BS.TS Nhi khoa: Vệ sinh mũi đúng lúc cho con sẽ hạn chế các bệnh về đường hô hấp | |
Cảnh giác với bệnh nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ nhỏ |
PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh - Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng Trung ương, Trưởng Bộ môn Tai Mũi Họng (Đại học Y Hà Nội) cho biết, đường hô hấp trên được tính từ thanh quản, họng, mũi xoang, kể cả tai giữa cũng được tính vào đường hô hấp trên. Viêm đường hô hấp trên là viêm niêm mạc lót ở trong các cơ quan đó.
Nguyên nhân gây bệnh có thể do virus, vi khuẩn, ngoài ra có thể do nấm, trong đó phần lớn là viêm đường hô hấp do virus gây nên. Các yếu tố thuận lợi là điều kiện môi trường khí hậu nóng ẩm như ở nước ta nên tỉ lệ trẻ mắc bệnh viêm dường hô hấp trên khá cao.
Thứ 2 là yếu tố ô nhiễm môi trường cũng tác động đến bệnh. Ngoài ra các bệnh lý khác của trẻ cũng có thể gây nên tình trạng viêm đường hô hấp trên…
PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh. |
Để điều trị các bệnh lý viêm đường hô hấp trên ở trẻ, theo PGS. Cảnh, trước hết cần tìm nguyên nhân gây bệnh. Như đã đề cập phần lớn là do virus nên không dùng kháng sinh mà cần điều trị triệu chứng. Chẳng hạn, trẻ ho, sốt thì cần giảm ho, hạ sốt, chế độ dinh dưỡng hợp lý để cơ thể tự điều chỉnh chứ không dùng kháng sinh.
“Với nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn thì khi dùng kháng sinh cần bác sĩ chỉ định, người dân không tự dùng kháng sinh tránh kháng thuốc. Hiện nay có tình trạng rất nhiều bố mẹ con ốm 1, 2 lần đầu thì có đưa đi khám nhưng nhiều lần lại sinh ra tâm lý ngại đi khám mà tự ý đi mua thuốc kháng sinh về uống, bệnh không những không đỡ mà còn gây bệnh dai dẳng khó điều trị về sau này”- PGS. Cảnh cảnh báo.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai bày lo ngại trước việc sử dụng kháng sinh bừa bãi như hiện nay. “Các bậc phụ huynh tự kê đơn kháng sinh cho con, đây là điều rất nguy hiểm. Kháng sinh cần được coi là “kho” dự trữ chỉ khi cần thiết mới sử dụng nếu sử dụng bừa bãi sẽ làm hại trẻ. Phụ huynh không được phép lấy con em mình ra thí nghiệm về sử dụng kháng sinh”- PGS. Dũng nhấn mạnh.
Tại Trung tâm Khám, tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, TS. Phan Bích Nga – Giám đốc Trung tâm cho biết đã gặp không ít các trường hợp trẻ lạm dụng kháng sinh hoặc dùng các thuốc kháng viêm có chứa corticoid ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của trẻ, đặc biệt là chiều cao. Trẻ bị hội chứng Cushing, canxi kém, trẻ thường thấp còi, đó chính là lạm dụng kháng sinh khi trẻ nhiễm khuẩn hô hấp.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng. |
Khi trẻ bị viêm đường hô hấp thường có biểu hiện kém ăn hơn bình thường, trẻ lại hay thích các đồ bim bim, snacks, khoai tây chiên nhưng theo chuyên gia dinh dưỡng Phan Bích Nga, điều này là không nên. Trong các loại thức ăn nhanh này chứa nhiều muối, trẻ ăn mặn, ăn đồ rán cứng làm kích thích niêm mạch gây phản ứng ho, họng vốn đã đang bị viêm nhiễm rất dễ nôn.
Để hạn chế phản ứng nôn trớ của trẻ khi đang viêm đường hô hấp, nên cho trẻ uống một chút nước ấm. Sau đó cho trẻ nằm sấp xuống và vỗ nhẹ vào vùng lưng của trẻ để làm long bớt đờm ra, nhất là ở cổ họng của trẻ làm giảm phản ứng ho và nôn khi trẻ ăn.
