1. Kiêng cho nước
Đối với người Á Đông, nước là cội nguồn của sự sống, mùa màng. Do đó, ở một góc độ quan niệm khác, nước là biểu trưng cho tài lộc, sự sung túc về tiền bạc. Trong những ngày đầu năm, việc xin và cho nước đều nằm trong việc kiêng kị, nếu gia chủ không muốn có một năm sung túc, thịnh vượng.
Trong những ngày đầu năm, việc xin và cho nước đều nằm trong việc kiêng kị. |
2. Kiêng cho lửa
Tương tự như việc cho và xin nước trong ngày đầu năm, lửa lại là biểu tượng của sự may mắn. Ở thời hiện đại, việc đi xin lửa hầu như không còn nữa, nhưng lại có những biến thể như mượn bật lửa, châm nhờ thuốc… là những điều cần tránh. Trong những ngày này, ở một số nơi sinh hoạt tôn giáo như chùa, đền lại có những món quà cầu may tặng cho khách dâng hương như hộp diêm (lửa), gạo, muối… Điều đó hàm ý chúc các gia đình một năm may mắn và sung túc, là món quà đặc biệt được đón nhận với ý nghĩa tâm linh.
3. Kiêng quét nhà
Người Việt ảnh hưởng phong tục này từ người Trung Quốc, với sự tích thần may mắn chui vào đống rác, dẫn đến nghèo túng. Trong ba ngày Tết, người Việt thường không quét và đổ rác. Nếu có thu dọn thì quét tạm vào một góc nhà. Tương tự như vậy ở cơ quan, công sở trong ngày đầu khai xuân, bởi tâm lý chung, không ai muốn trở nên khó khăn về kinh tế trong cả một năm dài…
Trong ba ngày Tết, người Việt thường không quét nhà và đổ rác. |
4. Kiêng tắm giặt
Thông thường, việc vệ sinh, tắm giặt được mọi người thực hiện trước lúc giao thừa. Điều đó có ý nghĩa như trút bỏ những gì không may mắn của năm cũ, đón chào một năm mới. Ngày đầu năm là ngày chào đón những gì may mắn nhất, do đó, người Việt tin rằng tắm rửa sẽ mang theo may mắn trôi đi… Tuy nhiên, một số nơi lại có phong tục nấu nước lá thơm để rửa mặt (lá mùi - ngò), điều này lại có ý nghĩa cầu may trong ngày mùng 1 Tết.
5. Kiêng các đồ ăn: thịt chó, cá mè, thịt vịt…
Trừ những nơi có phong tục đặc biệt, người Việt thường tránh những thực phẩm có tính ô uế hoặc đồng nghĩa với việc không may. Thịt chó bị xem là ô uế. Cá mè biểu tượng của không may. Và thịt vịt đồng nghĩa với sự chậm tiến. Thông thường, trong mâm cỗ Tết ngày đầu năm mới không có các thực phẩm này.
6. Kiêng cãi cọ, đổ vỡ
Cãi cọ đầu năm là điều tối kị trong gia đình đầu năm mới. Và với tín niệm đã tích lũy hàng nghìn năm, việc cãi cọ đầu năm mới quả thật sẽ tạo nên những rủi ro về tâm lý mỗi khi nhớ về sự kiện đáng buồn đó. Cũng tương tự như vậy, việc đổ vỡ các đồ đạc trong nhà cũng được xem là điềm không may mắn. Do đó, trong những ngày này, các gia đình Việt đều rất thận trọng với những đồ dễ vỡ để tránh những điềm xấu có thể xảy đến trong năm.
Cãi cọ đầu năm là điều tối kị trong gia đình đầu năm mới. |
7. Kiêng chúc Tết nhà người khác trong ngày mùng 1
Chúc Tết là một phong tục đẹp của người Việt. Nhưng ngoài người trong gia đình thân thiết như bố mẹ, anh chị em ruột, người Việt thường không đi chúc Tết đầu năm ở nhà người khác, tối thiểu là trước giờ trưa. Bởi, người ta e ngại trở thành người xông đất “bất đắc dĩ” của gia đình khác, trong trường hợp, nếu trong năm có điều không may, có thể gia chủ sẽ “đổ tại” người xông đất đầu năm.
Các tục kiêng kị trong ngày Tết nếu xét về mặt khoa học thì rất khó chứng minh. Tuy nhiên, ở góc độ văn hóa xã hội, nó lại trở thành những quy ước bất thành văn về mặt tâm lý. Do đó, dù phong tục đã ít nhiều thay đổi, người Việt thế hệ mới vẫn cần tham khảo những phong tục cổ truyền để lưu giữ những nét đặc sắc về văn hóa, cũng như không ảnh hưởng đến tâm lý xã hội trong ngày lễ trọng đại nhất của một năm.
Ths Hoàng Sơn Công
(Unesco Việt Nam)