Những nỗ lực xoa dịu giới chức Mỹ bằng tiền và việc làm của TikTok

Công bố kế hoạch tuyển 10.000 nhân sự ở Mỹ, chi nửa triệu USD cho vận động hành lang là những nỗ lực của TikTok nhằm trấn an, xoa dịu giới chức Mỹ.

Ngày 21/7, TikTok công bố kế hoạch tuyển 10.000 người ở Mỹ trong vòng 3 năm, bất chấp nguy cơ Nhà Trắng cấm ứng dụng hoạt động ở Mỹ.

Ban đầu, số lượng nhân sự của TikTok ở Mỹ chưa tới 500. Nhưng do sự phổ biến của TikTok tăng dần, số lượng nhân sự của họ ở Mỹ đang đạt khoảng 1.400.

"Trong năm 2020, TikTok sẽ tăng gấp 3 lần số lượng nhân sự ở Mỹ vì chúng tôi có kế hoạch tăng thêm 10.000 vị trí công việc trong 3 năm tới. Đây là những công việc có mức lương cao để giúp chúng tôi tiếp tục xây dựng trải nghiệm thú vị, an toàn và bảo vệ sự riêng tư của cộng đồng", một người phát ngôn của TikTok nói với CNBC.

Những nỗ lực xoa dịu giới chức Mỹ bằng tiền và việc làm của TikTok - Ảnh 1.

TikTok có kế hoạch tuyển thêm 10.000 người tại Mỹ trong 3 năm tới. (Ảnh: CNBC)

South China Morning Post đưa tin ByteDance, tập đoàn sở hữu TikTok, đã chi một số tiền kỉ lục trong quí II để vận động hành lang để xoa dịu cáo buộc nền tảng video của họ trao thông tin của người dùng cho chính phủ Trung Quốc.

ByteDance đã chi khoảng 500.000 USD trong quí II, tính tới hết ngày 30/6. Trước đó, theo thông tin vận động hành lang của quốc hội Mỹ, tập đoàn đã chi khoảng 300.000 USD trong 3 tháng đầu năm.

Giới quan sát nhận định đây là những nỗ lực của TikTok nhằm trấn an những mối lo ngại của Washington về sự an toàn khi dùng ứng dụng video này.

ByteDance bắt đầu vận động hành lang ở Mỹ từ năm 2019, với thông điệp "sử dụng công nghệ Internet để xây dựng một nền tảng hỗ trợ giáo dục".

Đối tượng vận động hành lang của TikTok là quốc hội Mỹ, các nhân viên trong văn phòng điều hành của tổng thống, bao gồm một số nhân viên Nhà Trắng phụ trách về mảng kinh tế và an ninh quốc gia.

Bên cạnh vận động hành lang nhân viên Nhà Trắng hoặc các chính trị gia, TikTok đã tiếp cận khoảng 50 công ty luật, luật sư, nhà lập pháp nổi tiếng tại Mỹ để nhấn mạnh việc công ty này không có liên quan tới chính quyền Trung Quốc, theo Bloomberg.

Monument Advocacy khẳng định TikTok còn chi tiền vận động hành lang với những nhân viên kiểm duyệt nội dung với mục đích thuyết phục các chính trị gia rằng ứng dụng không liên quan tới chính phủ Trung Quốc và "chỉ là một ứng dụng vui vẻ".

Hồi đầu tháng 6, cựu giám đốc Walt Disney là Kevin Mayer trở thành giám đốc điều hành da trắng đầu tiên của TikTok. Nhiều chuyên gia nhận định TikTik chiêu mộ Kevin Mayer để xây dựng hình ảnh "không liên quan tới Trung Quốc".

Washington đang trấn áp các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc với mức độ lớn chưa từng thấy trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang. Nhà Trắng cáo buộc chính phủ Trung Quốc muốn sử dụng các phần cứng và phần mềm do các doanh nghiệp trong nước phát triển để do thám và thu thập thông tin.

Hiện tại, Huawei là mục tiêu số một của Mỹ. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã cấm sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei trong hạ tầng mạng, đồng thời áp đặt những biện pháp trừng phạt khiến hoạt động kinh doanh của Huawei ở các nước khác chịu tác động xấu.

Nhiều dấu hiệu cho thấy TikTok có thể là mục tiêu tiếp theo, sau khi chính phủ Ấn Độ cấm ứng dụng hoạt động trên lãnh thổ. Ngày 6/7, Ngoại trưởng Mike Pompeo tiết lộ chính phủ Mỹ "đang nghiêm túc xem xét khả năng cấm TikTok". Sau đó Tổng thống Trump đã nhanh chóng xác nhận phát ngôn của ông Pompeo.

Chính phủ Mỹ đang điều tra thương vụ TikTok mua lại ứng dụng hát nhép (lipsync) có tên Musical.ly. "Chúng tôi sẽ có kết quả điều tra trong vài tuần nữa", Mark Meadows, Chánh thanh tra Nhà Trắng, phát biểu.

Ủy ban Thương mại Liên bang và Bộ Tư Pháp cũng đang điều tra TikTok về các hoạt động thu thập dữ liệu người dùng, bao gồm cáo buộc TikTok không khắc phục các vấn đề về quyền riêng tư cho nhóm khách hàng trẻ em dưới 13 tuổi.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.