Nhiều doanh nghiệp BĐS khu công nghiệp báo lãi lớn

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, bất động sản khu công nghiệp là một mảng sáng hiếm hoi của thị trường, nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này vẫn ăn nên làm ra giữa đại dịch.
 - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp khu công nghiệp báo lãi lớn giữa mùa dịch. (Ảnh: Viglacera).

Từ năm 2020 đến nay, bất động sản (BĐS) công nghiệp nổi lên như một điểm sáng và là phân khúc hiếm hoi không lao dốc giữa đại dịch.

Báo cáo mới đây của Savills Việt Nam cho thấy, mặt bằng giá thuê đất khu công nghiệp (KCN) ghi nhận tăng cao, được săn đón bởi các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Với nhu cầu về bất động sản khu công nghiệp tăng cao, kết quả kinh doanh trong quý đầu năm của một số doanh nghiệp trong ngành như Kinh Bắc, Sonadezi, Tân Tạo, Nam Tân Uyên,... theo đó cũng tốt hơn. 

Thống kê kết quả kinh doanh từ một số doanh nghiệp bất động sản KCN niêm yết đã công bố BCTC cho thấy, nhiều doanh tiếp tục báo lãi trong quý II. Song, nguồn thu từ hoạt động cho thuê đất ghi nhận phân hóa, có doanh nghiệp ghi nhận tăng mạnh, song cũng có doanh nghiệp giảm mạnh.

 - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh quý II của một số doan nghiệp bất động sản khu công nghiệp. (Nguồn: H.L tổng hợp).

Trong số các doanh nghiệp đã công bố BCTC quý II, CTCP Long Hậu (Mã: LHG) dẫn đầu về cả doanh thu và lợi nhuận, với doanh thu đạt 555 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ và LNST đạt hơn 217 tỷ đồng, gần gấp 5 lần cùng kỳ.

Quý này, doanh thu của Long Hậu tăng mạnh chủ yếu do doanh thu cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng và xưởng xây sẵn cao gấp 4 lần cùng kỳ với gần 494 tỷ đồng. Còn lại là doanh thu cho thuê nhà xưởng, khu lưu trú với hơn 32 tỷ đồng (tăng 6%) và doanh thu các hoạt động khác với hơn 29 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Long Hậu ghi nhận gần 666 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 250 tỷ đồng LNST, tăng trưởng lần lượt 72% và 125% so với cùng kỳ năm 2020. Công ty đã thực hiện được 72% kế hoạch doanh thu và vượt hoàn thành vượt 55% kế hoạch lợi nhuận năm.

CTCP Sonadezi Châu Đức (Mã: SZC) quý này ghi nhận doanh thu thuần đạt 224 tỷ đồng và LNST đạt hơn 109 tỷ đồng, tăng lần lượt 47% và 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, phần lớn doanh thu trong quý II của Sonadezi Châu Đức đến từ hoạt động cho thuê đất và phí quản lý với 222 tỷ đồng (tăng 65% so với cùng kỳ), còn lại là doanh thu cung cấp nước, điện, xử lý nước thải,...

Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu thuần và LNST của Sonadezi Châu Đức đạt 403 tỷ đồng và 189 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 47% và 51% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp hoàn thành 69% mục tiêu doanh thu và 62% mục tiêu lợi nhuận.

Với CTCP Sonadezi Long Thành (Mã: SZL), kết quả kinh doanh quý này không biến động mạnh với 111 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 27 tỷ đồng LNST, tăng trưởng lần lượt 24% và 3% so với cùng kỳ.

Doanh thu trong kỳ phần lớn đến từ doanh thu cho thuê nhà xưởng KCN Long Thành với hơn 35 tỷ đồng và doanh thu cho thuê đất (hơn 17 tỷ đồng). Doanh thu cho thuê nhà xưởng KCN Châu Đức chỉ ghi nhận hơn 2 tỷ đồng. Tất cả những chỉ số này gần như đi ngang so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp đem về 204 tỷ đồng doanh thu thuần và 48 tỷ đồng LNST, lần lượt tăng gần 16% và giảm gần 2% so với cùng kỳ. Công ty đã hoàn thành 50% mục tiêu doanh thu và 55% mục tiêu lợi nhuận.

CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (Mã: D2D) dù quỹ đất cho thuê không còn nhiều vẫn doanh thu thuần quý này vẫn đạt 109 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ. Song, LNST chỉ đạt gần 62 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ.

