Những lí do dễ bị từ chối khi xin visa du lịch Nhật Bản

Nhật Bản là một trong số những nước có yêu cầu khắt khe về việc xin thị thực đối với người Việt Nam. Dưới đây là một số lí do dễ bị từ chối khi xin visa du lịch Nhật Bản cho du khách tham khảo.

Những lí do dễ bị từ chối khi xin visa du lịch Nhật Bản

Lịch sử du lịch yếu

Nếu bạn chưa từng đi du lịch nước ngoài thì hồ sơ xin visa của bạn dễ bị "mất điểm" trong mắt Đại sứ quán và dễ bị trượt. Bạn cần phải chứng minh được bạn thích đi du lịch và đã đi một số nước. Nếu bạn đi được du lịch sang các nước khó xin visa thì hồ sơ của bạn càng có sự tin tưởng hơn.

visa du lich Nhat Ban (2)

(Ảnh: Vietflight).

Dù vậy, nhưng nếu hồ sơ du lịch của bạn vẫn còn trống, bạn vẫn cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu để tăng tỉ lệ đạt thị thực.

Hồ sơ thiếu trung thực

Một trong những nguyên nhân chính khiến hồ sơ xin visa du lịch Nhật Bản của bạn bị trượt là do những thông tin bạn khai báo trong hồ sơ không chính xác và thiếu logic. 

Khi nộp hồ sơ xin visa, mọi giấy tờ như chứng minh nghề nghiệp, sổ tiết kiệm, giấy nghỉ phép... đều phải chứa thông tin thật bởi cơ quan xét duyệt visa du lịch Nhật Bản sẽ gọi điện ngẫu nhiên để kiểm tra và phỏng vấn. Nếu thấy sai sốt, gian lận thông tin, hồ sơ của bạn sẽ bị hủy ngay lập tức.

Ngoài ra, nếu xin visa du lịch nhưng theo dạng thăm thân, tất cả các giấy tờ chứng minh mối quan hệ, thân phận người mời, thư mời và lịch trình phải do người đang sinh sống bên Nhật Bản chuẩn bị và gửi về Việt Nam. Cơ quan xét duyệt không chấp nhận bản scan, photo công chứng, chụp màn hình... Bạn không thể làm giả giấy tờ này do rất dễ bị phát hiện vì giấy A4 ở Nhật màu sậm hơn, ngả vàng, có sự khác biệt rất rõ so với giấy ở Việt Nam.

Lịch trình không hợp lí

Một lịch trình du lịch rõ ràng, chi tiết sẽ giúp hồ sơ xin visa du lịch Nhật Bản của bạn được đánh giá cao. Hãy chứng tỏ cho phía xét duyệt visa thấy rằng bạn có tìm hiểu về nước Nhật trước khi đến.

visa du lich Nhat Ban (3)

(Ảnh: @angerellla).

Bạn cần liệt kê kế hoạch du lịch, bao gồm các điểm đến, thời gian ở lại Nhật Bản, cung cấp một số thông tin về những giấy tờ liên quan như xác nhận đặt vé máy bay khứ hồi với thời gian bay trùng với thời gian ghi trên lịch trình hay xác nhận đặt phòng khách sạn tại Nhật Bản với địa điểm trong khu vực bạn dự định đến tham quan.

Chứng minh tài chính và công việc không thuyết phục

Việc chứng minh được khả năng tài chính và công việc không logic sẽ dễ khiến bạn trượt visa du lịch Nhật Bản. Cụ thể, nếu bạn có mức lương 6 triệu đồng một tháng, nhưng trong sổ tiết kiệm lại có hơn một tỉ đồng, điều này có thể khiến nhân viên lãnh sự quán đặt nghi vấn nhiều hơn. 

Nếu bạn thực sự có số tiền lớn trong tài khoản, hãy kèm theo những giấy tờ chứng minh như sao kê ngân hàng, những giấy tờ sở hữu các loại tài sản có giá trị như nhà ở, bất động sản, xe cộ... để tạo độ tin cậy. Ngoài ra, bạn cũng cần chuẩn bị những giấy tờ chứng minh bạn có công việc ổn định với một mức lương được trả hàng tháng tại Việt Nam. 

Nộp hồ sơ vào dịp cao điểm

Nếu trượt visa trong 6 tháng gần đây, bạn không nên vội vàng nộp lại nếu hồ sơ không có gì mới hoặc quá nhiều cải thiện. Bên cạnh đó, mùa du lịch cao điểm không phải thời gian thích hợp để xin visa. Tháng 4 và tháng 11 là mùa du lịch cao điểm ở Nhật Bản. Tuy không có thông tin chính thức về quota (hạn ngạch) visa mỗi năm, nhưng khá nhiều du khách đến Nhật Bản thời điểm này thường bị trượt visa.

