Công suất khách sạn TP HCM tăng mạnh trong dịch Covid-19 nhờ nhiều doanh nghiệp phải thuê phòng cho nhân viên

Trong quý III vừa qua, các doanh nghiệp tại TP HCM phải thuê phòng khách sạn cho nhân viên ở để đảm bảo hoạt động kinh doanh, sản xuất. Do đó, thị trường khách sạn đã được hưởng lợi.

Theo báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam, trong quý III vừa qua, tổng nguồn cung khách sạn TP HCM còn 10.400 phòng đến từ 74 dự án khách sạn. Số phòng giảm 22% theo quý và 27% theo năm do thành phố huy động 30 khách sạn thuộc cả ba phân khúc để hỗ trợ cho đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Cũng trong quý vừa qua, gần 1.000 phòng từ 15 dự án đã mở cửa trở lại để đáp ứng nhu cầu lưu trú của các doanh nghiệp theo yêu cầu phòng chống dịch. Hầu hết các khách sạn mở cửa lại thuộc hạng 3 sao.

Số lượng khách nhập cảnh giảm và quy định cách ly y tế tại nhà khiến 6 khách sạn cách ly chuyển đổi công năng trở lại làm khách sạn thường.

'Khách sạn TP HCM hưởng lợi từ biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt' - Ảnh 1.

Tình hình hoạt động thị trường khách sạn TP HCM quý III. (Nguồn: Savills).

"Ba tại chỗ", "hai cung đường một điểm đến" giúp cải thiện công suất

Khách sạn hưởng lợi từ những biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm ngặt trong quý III. 

Các doanh nghiệp đã phải thuê phòng khách sạn cho nhân viên ở để đảm bảo hoạt động kinh doanh, sản xuất. Nhờ vậy, công suất đạt 55%, tăng 38% theo quý và 43% theo năm. Tuy nhiên, công suất này vẫn thấp hơn mức trước đại dịch. 

Khách sạn cách ly có tỷ lệ lấp đầy 38%, giảm 26% theo quý do nhu cầu cách ly tập trung sụt giảm.

Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi giá phòng cho doanh nghiệp thuê dài hạn và sự sụt giảm nhu cầu cách ly có thu phí cũng khiến giá phòng trung bình giảm xuống còn 49 USD/phòng cho một đêm. So với quý trước, giá phòng trung bình đã giảm 29%, nhưng chỉ giảm 11% so với năm ngoái.

Triển vọng nhờ mở cửa du lịch

Theo Savills, áp lực nguồn cung sẽ tăng lên trong quý IV, khi 30 khách sạn phục vụ tuyến đầu chống dịch hoạt động trở lại bình thường sau khi Bộ Y tế rút lực lượng chi viện khỏi TP HCM. Tình hình hoạt động của các khách sạn có thể bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp giảm nhu cầu đặt phòng khách sạn lưu trú. 

Tuy nhiên, khách sạn tại TP HCM sẽ có động lực phục hồi và phát triển trở lại nhờ vào sự phục hồi của du lịch nội địa trong quý IV.

'Khách sạn TP HCM hưởng lợi từ biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt' - Ảnh 2.

Nguồn cung thị trường khách sạn TP HCM đến năm 2024. (Nguồn: Savills).

Tại hội nghị triển khai kế hoạch phục hồi du lịch TP HCM do Sở Du lịch tổ chức ngày 16/10, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, kế hoạch phục hồi hoạt động ngành du lịch của thành phố sẽ được triển khai theo ba giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất bắt đầu từ ngày 1 - 31/10 thông qua việc mở du lịch nội vùng và thí điểm du lịch liên tỉnh. Khách du lịch đang sinh sống và làm việc tại thành phố có thể tự đi du lịch hoặc đi theo đoàn đến các điểm tham quan trên địa bàn thành phố. Các cơ sở lưu trú và các điểm tham quan được hoạt động với công suất tối đa 50%.

Giai đoạn thứ hai từ ngày 1/11 - 31/12/2021, TP HCM sẽ đẩy mạnh du lịch nội vùng và mở du lịch liên tỉnh. Khách tự đi du lịch nội vùng hoặc đi theo đoàn; khách du lịch liên tỉnh đi theo đoàn. Hoạt động lưu trú với công suất tối đa 70% và xem xét mở thêm một số dịch vụ (ăn uống tại chỗ, spa...). Hoạt động điểm tham quan với công suất tối đa 70%.

Giai đoạn thứ ba bắt đầu từ năm 2022 với kỳ vọng khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi. TP HCM cũng dự kiến sẽ đón khách quốc tế vào đầu giai đoạn này.

"Du lịch nội địa phục hồi sẽ là động lực thúc đẩy ngành khách sạn trong quý IV", ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam nhận định.

chọn
Đất Vũng Tàu: Nhiều người hỏi, ít người chốt
Tháng vừa qua, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón nhiều nhà đầu tư đi tìm hiểu và khảo sát đất nền, căn hộ. Dù vậy, phần lớn chỉ dừng lại ở mức xem xét, hỏi thăm thông tin và ký gửi sản phẩm sang nhượng, số lượng giao dịch chốt thành công còn khiêm tốn.