng trong cuộc sống", Zhou nói. "Sở hữu những chiếc túi Louis Vuitton đâu có thể bảo vệ bạn khỏi virus Covid-19 được".

Các thương hiệu bán lẻ đa quốc gia đặt cược vào Trung Quốc, chờ người tiêu dùng chi tiền - Ảnh 8.

Dù đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, phần nhiều người tiêu dùng Trung Quốc vẫn đang dè chừng rút hầu bao cho chi tiêu. (Nguồn: BOF).

Nhưng nhiều ông lớn vẫn đang nhìn nhận Trung Quốc là bệ phóng cho chính hoạt động kinh doanh tại các thị trường khác, đang đẩy mạnh đầu tư vào thị trường tỉ dân, với hi vọng về triển vọng tăng trưởng dài hạn của quốc gia này.

Hãng xe đắt đỏ BMW gần đây đã bắt đầu xây dựng một nhà máy trị giá 3,2 tỉ USD tại thành phố phía đông bắc Thẩm Dương, Trung Quốc.

Hệ thống bán lẻ lớn nhất nước Mỹ - Walmart cũng cho biết họ sẽ đầu tư 425 triệu USD vào Thành phố Vũ Hán, là một phần của kế hoạch mở rộng kinh doanh "khủng" trên toàn Trung Quốc trong vòng 5 đến 7 năm tới.

Người phát ngôn của hãng cho biết, "kế hoạch này chưa bao giờ bị thay đổi cả".

Vào tháng 3, Tập đoàn Lego nói họ sẽ mở thêm 150 cửa hàng mới trong năm 2020, chủ yếu là ở Trung Quốc, đây là mục tiêu mà hãng tuyên bố là "sẽ gắn bó với nó".

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.