Ngành công nghiệp lưu trú toàn cầu đã chứng tỏ khả năng phục hồi của mình vào năm 2021, sau khi nhu cầu đột ngột giảm mạnh trong năm 2020 khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Việc tăng tỷ lệ tiêm chủng, lượng lớn các gói kích thích kinh tế từ các Chính phủ, cùng với tình trạng "mệt mỏi" do chính sách đóng cửa biên giới đã nâng nhu cầu về chỗ ở lên mức cao bất ngờ, giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi của ngành.
Theo thống kê, giá trị giao dịch toàn cầu năm 2021 tăng 131% so với năm trước, đạt tổng cộng 66,8 tỷ USD.
Vào cuối năm, tỷ lệ RevPAR (doanh thu phòng/số phòng sẵn có) phục hồi so với năm 2019 dao động từ 50 - 79% tùy khu vực, trong đó khu vực châu Mỹ dẫn đầu.
JLL cho biết, điều này thể hiện rằng các thị trường phụ thuộc nhiều vào kinh doanh và nhu cầu nhóm sẽ có tốc độ phục hồi chậm hơn so với các thị trường phụ thuộc vào nhu cầu giải trí. Tương tự, các thị trường trước đây phụ thuộc vào nhu cầu quốc tế phải đối mặt với những thách thức lớn hơn so với các thị trường phụ thuộc vào nhu cầu trong nước.
Trong năm 2022, vấn đề về nhu cầu và tiến độ phục hồi sẽ tiếp tục được các chủ khách sạn, nhà điều hành và các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu. Ngoài ra, ngành sẽ phải điều chỉnh các rào cản hoạt động do tình trạng thiếu lao động, lạm phát gia tăng, các vấn đề về chuỗi cung ứng...
JLL dự đoán, ngành công nghiệp nhà nghỉ, khách sạn sẽ có cơ hội tận dụng xu hướng “khách sạn hóa bất động sản thương mại” ngày càng tăng. Các thị trường đang tận dụng môi trường hoạt động hiện tại để chuyển đổi và nâng cao vị thế trên thị trường du lịch sẽ có được lượng nhu cầu và đầu tư tăng trưởng vượt trội.
Với việc ngày càng có nhiều nhà đầu tư háo hức tìm kiếm các tài sản có thể tạo ra thu nhập và đồng thời chống lạm phát đáng kể; ngành nhà nghỉ, khách sạn sẽ được hưởng lợi từ nguồn vốn dồi dào sẵn sàng triển khai.