Nguồn tin của Bloomberg cho biết, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Joe Biden đang thảo luận về lệnh cấm đầu tư của ông Trump đối với các công ty có liên hệ với quân đội Trung Quốc, bao gồm ba trong số các công ty viễn thông lớn nhất đất nước tỷ dân. Đến nay, chưa quyết định chính thức nào được công bố.
Danh sách đen đầu tư mà chính quyền cựu Tổng thống Trump công bố vào tháng 11 năm ngoái đã khơi ra một cuộc xung đột mới, khiến Trung Quốc đe dọa có hành động pháp lý chống lại các công ty quốc tế tuân theo lệnh cấm của Mỹ.
Chính quyền ông Biden có thể thấy Quốc hội Mỹ rất ủng hộ một lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, Bloomberg đưa tin.
Trong một tuyên bố qua email, Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Đảng Cộng hòa) khẳng định: "Đúng là doanh nghiệp Mỹ không được rót vốn vào các tổ chức có liên kết với quân đội Trung Quốc. Bọn họ đang chế tạo vũ khí và rèn luyện để giết quân nhân Mỹ".
"Chính quyền ông Biden nên gạt bỏ mọi nỗ lực của những nhà đầu tư muốn làm suy yếu lệnh trừng phạt của cựu Tổng thống Trump. Hơn nữa, ông Biden còn nên làm việc với Quốc hội để luật hóa những hình phạt đó", ông Rubio nói thêm.
Chính quyền Tổng thống Biden đã không thể đệ trình danh sách các công ty có liên hệ với quân đội Trung Quốc theo đúng hạn chót ngày 15/4. Theo Bloomberg, danh sách này do các quan chức Lầu Năm Góc tổng hợp, đây là những người có quyền truy cập vào các tài liệu mật và có thể xác định doanh nghiệp nào mang lại lợi ích cho quân đội Trung Quốc.
"Thách thức là, mỗi ngày chúng tôi tiếp tục điều tra là thêm một ngày tiền của người Mỹ chảy vào túi các công ty có hành vi xấu", Hạ nghị sĩ Michael McCaul (Đảng Cộng hòa) bày tỏ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính đương nhiệm Janet Yellen và các đồng nghiệp đã phát tín hiệu sẽ duy trì lập trường cứng rắn của chính quyền ông Trump đối với Trung Quốc.
"Chúng tôi phải sử dụng các công cụ của Bộ Tài chính để buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm cho những hành vi không phù hợp với luật pháp quốc tế và gây rủi ro cho an ninh quốc gia Mỹ", Thứ trưởng Bộ Tài chính Wally Adeyemo chia sẻ hồi tháng 2. Nghiên cứu kỹ lưỡng cách doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng hệ thống tài chính Mỹ để thực hiện hành vi sai trái là một phần của khối công việc đó, vị thứ trưởng nói thêm.
Danh sách đen đầu tư không chỉ là điểm nhức nhối ở Trung Quốc mà còn ở Phố Wall. Theo 4 nguồn tin của Bloomberg, các công ty tài chính trên Phố Wall đã thúc giục Washington hủy bỏ hoàn toàn lệnh cấm đầu tư. Các ngân hàng muốn Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính (OFAC) hướng dẫn rõ về việc tuân thủ lệnh cấm.
Trong những tháng cuối nhiệm kỳ, chính quyền ông Trump đã làm thị trường tài chính bối rối với loạt thông báo mâu thuẫn về các lệnh trừng phạt mới.
Các sàn giao dịch chứng khoán và nhà đầu tư hoang mang khi vào tháng 11 năm ngoái, ông Trump tuyên bố người Mỹ sẽ bị cấm đầu tư vào bất kỳ công ty nào nằm trong danh sách có liên quan với quân đội Trung Quốc. Danh sách này do Bộ Tài chính lập ra.
Sau thông báo trên, Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) cho biết họ sẽ hủy niêm yết ba công ty viễn thông của Trung Quốc gồm China Mobile, China Telecom và China Unicorn Hong Kong. Tuy nhiên, sau đó NYSE lại đảo ngược quyết định vì có sự nhầm lẫn về phạm vi của lệnh cấm.
Đến tháng 1 năm nay, ông Steven Mnuchin - khi đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính, đã đưa ra tuyên bố khẳng định ba công ty Trung Quốc này phải bị hủy niêm yết, buộc NYSE phải quay lại kế hoạch cũ.