Người dân trong thôn đa phần sống xa nhau, trên các đỉnh đồi nên nhận thức còn thấp. Ảnh: Trang Anh |
Thời gian vừa qua, tại địa bàn thôn Phú Vinh (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) xảy ra nhiều vụ người lạ mặt dụ dỗ đưa con em dân tộc xuống TP Hồ Chí Minh để lao động.
Đáng nói, các em nhỏ người dân tộc Mông chỉ trong khoảng từ 13-14. Nhiều em cho hay, khi xuống TP HCM, các em làm tại cơ sở may mặc với thời gian lao động khoảng 12 tiếng/ngày. Đồng thời,, không được ra ngoài nếu không có sự cho phép…
Vừa qua, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng đã tìm hiểu, xác minh thông tin. Sau đó, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với cơ quan chức năng TP HCM làm thủ tục đưa 3 em nhỏ trở về nhà.
Do sinh con đông nên các em không được đến trường đi học. Ảnh: Trang Anh |
Chị Thào Thị Mải (SN 1983 – mẹ của em P.T.G (SN 2004) cho biết, G. là con thứ 2 trong gia đình có 6 anh chị em. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên một số người con của chị không được đến trường.
Sau đó, do nghe người lạ dụ dỗ rằng con chị sẽ có công việc nhẹ với mức lương 20 triệu đồng/năm nên chị cho G. và con gái P.T.C. đi làm.
Vừa mới được trở về tại cơ sở may mặc tại TP Hồ Chí Minh, G. cho hay, sau khi được đưa xuống cơ sở, em bị chủ bắt ở trong xưởng làm việc và không cho ra ngoài. Mỗi ngày, em phải làm từ 7h30 sáng đến 12h, chiều từ 14h30 đến 19h, tối làm từ 20h30 đến 23h mới được nghỉ ngơi.
Theo em G. cùng làm với em còn có 4 bạn ngang tuổi với em, cùng ở thôn Phú Vinh. Em G. còn cho biết thêm, mỗi khi không hoàn thành nhiệm vụ, chủ xưởng thường có những lời lẽ “nặng nề”. Sau khi làm được 2 tuần thấy các em làm không được việc nên chủ cơ sở đã bắt xe cho các em về nhà mà không trả thêm bất cứ khoản tiền nào.
Em G. mới từ TP Hồ Chí Minh trở về sau hai tuần làm việc nhưng không được trả lương Ảnh: Trang Anh |
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, sau khi đón Tết nguyên đán cùng gia đình, em P.T.A (SN 2003) đã được đưa qua tỉnh Lâm Đồng để đi cùng một người đàn ông lạ mặt xuống TP HCM làm trong một cơ sở may mặc.
Công việc của em tại xưởng may là sắp xếp, bưng bê và đóng gói các sản phẩm may mặc. Tuy nhiên, theo em A, do phải bưng bê nhiều hàng hóa, đồ nặng nhiều lúc khiến em mệt mỏi, kiệt sức. Do đó, nhiều lần em có suy nghĩ bỏ trốn để về với gia đình nhưng đều bất thành do chủ cơ sở luôn đóng cửa và không cho các em ra ngoài.
Vào ngày 15/3 vừa qua, em A. cùng H.T.G (2004) và P.T.C (SN 2002) may mắn được cơ quan chức năng đưa về nhà.
Liên quan đến vấn đề này, ông Y Cam, Phó chủ tịch xã Quảng Phú cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có 500 hộ với hơn 1000 nhân khẩu. Người dân nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt, trong đó cây cà phê, mì là cây trồng chủ yếu.
Cũng theo ông Y Cam, do điều kiện kinh tế khó khăn, người dân đa phần là người đồng bào Mông nên nhận thức chưa cao. Do đó, khi nghe những người lạ mặt dụ dỗ cho con em đi làm với mức lương 20 triệu đồng/năm nên các bậc cha mẹ đều đồng ý cho con em mình đi.
Theo vị phó chủ tịch, sau khi nắm bắt được thông tin các cơ quan chức năng đã tiến hành phối hợp với lực lượng công an tại TP HCM để đưa 3 em nhỏ trở về với gia đình. Trước đó, có 5 em được các cơ sở trả về do còn nhỏ hoặc không làm được việc. Qua rà soát, cơ quan chức năng còn phát hiện có 9 em đã được đưa đi từ trước nhưng đến nay không liên lạc được.
“Chính quyền địa phương cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan đoàn thể đến các thôn, buôn và từng hộ gia đình để tuyên truyền đến người dân về luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em, luật buôn bán người… Qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức, tránh việc con em bị đưa đi lao động”, ông Y Cam cho biết.
Em A. tóc dài và em H.Th.G mới được cơ quan chức năng đưa về nhà. Ảnh: Trang Anh |
Còn ông Huỳnh Ngọc Anh, giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông cho hay, sau khi Sở nhận được báo cáo của UBND huyện về việc một số trường hợp trẻ em bị người lạ dụ dỗ đưa xuống TP Hồ Chí Minh để lao động, đơn vị đã chỉ đạo khảo sát tình hình để tham mưu có biện pháp xử lý.
Vị giám đốc cho hay, sau khi khảo sát, nắm bắt tình hình cụ thể, Sở sẽ có báo cáo tham mưu lên UBND tỉnh, đồng thời kiến nghị các cơ quan đoàn thể và đặc biệt là gia đình trẻ em để năng ngừa tình trạng này.
Những lao động nhỏ tuổi ở nhà máy gạch Campuchia
Một ngày mới của Pak Rattana, 15 tuổi, bắt đầu bằng việc dậy sớm, ăn sáng và bê những viên gạch vào lò nung. Cậu ... |
Cuộc sống như nô lệ của trẻ em Ghana
Lạm dụng lao động trẻ em là một trong những vấn đề nhức nhối của Ghana, với tỷ lệ 20% trẻ phải sớm bỏ học ... |