Mang hơi ấm đến cho học trò vùng cao
Cô giáo Hoàng Thị Bình, Hiệu trưởng Trường PT Dân tộc bán trú Tiểu học Quản Bạ (Hà Giang) cho biết, 24 năm gắn bó với giáo dục vùng cao Hà Giang, cô hiểu hơn ai hết tính nết, phong tục tập quán của người dân nơi đây. Là giáo viên giảng dạy tại nơi mà điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, trình độ nhận thức của học sinh còn nhiều hạn chế, thì có lẽ niềm vui lớn nhất của các thầy cô nơi đây là hàng ngày được nhìn thấy các em đến lớp đầy đủ, khỏe mạnh, chăm chỉ học hành.
Cô Bình cho biết, trong mấy ngày Tết Nguyên đán, các thầy cô giáo trong BGH đều thay phiên nhau trực tại trường. Trước Tết, các thầy cô giáo đã đi mua cây về trưng bày, mua hoa về cắm, trang hoàng phòng hội đồng trường để hy vọng một mùa xuân ấm áp nữa lại đến với nhà trường vùng cao.
Cô Bình chia sẻ, với GV vùng cao, chuyện không có quà Tết là chuyện bình thường. Là hiệu trưởng, cô rất muốn trao quà cho giáo viên nhưng điều kiện không có nên đành chịu. Một số trường chỉ tạo điều kiện cho giáo viên lấy hai tháng lương về ăn Tết.
Nếu như ở những tỉnh miền xuôi, thành phố, Tết đến, học trò đến chúc Tết thầy cô nhưng ở vùng cao thì ngược lại, thầy cô phải tổ chức đi “chúc Tết” học trò. Thường vào dịp trước hoặc sau Tết, các thầy cô giáo trong trường tổ chức thăm hỏi những học sinh thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các bản xa. Đó là một nét đẹp của thầy cô ở vùng cao được duy trì hàng năm. Đây là nguồn động viên các em mỗi khi Tết đến xuân về, để các em có thêm sức mạnh để học tập.
Giá trị vật chất mỗi phần quà cho các em không lớn. Có thể chỉ là bộ quần áo mới, chiếc mũ len, đôi tất ấm… nhưng sự quan tâm của thầy cô đã nói lên tất cả sự yêu thương và cổ vũ các em vượt qua mọi khó khăn. Bởi sau Tết, các em thường hay nghỉ học, ở nhà giúp bố mẹ làm nương rẫy, nên chút quà động viên đó cũng là cách GV vùng cao hay làm để vận động học sinh ra lớp.
Hy vọng về tương lai tươi sáng
14 năm tuổi nghề gắn bó với các cháu nhỏ vùng cao ở Hà Giang, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huệ, Hiệu trưởng Trường Mầm non bản Luốc, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho biết, dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng Tết ở vùng cao vô cùng ấm áp và đầy nghĩa tình.
Khi được hỏi về thưởng Tết cho giáo viên, cô Huệ cho biết, giáo viên vùng cao không bao giờ có thưởng Tết, chỉ là chút quà mang tính chất động viên nhau là chính thôi. Mỗi năm, anh em công đoàn tự vận động góp quỹ. Số quỹ ấy trích ra thăm hỏi đồng nghiệp lúc đau ốm, hiếu hỉ và một số công tác tình nghĩa khác. Còn lại bao nhiêu thì cuối năm, công đoàn tự cân đối mua sắm chút quà, nhà trường cũng góp thêm vào một chút, gọi là góp Tết cùng với giáo viên.
Nhớ lại những tháng năm dạy học vùng cao, cô Huệ chia sẻ, những ngày mới ra trường, kinh nghiệm chưa có, ngôn ngữ bất đồng, vì 100% các em học sinh đều là dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, trẻ không được giao tiếp với xã hội, nên vốn kiến thức về tiếng Kinh còn hạn chế. Giáo viên phải học thêm luôn cả tiếng của các dân tộc để có thể dạy các cháu. Điều băn khoăn nhất lúc ấy là truyền đạt ra sao để các cháu hiểu và yêu quý cô giáo. Quả là một điều không đơn giản...
“Dẫu rằng trên con đường phổ cập mầm non vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, thế nhưng dù con đường có chông gai đến đâu, có khó khăn đến nhường nào thì những người giáo viên cắm bản như chúng tôi vẫn luôn vượt qua khó khăn, thách thức ấy. Bởi đằng sau những khó khăn ấy là cả một tương lai tươi sáng đang chờ đón các em” - cô Huệ chia sẻ.
Bước sang năm mới, các thầy cô giáo chỉ biết mong sao cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng khá hơn, cái đói nghèo dần lùi xa để họ có điều kiện quan tâm đến việc học tập của con em mình, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục của vùng cao Hà Giang phát triển hơn. Những mong ước và tấm lòng của các cô giáo vùng cao thật bình dị - đẹp như những bông hoa rừng khoe sắc trên cao nguyên đá. |