Đại dịch Covid - 19 giúp Trung Quốc vượt lên trong cuộc đua 5G

Dự báo trong năm 2020, hơn 60% thiết bị cầm tay 5G trên toàn cầu đến từ Trung Quốc.

Trong tháng 2, khi tất cả các thành phố ở vùng Tứ Xuyên bị phong toả để ngăn chặn sự lây lan của Covid - 19, những chiếc máy bay không người lái đã bay kín bầu trời. Chúng có nhiệm vụ rải các tờ rơi liên quan đến dịch bệnh, phun thuốc khử trùng khắp thành phố, và thậm chí là đo thân nhiệt cho người dân thông qua hình ảnh ghi nhận được.

Cách Bắc Kinh khoảng 1.800 km, những chiếc máy bay không người lái được điều khiển bằng sóng 5G, đã nhận nhiệm vụ phân phát hàng tá khẩu trang và giao những bữa ăn nóng cho các bệnh nhân đang điều trị trong bệnh viện, để giảm bớt sự tiếp xúc của con người.

Tại Vũ Hán, tâm chấn ban đầu của dịch bệnh, hàng trăm xe tải không người lái vẫn miệt mài vệ sinh đường phố trong những ngày bị phong toả.

Đây chỉ là một vài ví dụ về cách Trung Quốc khai thác mạng 5G trong cuộc chiến chống đại dịch Covid - 19 như thế nào. Bằng cách này, Trung Quốc đã vượt mặt phương Tây trên một mặt trận công nghệ quan trọng.

Công nghệ 5G - chìa khoá hồi phục kinh tế hậu Covid - 19 tại Trung Quốc

Bắc Kinh bắt đầu tăng tốc độ triển khai 5G vào năm ngoái, khi những căng thẳng thương mại và công nghệ với Washington nóng lên. Gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa 5G vào trong danh sách những mục tiêu chính cần có sự hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ, để phục hồi kinh tế.

Vượt xa những tham vọng của Bắc Kinh, đại dịch Covid - 19 đã trao cơ hội chưa từng có cho Trung Quốc trong việc phát triển mạng 5G, và giải đáp cho câu hỏi: kiếm tiền từ công nghệ mới như thế nào?

"Cuộc khủng hoảng Covid - 19 đã trở thành một cơ hội lớn để Trung Quốc nhanh chóng thử nghiệm rất nhiều ứng dụng 5G, bao gồm máy bay không người lái, xe không người lái, cửa hàng không nhân viên, và thậm chí cả điện thoại 5G - sản phẩm mà không ai biết khai thác tối đa cách sử dụng hiệu quả, trước khi đại dịch xảy ra", Wallace Hsu - nhà phân tích của Viện tư vấn & dự báo thị trường Trung Quốc.

Đại dịch Covid - 19 giúp Trung Quốc vượt lên trong cuộc đua 5G - Ảnh 1.

Chiếc xe tự lái được điều khiển nhờ 5G tại Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).

Ngoài máy bay không người lái và xe không người lái, mạng 5G được triệt để khai thác để giúp cung cấp trực tuyến hơn 1,57 triệu lớp học, trong khoảng thời gian các trường học phải đóng cửa vì dịch bệnh. Tại một số trường trung học ở Bắc Kinh, giáo viên đã triển khai các bài kiểm tra từ xa bằng điện toán đám mây.

Trong lĩnh vực y tế, 5G còn được sử dụng nhiều hơn thế. Hơn 100 bệnh viện đã áp dụng hệ thống 5G, để chẩn bệnh từ xa trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Thậm chí, tại Chiết Giang, các bác sĩ đã sử dụng công nghệ này để điều khiển robot từ xa, tiến hành siêu âm trên bệnh nhân nhiễm Covid - 19 cách đó hơn 700 km trong một bệnh viện tại Vũ Hán.

Những ứng dụng này và ứng dụng khác của 5G là kết quả của việc triển khai hợp tác giữa Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và China Mobile, nhà mạng hàng đầu của Trung Quốc.

Đại dịch Covid - 19 giúp Trung Quốc vượt lên trong cuộc đua 5G - Ảnh 2.

Công nghệ 5G - Chìa khoá cho sự hồi phục kinh tế hậu Covid - 19 tại Trung Quốc. (Ảnh: South China Morning Post).

Bắc Kinh đã bắt đầu cấp giấy phép thương mại 5G vào tháng 6 năm ngoái, để hỗ trợ Huawei, sau khi công ty này bị Washington đưa vào danh sách đen thương mại. Sau đó 3 tháng, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết tăng tốc đầu tư vào một chương trình gọi là hạ tầng mới, bao gồm triển khai 5G, trung tâm dữ liệu và đường sát cao tốc để định hình lại nền kinh tế Trung Quốc, sau khi GDP nước này giảm 6,8% trong tháng 1 và tháng 3 kể từ năm 1992.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, ba nhà mạng lớn nhất Trung Quốc, gồm China Mobile, China Telecom và China Unicom đã cam kết đầu tư hơn 180 tỉ nhân dân tệ, tức khoảng 25,45 tỉ USD trong năm nay cho cơ sở hạ tầng liên quan đến 5G. Con số này cao gấp 5 lần so với số tiền họ bỏ ra cho 5G trong năm 2019.

Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng và vận hành ít nhất 600.000 trạm 5G trên toàn quốc vào cuối năm 2020. Đến nay, theo dữ liệu từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ Trung Quốc, họ đã đạt được 1/3 mục tiêu đó.

Thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc bừng tỉnh trước cách mạng 5G

Sự thúc đẩy này đã mang lại lợi ích cho Huawei và ZTE, hai nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc. Cả hai đã cùng nhau nắm giữ hơn 80% cổ phần trong các dự án triển khai cơ sở hạ tầng 5G của China Mobile, chiếm 40% tổng số trạm gốc 5G tại Trung Quốc trong năm nay.

"Bên ngoài Trung Quốc, các dự án triển khai 5G của phần còn lại của thế giời về cơ bản đã bị ảnh hưởng do sự bùng phát Covid - 19. Các kế hoạch tại Tây Ban Nha, Italia, Pháp và Áo đã bị đình hoãn", Kelly Hsieh, một nhà phân tích viễn thông tại TrendForce, nói.

"Hơn nữa, Trung Quốc đang sử dụng chính sách quốc gia để thúc đẩy hiện thực hoá công nghệ 5G. Trong khi tại Mỹ và Hàn Quốc, những thị trường đi tiên phong trong việc triển khai 5G, quá trình này lại phụ thuộc vào người tiêu dùng", nhà phân tích viễn thông cho biết thêm.

Đại dịch Covid - 19 giúp Trung Quốc vượt lên trong cuộc đua 5G - Ảnh 3.

Thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc khởi sắc trước cuộc cách mạng 5G. (Ảnh: CNN).

Không chỉ triển khai hạ tầng 5G, Trung Quốc hiện cũng đang có dấu hiệu phục hồi trên thị trường điện thoại thông minh, chủ yếu được thúc đẩy bởi các thiết bị cầm tay 5G. Thị trường này đã chứng kiến mức giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm 2020 khi các doanh nghiệp dừng hoạt động trong dịch Covid - 19.

Rick Tsai, Giám đốc điều hành của MediaTek, nhà phát triển chip di động lớn thứ hai thế giới sau Qualcomm, cho biết khoảng thời gian tồi tệ nhất cho thị trường điện thoại thông minh tại Trung Quốc đã qua đi. "Kế hoạch triển khai 5G của Trung Quốc đang được tiến hành", Tsai nói.

"Tại Trung Quốc, chúng tôi khá thoải mái khi thị trường trở lại trạng thái bình thường hơn sau quý đầu tiên, một quý giảm. Trong quý thứ hai, chúng tôi tin rằng thi trường điện thoại thông minh Trung Quốc sẽ lại phát triển trở lại mức tương tự, hoặc có thể thấp hơn chút so với quý 2/2019", Giám đốc điều hành MediaTek tỏ ra lạc quan.

Lei Jun - Chủ tịch và Giám đốc điều hành Xiaomi, nhà sản xuất smartphone lớn thứ 4 thế giới, cho biết dự kiến hãng sẽ giới thiệu 10 mẫu điện thoại 5G trong năm nay. Huawei, Oppo và Vivo cũng cho biết sẽ phát hành các mẫu điện thoại tầm trung có trang bị 5G trong thời gian tới.

Trong khi đó, ở phía ngược lại, Apple sẽ chỉ ra mắt chiếc iPhone 5G đầu tiên của mình vào nửa năm nay, và cũng có thể nó sẽ bị lùi lại.

Đại dịch Covid - 19 giúp Trung Quốc vượt lên trong cuộc đua 5G - Ảnh 4.

Trung Quốc đã bỏ xa phương Tây trong cuộc đua 5G. (Ảnh: CNN).

Tuy nhiên, các nhà theo dõi thị trường cảnh báo rằng suy thoái kinh tế vẫn có thể ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhiều người sẽ không muốn chi trả nhiều tiền hơn để sở hữu một chiếc điện thoại thông minh 5G.

"5G thực sự là thứ để các nước lớn như Trung Quốc thể hiện sức mạnh công nghệ của mình. Ở cấp độ Chính phủ, không có lí do gì để trì hoãn việc phát triển công nghệ này", Joey Yen, nhà phân tích công nghệ của IDC, nói. 

"Tuy nhiên, kinh thế suy giảm nói chung vẫn là một mối lo ngại lớn trong nửa cuối năm nay. Chúng tôi thực sự không rõ liệu cuối ngày, người tiêu dùng có ra ngoài để mua những chiếc điện thoại 5G ở Trung Quốc hay không, hay các doanh nghiệp tư nhân sẽ vẫn tài trợ cho những nâng cấp bộ định tuyến 5G và internet không dây nhanh chóng trong kỉ nguyên hậu Covid - 19", Joey chia sẻ.