“Trẻ viêm đường hô hấp cần có chế độ ăn với thức ăn mềm, đồ nước. Nếu đồ cứng, đồ khô, trẻ dễ ho, nôn. Cần đảm bảo đủ dưỡng chất, năng lượng, đạm trong khẩu phần ăn của trẻ như súp gà, súp bò... cho trẻ uống thêm sữa. Trong súp, nên cho thêm chất béo, dầu mỡ, đặc biệt dầu mỡ nhiều omega-3 như dầu cá hồi vì omega-3 làm tăng khả năng miễn dịch của đường hô hấp. Ngoài ra, tăng cường uống nước, đặc biệt là nước hoa quả tươi cung cấp nhiều vitamin C như nước cam quýt chanh bưởi.
Tránh ăn những thực phẩm lạnh, bảo quản trong tủ lạnh mà không đun nóng lên thì trẻ không thể ăn ngay được. Thức ăn cần hâm nóng, làm ấm trước khi cho trẻ ăn. Nếu trẻ không thích ăn cá thì không nên ép”- TS. Nga khuyến cáo.
TS. Phan Bích Nga. |
Theo PGS. Cảnh, một đứa trẻ sinh ra ở tuổi càng nhỏ thì sức đề kháng chưa hoàn thiện, tần suất viêm đường hô hấp trên cao nên cần có biện pháp phòng tránh. VA, amidan… là cửa ngõ, tổ chức bạch huyết đề kháng cho cơ thể nhưng dễ bị viêm nhiễm, cần giữ trẻ không bị nóng quá, lạnh quá.
Thứ 2 là vệ sinh mũi họng cho con, nên để trẻ thở bằng mũi thì tốt cho đường hô hấp hơn, đường hô hấp ổn định. Mũi có tác dụng làm ẩm, làm sạch không khí khi vào đường hô hấp, thở bằng miệng dễ viêm nhiễm hơn.
Với trẻ đi lớp dễ viêm đường hô hấp hơn, nếu trẻ có sốt ho thì nên nghỉ ở nhà để chăm sóc tốt hơn, tránh lây chéo.
Chế độ ăn uống cần phù hợp giúp tăng sức đề kháng. Nếu trẻ bị viêm đường hô hấp trên thì cần đưa trẻ đi khám, cân nhắc khi nào cần can thiệp VA, amidan, tránh để muộn gây bệnh nặng.
Ảnh minh họa. |
TS. Nga cho biết, ngoài cách phòng bệnh như trên thì có một số bài thuốc dân gian hay, tránh cho trẻ bị viêm họng như buổi tuối trước khi đi ngủ cho trẻ uống 1 thìa mật ong ấm làm sạch họng trẻ, vệ sinh cho họng, áp dụng cho trẻ trên 1 tuổi. Trẻ dưới 1 tuổi không nên sử dụng.
Trẻ đang viêm đường hô hấp trên như là ho nhưng chưa đến mức nhiễm vi khuẩn, hoặc phải dùng kháng sinh có thể dùng quất hồng bì hấp đường phèn, cam ngâm mật ong nướng lên và bóc vỏ. Trong cam và hồng bì có tinh dầu sát khuẩn tốt, giảm ho, giàu vitamin C hàng đầu chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch tốt.
Ngoài ra có thể sử dụng lá hẹ, tinh dầu tràm… Trước đây nếu chúng ta dùng lá hẹ, quất, hồng bì, quả cam, vệ sinh thực phẩm tốt không phải lo lắng gì. Hiện nay, sử dụng chất bảo quản, sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng tràn lan phải để ý. Nếu mua ngoài chợ, ngâm nước muối vài tiếng trước khi sử dụng. Còn nếu nhà tự trồng được là tốt nhất.
Giao mùa xuân - hè, trẻ dễ mắc bệnh, bố mẹ phải làm gì? | |
Cảnh giác với bệnh truyền nhiễm dịp Tết | |
Thời tiết giao mùa trẻ dễ mắc những bệnh gì? |