Khi mạng di động thứ năm, 5G vẫn còn chưa được triển khai thì cuộc đua cạnh tranh để phát triển 6G đã nóng lên từng ngày, với hai kẻ dẫn dắt là Samsung của Hàn Quốc và Huawei của Trung Quốc.
Cuộc đua 6G giữa hai ông lớn tập trung vào các trạm gốc sẽ tạo thành xương sống của thế hệ mạng di động thứ sáu trong tương lai.
Nhật Bản đặt mục tiêu đuổi kịp cuộc đua này thông qua cơ sở hạ tầng, trong khi Mỹ tỏ ra hụt hơi, tuyệt vọng thúc đẩy lĩnh vực chip để giành lại vị trí dẫn dắt toàn cầu.
Công việc chuẩn hoá các thông số kĩ thuật công nghệ cho mạng di động thế hệ thứ sáu dự kiến sẽ bắt đầu vào khoảng năm 2023.
Động thái đó có thể sẽ là bước đi đầu tiên thúc đẩy sự phát triển của thiết bị và các bộ phận 6G trước khoảng thời gian dự kiến được thương mại hoá trong năm 2027.
Hàn Quốc và Trung Quốc, hai quốc gia đi đầu toàn cầu về sản xuất điện thoại di động, trạm gốc và linh kiện điện tử, đang hỗ trợ triệt để các tập đoàn công nghệ lớn với tham vọng dẫn đầu trong việc thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ 6G.
Hai tập đoàn lớn là Samsung và LG, Hàn Quốc đang tìm cách trở thành quốc gia đầu tiên triển khai dịch vụ thương mại 6G. Nước này đã thành lập Trung tâm nghiên cứu 6G, với dự án phát triển lên tới 800 triệu USD.
Về phía Trung Quốc, nước này đã tiết lộ một chương trình nghiên cứu và phát triển 6G trong tháng 11 năm ngoái. Trong khi đó, Huawei cũng tự ra mắt một đơn vị nghiên cứu riêng biệt cho lĩnh vực này.
Các trạm gốc dự kiến sẽ trải qua một sự chuyển đổi về số lượng và chất lượng với 6G. Nó sẽ có khả năng hỗ trợ tốc độ hơn 1 terabit mỗi giây hoặc nhanh hơn 10 lần so với 5G. Những phạm vị truyền tín hiệu của các trạm 6G chỉ từ 200m trở xuống.
"Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ cần xây dựng các trạm phát sóng nhiều gấp 10 lần dân số", Tetsuya Kawanishi, giáo sư tại Đại học Waseda ở Tokyo, nói.
"Hiện Nhật Bản đang có khoảng 600.000 trạm gốc, nếu 6G đi vào hoạt động dự kiến sẽ cần 1 tỉ trạm gốc và con số này trên toàn cầu sẽ là trên 100 tỉ", vị giáo sư nói thêm.
Trong khi các trạm cơ sở hiện tại có kích thước gần bằng tủ lạnh, mạng 6G sẽ sử dụng bước sóng ngắn hơn và do đó cần ăng ten nhỏ hơn. Do vậy, các trạm gốc này có thể nhỏ như các thiết bị cầm tay di động. Ngay cả cột đèn đường, biển báo và xe khách cũng có thể đóng vai trò như một trạm gốc.
Các trạm gốc cũng được dự kiến sẽ hoạt động như một máy chủ độc lập và xử lí dữ liệu ở tốc độ cao. Tốc độ truyền sẽ cực kì nhanh chóng, ngay cả khi ở các vùng sâu vùng xa. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm cách phát triển các trạm thông minh như vậy để giành quyền lãnh đạo cuộc đua.
Ba người chơi kiểm soát tới 80% thị trường trạm gốc hiện tại của thế giới đó là: Huawei (Trung Quốc), Ericsson (Thuỵ Điển) và Nokia (Phần Lan).
Tổng thống Donald Trump cũng muốn Mỹ đi đầu trên chiến tuyến 6G. Dựa vào Intel và các ông lớn công nghệ khác, Hoa Kỳ chọn cách tập trung vào mảng thiết kế chip, được sử dụng để xử lí dữ liệu tốc độ cao.
Nhật Bản cũng không giấu giếm tham vọng với 6G. Bộ Truyền thông nước này đã tiết lộ các mục tiêu với chiến lược "Beyond 5G", được công bố hồi tháng 4/2020, nhằm tìm cách chiếm 30% thị phần toàn cầu cho các trạm gốc và cơ sở hạ tầng khác, tăng từ mức chỉ 2% hiện nay.
Tokyo cũng muốn 10% bằng sáng chế có liên quan trên thế giới đến từ doanh nghiệp Nhật Bản.
Hiện Samsung đang dẫn đầu cuộc đua 5G với tư cách là người nắm giữ 8,9% bằng sáng chế, tiếp theo là Huawei với 8,3% và Qualcomm là 7,4%.
Domoco của Nhật Bản hiện xếp thứ 6 với tỉ lệ 5,5%, theo Cyber Creative Institute.