Lưu ý không nộp hồ sơ thông qua các đại lí và công ty nằm trong danh sách đen. Bạn có thể tìm hiểu thông tin trên các trang chính thức của của đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán.

visa du lich Nhat Ban (1)

(Ảnh: @shiichaii).

Hồ sơ xin visa du lịch Nhật Bản

- Đơn xin cấp visa theo mẫu được dán sẵn ảnh thẻ có kích cỡ 4,5x4,5 cm. 

- Hộ chiếu gốc còn hiệu lực trên 6 tháng kể từ ngày đi du lịch.

- Hai ảnh thẻ kích cỡ 4x6 cm nền trắng. 

- Hồ sơ chứng minh công việc gồm: Hợp đồng lao động, giấy xác nhận đang là nhân viên của công ty, sao kê lương 3 tháng gần nhất hoặc xác nhận lương bằng tiền mặt của công ty (bản gốc, song ngữ), đơn xin nghỉ phép đi du lịch (bản gốc, song ngữ).

- Chứng minh tài chính (sổ tiết kiệm, giấy tờ nhà đất, giấy tờ xe, sao kê bảng lương...)

- Lịch trình du lịch (ghi rõ các hoạt động dự định, nơi ở, số điện thoại liên lạc...) và các giấy tờ xác nhận lịch trình (đặt phòng khách sạn, vé máy bay khứ hồi).

Thời gian và địa điểm xin visa du lịch Nhật Bản

Với những người có hộ khẩu ở Đà Nẵng trở ra hoặc đang tạm trú trong phạm vi khu vực này, nếu muốn xin visa du lịch Nhật Bản, du khách cần đến nộp hồ sơ tại ban lãnh sự, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam có địa chỉ ở 27 Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội. 

Với những người có hộ khẩu ở Đà Nẵng trở vào hoặc đang tạm trú trong phạm vi khu vực này, theo qui định của Đại sứ quán Nhật Bản, việc xin visa sẽ thuộc quyền quản lí của Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP HCM có địa chỉ ở 261 Điện Biên Phủ, quận 3, TP HCM.

visa du lich Nhat Ban

Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. (Ảnh: Zing.vn).

Thời gian làm việc của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam sẽ bắt đầu từ 9h đến 17h30 các ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu (trừ ngày các ngày nghỉ lễ tết theo qui định).

Thời gian làm việc của Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Việt Nam sẽ bắt đầu từ 8h đến 17h các ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu (trừ ngày các ngày nghỉ lễ tết theo qui định).

Thời gian trả kết quả và lệ phí xin visa du lịch Nhật Bản

Thời gian xử lí và trả kết quả visa trong vòng 8 ngày làm việc (không kể thứ Bảy và Chủ Nhật). Về lệ phí xin visa tự túc, du khách cần nộp 630 nghìn đồng/người (chỉ thu tiền khi có visa).

Ngoài ra, du khách cần lưu ý về giờ nhận - trả kết quả hồ sơ xin visa du lịch Nhật Bản. Cụ thể, Đại sứ quán chỉ nhận hồ sơ xin visa từ 8h30 - 11h30 và chỉ trả kết quả vào 13h30 - 16h45.

Hiện có nhiều tour du lịch Nhật Bản 6 ngày 5 đêm xuất phát từ Hà Nội được các công ty, đơn vị lữ hành thiết kế trọn gói với mức giá dao động từ 32,9 triệu đồng đến 35,9 triệu đồng/tour.

Vietsense có giá 32 triệu 900 nghìn đồng.

Lữ hành Việt Nam có giá 33 triệu 990 nghìn đồng.

PYS Travel có giá 34 triệu 900 nghìn đồng.

Du lịch ANZ có giá 34 triệu 990 nghìn đồng.

Lạc Việt Travel có giá 35 triệu 900 nghìn đồng.

Giá tour chênh lệch phụ thuộc vào chất lượng nơi lưu trú, chất lượng và số lượng bữa ăn theo lịch trình, giá vé máy bay của từng hãng hàng không và các điểm tham quan trong chương trình tour.

chọn
Chuyên gia: Không thể giải quyết bài toán nhà ở giá rẻ thông qua cơ chế thị trường
Dưới góc nhìn của Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh, trong nền kinh tế chung, sẽ có những người không thể giải quyết bài toán nhà ở thông qua cơ chế thị trường, kể cả với phân khúc giá thấp nhất họ cũng không thể mua được.