Nhu cầu hạt mắc ca tăng mạnh

Thời gian gần đây, nhu cầu mắc ca tăng 200%. Về sản lượng, năm 2020 các tỉnh dự kiến thu hoạch gần 6.600 tấn hạt tươi, tăng gần 24,5 lần so với năm 2015.

Theo Báo Chính phủ, phát biểu khai mạc Hội nghị về phát triển cây mắc ca tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk sáng 29/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra hàng loạt vấn đề như diện tích trồng bao nhiêu là phù hợp để tránh tình trạng dư thừa, "được mùa, mất giá", mắc ca có phải là cây xóa đói giảm nghèo…

Được ví như "nữ hoàng của các loại hạt", mắc ca được định hướng xây dựng thành một ngành hàng mới của nông nghiệp Việt Nam vì đây là giống cây có hạt được xếp vào nhóm những loại hạt ngon nhất thế giới và cũng là loại thực phẩm có giá trị cao, đã giúp nhiều hộ nông dân đổi đời nhờ giá trị kinh tế cao trong thời gian qua.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói mắc ca có thể trở thành "cây xóa đói giảm nghèo, làm giàu", là lối ra cho Tây Bắc, Tây Nguyên và một số vùng của Việt Nam không, "chắc các tỉnh đều mong muốn điều này".

Thời gian gần đây, nhu cầu mắc ca tăng 200%. Vậy Hội nghị phải tập trung xử lí vấn đề gì, Thủ tướng nhắc lại ý kiến của nông dân Vy Thị Thanh phản ánh tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân vào ngày 28/9, rằng chị đã trồng cây mắc ca nhưng 7-8 năm nay không có quả. 

"Vậy có phải giống là khâu đầu tiên hay không? Ai chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về giống để dẫn đến kết quả mà chúng ta phải rút kinh nghiệm". Đi liền với đó là quy hoạch vùng đất nào, Tây Bắc thì tập trung thế nào, Tây Nguyên trồng xen thế nào… để người dân trồng mắc ca có thể thu hoạch được, chứ không phải trồng cây mà không ra trái hoặc ra ít trái.

Nhắc lại vấn đề  "được mùa, rớt giá", "được giá, mất mùa" trong nông nghiệp, Thủ tướng lưu ý "thị trường tiêu thụ mắc ca như thế nào" là câu hỏi lớn, là điều đầu tiên đặt ra. 

Vậy cần tăng diện tích trồng cây mắc ca lên bao nhiêu là phù hợp chứ không phải tăng vô cùng tận. 

Điều này là để tránh tình trạng dư thừa cũng như khi nhu cầu thị trường rất lớn mà làm không kịp. Nhận định nhu cầu tiêu thụ mắc ca tiếp tục tăng lên cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường hạt mắc cao thời gian tới là đúng, "nhưng tăng lên đến bao nhiêu để bảo đảm quyền lợi cho người dân, người sản xuất", Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng đặt ra là vốn cho sản xuất, "những ngân hàng nào có trách nhiệm cung ứng vốn, lãi suất phù hợp cho việc trồng cây xóa đói giảm nghèo này".

Theo báo cáo tại Hội nghị, mắc ca du nhập vào Việt Nam từ năm 1994, bắt đầu với 10 cây do Trung tâm Nghiên cứu giống cây rừng thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam trồng thử tại Ba Vì (Hà Nội).

Sau 5 năm triển khai quy hoạch mắc ca, đến nay cả nước đã có 23 tỉnh trồng cây mắc ca, với diện tích trên 16.500 ha. Trong đó, 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở Tây Bắc và Tây Nguyên trồng trên 15.400 ha, tăng 55% diện tích so với quy hoạch, còn lại hơn 1.000 ha nằm rải rác tại 14 tỉnh khác chưa có trong quy hoạch.

Về sản lượng, năm 2020 các tỉnh dự kiến thu hoạch gần 6.600 tấn hạt tươi, tăng gần 24,5 lần so với năm 2015. Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn như hiện nay, ước tính hơn 4.000 tấn hạt sấy sẽ mang lại giá trị khoảng 788 tỷ đồng (trong đó khoảng 60% xuất khẩu, còn lại phục vụ tiêu dùng trong nước).

Đến nay, sản phẩm mắc ca Việt Nam đã xuất khẩu với sản lượng trên 2.400 tẩn sản phẩm sấy/năm tới thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Pháp...

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, cây mắc ca đã có những tác động tích cực tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho khoảng 10.000 hộ gia đình nông thôn.

Dự báo thời gian tới, cả sản lượng cung và cầu trên thế giới đều tăng nhanh với tốc độ cung tăng 9%/năm, cầu tăng 12%/năm, đây là cơ sơ quan trọng để Việt Nam phát triển vùng nguyên liệu mắc ca và tham gia thị trường sản phẩm này trong giai đoạn 2021 - 2030 và các năm sau đó.

Định hướng trong thời gian tới, cần tiếp tục phát triển cây mắc ca là cây trồng trong 20 loài cây trồng rừng chính, tăng diện tích vùng trồng tập trung, từ đó xây dựng thành một ngành hàng mới của nông nghiệp Việt Nam, phấn đấu đến 2030 đạt doanh thu 1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 600 triệu USD.

chọn
Toàn cảnh vị trí quy hoạch cầu vượt sông Đáy nối Chương Mỹ - Ứng Hòa, Hà Nội
Một cầu vượt sông Đáy dự kiến được xây dựng kết nối các huyện Chương Mỹ và Ứng Hòa, Hà Nội.