Công suất phòng khách sạn 3 - 5 sao Hà Nội đạt 23% trong năm 2021

Mặc dù hoạt động của thị trường khách sạn Hà Nội đã có sự cải thiện trong những tháng cuối năm nhưng công suất trung bình cả năm chỉ đạt 23%, giảm 6% so với năm 2020.
Công suất phòng khách sạn 3 - 5 sao Hà Nội đạt 23% trong năm 2021 - Ảnh 1.

Tình hình hoạt động thị trường khách sạn Hà Nội quý IV/2021. (Ảnh: Savills).

Nguồn cung ổn định

Theo báo cáo mới đây của Savills, trong quý IV/2021, tổng nguồn cung khách sạn Hà Nội đạt 10.120 phòng, đến từ 17 khách sạn 5 sao, 17 khách sạn 4 sao và 32 khách sạn 3 sao.

Khách sạn 5 sao tiếp tục dẫn đầu khi chiếm 54% tổng nguồn cung. Trong quý có ba khách sạn mới được đưa vào hoạt động nhưng chưa được cấp hạng sao chính thức. 

Về tình hình hoạt động, do quy mô nhỏ và nguồn cầu suy giảm, các khách sạn 3 sao dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hơn các phân khúc khác. Tính đến cuối năm 2021, có 6 khách sạn 3 sao với 378 phòng đã phải đóng cửa do dịch Covid-19 hoặc để cải tạo. 

Công suất toàn quý ở mức 27%, tăng 10% so với quý trước. Phân khúc khách sạn 5 sao có công suất cao nhất với 31%, theo sau là khách sạn 4 sao đạt 24% và khách sạn 3 sao đạt 18%.

Hoạt động theo quý IV được cải thiện, tuy nhiên công suất trung bình cả năm 2021 chỉ đạt 23%, giảm 6% so với 2020.

Giá thuê trung bình trong quý ở mức khoảng 1.800.000 đồng/phòng mỗi đêm, tăng 6% theo quý và 12% theo năm. Nhìn chung, giá thuê trung bình năm 2021 ở mức 1.680.000 đồng/phòng, giảm 9%.

Doanh thu phòng trung bình năm 2021 cao nhất cho phân khúc khách sạn 5 sao, đạt 580.000 đồng/phòng với nguồn cầu ổn định từ khách doanh nhân và khách ở dài hạn.

Savills đánh giá cao việc Việt Nam đã có một chiến dịch tiêm chủng thành công và các chương trình để phục hồi du lịch quốc tế. Tuy nhiên, triển vọng ngành khách sạn còn phụ thuộc nhiều vào chiến lược của Chính phủ và sự xuất hiện của các biến chủng Covid-19 mới.

Dự kiến giai đoạn từ 2022 - 2023, 13 dự án với 2.900 phòng sẽ được đưa vào hoạt động. Trong đó có 8 dự án khách sạn 5 sao với khoảng 2.300 phòng.

Khu vực nội thành sẽ chiếm 54% nguồn cung trong tương lai, với các thương hiệu lớn bao gồm Accor, Four Seasons, Lotte, Dusit và Wink. 

Từ 2023 trở đi, 50 dự án dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động Việt Nam.

Du lịch nội địa vẫn là động lực chính

Ông Matthew Powell, Giám Đốc Savills Hà Nội nhận định: "Chương trình tiêm chủng nhanh chóng là một bước đệm tích cực để chào đón du khách nước ngoài trở lại. Tuy nhiên, du khách nội địa sẽ tiếp tục thúc đẩy ngành khách sạn tại Việt Nam".

Savills dẫn thông tin các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện 1.311 chuyến bay vào tháng 9 và 8.358 chuyến bay vào tháng 12, tăng 538%. 

Trong năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đạt 60 triệu lượt khách nội địa, tăng 50% so với 2021. Điều này cho thấy niềm tin của các nhà hoạch định chính sách vào du lịch nội địa.

Với các lệnh cấm di chuyển quốc tế nghiêm ngặt, những lựa chọn du lịch trong nước thường được ưa chuộng. Trong quý vừa qua, lượng khách du lịch Hà Nội tăng mạnh từ mức 5.000 trong 10 lên mức 400.000 vào tháng 12. Tổng kết năm 2021, Hà Nội có 1.905.000 khách lưu trú nội địa trong khi khách quốc tế chỉ có 176.000.

Tuy nhiên, thị trường du lịch quốc tế cũng đang có không ít triển vọng. Việt Nam đã có các động thái mở cửa du lịch quốc tế như: Có những chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến TP HCM, Đà Nẵng, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh và Bình Định; đang dần mở lại các chuyến bay quốc tế từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Mỹ; chấp nhận hộ chiếu vắc-xin từ 78 quốc gia và vùng lãnh thổ...

Việt Nam đặt mục tiêu có 5 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2022. Savills dự đoán, nếu các chương trình thí điểm thành công, Đại hội Thể thao Đông Nam Á SEA Games 2022 có thể giúp lượng du khách quốc tế tăng mạnh mẽ.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.