Tất cả vì buôn làng
Gìa Ksor H’B Lăm với dáng người nhỏ nhắn nhưng là một nữ “thủ lĩnh” tài năng. |
Người thủ lĩnh mà chúng tôi nhắc đến là bà Ksor H’B Lăm (sinh 1947, ngụ tại xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia lai), người đồng bào dân tộc J’rai.
Theo quan niệm từ thời xa xưa của cộng đồng dân tộc Tây Nguyên, người đứng đầu một buôn làng phải là người đàn ông tài giỏi, bản lĩnh và có tiếng nói trước dân làng. Thế nhưng, với phẩm chất ôn hòa, dũng cảm của người cách mạng già H’B Lăm đã mạnh dạn đứng lên xóa bỏ luật tục tồn tại hàng trăm năm qua. Đây là trường hợp đầu tiên có một nữ “thủ lĩnh” của buôn làng.
Bằng sự tận tình và lòng nhiệt huyết muốn giúp đỡ bà con vươn lên thoát nghèo, già đã dần dẫn dắt người dân trong làng xóa bỏ cái nghèo nàn, lạc hậu. Tiếng tăm của già H’B Lăm lẫy lừng khắp đại ngàn Tây Nguyên.
Vượt quãng đường gần 100km để tìm về làng Krông, nơi có nữ thủ lĩnh quyền lực sinh sống. Con đường dẫn chúng tôi đến nhà bà H’B Lăm (già làng) lầy lội, trơn trượt vì những ngày mưa kéo dài. Ngôi nhà của già làng là một căn nhà sàn đơn sơ, xung quanh được bao bọc bởi nhiều căn nhà sàn truyền thống khác.
Ngôi nhà già làng Ksor H’B Lăm đang sinh sống heo hút giữa núi rừng Tây Nguyên. |
Nữ già làng khác hoàn toàn so với tưởng tượng của chúng tôi, bà H’B Lăm với dáng người nhỏ bé, gầy gò nhưng có một gương mặt hiền lành, phúc hậu. Khi trò chuyện với già, ai cũng nhận ra đó là một con người điềm đạm, ôn hòa và khiêm tốn.
“Tôi già rồi có giúp gì được nhiều cho bà con đâu, tôi chỉ làm công tác động viên để bà con cố gắng làm ăn. Muốn bà con có ý chí vươn lên thoát nghèo, tôi luôn cố gắng làm tốt công việc nhà mình để mọi người nhìn đó làm động lực phấn đấu cho cuộc sống bớt khó khăn”, già H’B Lăm tâm sự.
Buôn làng đổi mới
Ngồi bên bếp lửa hồng, nhấp chén trà nóng, già nhớ lại những ngày bom đạn. Lúc ấy, già mới ở tuổi trăng tròn, lại có nhan sắc nên được rất nhiều người để ý. Bố mẹ già cũng hối thúc cưới chồng, nhưng già nhất lại chọn tình yêu quê hương đất nước và bước theo con đường cách mạng.
Già Ksor H’B Lăm lúc hoạt động cách mạng. |
Do thông thạo ngóc ngách, con đường mòn nên khi tham gia cách mạng già đã được giao cho nhiệm vụ giao liên chuyên gửi công văn đến các cơ sở và tham gia vận chuyển lương thực, thuốc men.
Đến năm 1961, già H’B Lăm do hoàn thành tốt nhiệm vụ nên đã được cấp trên tin tưởng đưa ra Bắc học tập. Sau khi trở về, mọi người trong làng đềulo lắng, hoảng sợ vì cứ nghĩ già đã chết do mất tích trong thời gian dài. Các cán bộ địa phương phải khuyên nhủ mãi dân làng mới chịu tin là già còn sống và đã trở về.
Nhờ được đào luyện trong môi trường cách mạng nên sau khi trở về già H’B Lăng hăng hái hơn trong trông việc, không ngại khó khăn, gian khổ mà luôn xung phong vào các mặt trận nguy hiểm. Già cũng chính là một trong số ít những chiến sĩ dân tộc tham gia kháng chiến với giải phóng quân ở các chiến dịch: Chiến dịch Pleime (tháng 11/1965), Đăk Tô- Tân Cảnh...
Đến 1983, già nghỉ hưu và được hưởng lương theo chế độ của nhà nước nên không lo thiếu cái ăn, cái mặc. Thế nhưng, già vẫn trăn trở lo cho cuộc sống của những người dân trong buôn. Chỉ với tập tục sinh hoạt, canh tác của người dân còn rất lạc hậu nên cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng mãi.
Già Ksor H’B Lăm vinh dự được Bộ quốc phòng trao tặng bằng khen vì có thành tích suất sắc trong sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước. |
Nhận thấy nhiều bất cập, già đã tự bắt tay vào xây dựng và phát triển kinh tế với việc khai hoang trồng mì và chăn nuôi bò. Chỉ vài năm sau, đàn bò của già đã được nhân lên chục con, ruộng đất thu hoạch quanh năm, kinh tế nhà già H'Blăm tăng lên đáng kể.
Nhìn thấy gia đình già H’B Lăm ngày càng khá giả nên nhiều người dân đã có ý muốn học theo. Gìa H’B Lăm không ngần ngại chỉ bảo tận tình, những gia đình khó khăn già còn cho mượn bò về sinh sản, sau khi bò sinh đẻ già lại cho người khác mượn để tiếp tục làm giống. Rồi già dạy họ cách trồng và chăm sóc cây trồng. Dần dần làng Krông đã thay da đổi thịt sau khi được nữ “thủ lĩnh” dẫn dắt.
Bà Rơ Mah Dim (sinh 1941, hàng xóm già H’B Lăm) vô cùng ngưỡng mộ và nể phục khi nhắc đến già làng: “Cả làng ai cũng yêu quý già H’B Lăm bởi lúc nhỏ già được đi theo cách mạng, được học cái chữ của Bác Hồ. Không những thế, già là người làm kinh tế giỏi và đã truyền đạt kiến thức và cách làm kinh tế giỏi cho bà con. Mọi người trong làng nếu gặp khó khăn thì già H’ B Lăm đều đứng ra giải quyết. Từ ngày già H’B Lăm lên làm già làng, ai nấy đều yên tâm và việc gì cũng nghe theo già”.
Ông Rơ Mah Chim, chủ tịch UBND xã Ja Mơr nhận định già H’ B Lăm là người “độc nhất vô nhị” ở đại ngàn Tây Nguyên: “Từ trước đến nay, theo luật tục của người J’rai già làng phải đàn ông tài giỏi, có tiếng nói. Thế nhưng, với sự tin tưởng của bà con khi bầu bà Ksor H’B Lăm làm già làng, chính quyền xã cũng nhất trí. Mặc dù là một người phụ nữ, nhưng già luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trải qua hơn 10 năm làm “nữ thủ lĩnh” của buôn làng, già đã đóng góp rất nhiều công sức giúp bà con ổn định và phát triển kinh tế”.