Phần lớn doanh trong trong quý đến từ hoạt động kinh doanh bất động sản với gần 158 tỷ đồng. Riêng doanh thu từ hoạt động cho thuê hạ tầng KCN giảm mạnh từ 109 tỷ đồng xuống còn 33 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, D2D đạt 197 tỷ đồng doanh thu, tăng 32% và LNST gần 109 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp mới thực hiện được 39% mục tiêu doanh thu và 23% mục tiêu lợi nhuận.

Tương tự, một đơn vị phát triển BĐS khu công nghiệp khác ở phía Nam là CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (Mã: NTC) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy tích cực trong quý II. Doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt 59 tỷ đồng, tăng gần 18% và LNST gần 51 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong cơ cấu doanh thu của Nam Tân Uyên, hoạt động kinh doanh bất động sản đầu tư chiếm hơn 43 tỷ đồng, doanh thu cung cấp dịch vụ gần 16 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận lần lượt 40 tỷ đồng và gần 10 tỷ đồng.

Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu Nam Tân Uyên đạt 123 tỷ đồng và lãi sau thuế 163,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 38% và 16% so với năm ngoái. Công ty mới thực hiện được 17% mục tiêu doanh thu nhưng đã thực hiện được hơn 72% mục tiêu lợi nhuận (đóng góp phần lớn là doanh thu hoạt động tài chính).

Một doanh nghiệp hiếm hoi báo lỗ trong quý II này là CTCP Khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC, Mã: HPI). Cụ thể, doanh nghiệp ghi nhận hơn 20 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 4 tỷ đồng LNST, giảm lần lượt 75% và 81% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh nghiệp cho biết, LNST quý này giảm mạnh là do doanh thu hoạt động cho thuê lại đất giảm 96% do công ty không có nhiều hợp đồng cho thuê lại đất đạt mức 95% so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế 6 tháng, HPI gần 125 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 13 tỷ đồng LNST. Trong khi cùng kỳ đạt lần lượt hơn 158 tỷ đồng và hơn 3 tỷ đồng.

Dù chưa công bố BCTC chính thức nhưng theo thông tin từ Viglacera - CTCP (Mã: VGC), nửa đầu năm, lợi nhuận hợp nhất toàn tổng công ty đạt 763 tỷ đồng. Lợi nhuận công ty mẹ đạt 726 tỷ đồng, gấp 2,5 lần kế hoạch 6 tháng và thực hiện được 97% mục tiêu năm.

 - Ảnh 3.

Lợi nhuận 6 tháng đầu năm của một số doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp. (Nguồn: H.L tổng hợp).

BĐS công nghiệp đối diện nhiều thách thức 

Báo cáo mới đây của Colliers Việt Nam cho biết kể từ năm ngoái, quá trình chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc cũng như một loạt các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) được ký kết đã làm tăng nhu cầu về đất công nghiệp tại Việt Nam. Nhiều KCN mới đã được quy hoạch hoặc xây dựng nhằm nhanh chóng đáp ứng nhu cầu này.

Tuy nhiên, đến quý II, nguồn cung KCN tại các thị trường lớn bị gián đoạn do tác động của dịch COVID-19, đặc biệt khi Bắc Ninh và Bắc Giang ghi nhận nhiều ca nhiễm mới tại các KCN.

Đơn vị này đưa ra nhận định, nửa cuối năm, bất động sản KCN sẽ đối diện một số thách thức khi dịch COVID-19 lây lan nhanh, xâm nhập vào các KCN. Dù có nhiều cơ hội nhưng việc thu hút đầu tư nước ngoài vào bất động sản công nghiệp vẫn được cho là còn một số điểm nghẽn, như các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và chi phí logistics, cơ chế thu hút các nhà đầu tư lớn.

Dù còn nhiều dư địa tăng trưởng, song phân khúc này được dự báo sẽ chứng kiến sức canh tranh ngày càng gay gắt trong thời gian tới.

Nguyên nhân được bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội chỉ ra là do nguồn cung đất tại các KCN mặc dù đang gia tăng nhưng chưa đủ đáp ứng. Quỹ đất ở những khu vực được coi là đắc địa (gần Hà Nội, TP HCM, gần cảng biển, sân bay,...) ngày càng cạn kiệt. Do đó, các KCN mới hiện đang lan rộng ra các khu vực lân cận xung quanh nhờ hạ tầng ngày càng được hoàn thiện và đồng bộ.