Ngày 22/4, buổi công chiếu bộ phim tài liệu 'Ông đồ gàn' nói về cuộc đời, sự nghiệp của cố Nhà giáo Văn Như Cương đã được diễn ra tại trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội). Có khoảng 2.000 học sinh của trường đã tới xem và tham dự buổi công chiếu.
Thông điệp về làm người tử tế quan trọng hơn cả học chữ của thầy Văn Như Cương được nhiều thế hệ học trò thấm nhuần, cảm phục. Ảnh: Đình Tuệ.
Bộ phim kéo dài hơn 40 phút dù không một lời bình, không người dẫn chuyện nhưng từ nhận xét của phụ huynh, học sinh cùng các đồng nghiệp đã toát lên hình ảnh thầy Văn Như Cương - một nhà giáo xứ Nghệ đã sống cuộc đời không hề hoài phí. Kể cả khi ông rời xa cõi tạm vẫn cò nhiều người nhớ đến ông với nhiều điều tốt đẹp.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận định: "Gàn như ông rất nhiều người muốn gàn, gàn như ông không phải ai cũng làm được bởi đó là cái 'gàn' đáng yêu và trân trọng, gàn chứ không phải cố chấp".
Lúc sinh thời, 'ông đồ gàn' Văn Như Cương đã từng tự nhận: "Tôi chỉ là một nhà giáo bình thường làm hết trách nhiệm bằng trái tim".
Điều ông mong mỏi nhất là hãy dạy con cái chúng ta có tấm lòng nhân ái, biết làm việc từ thiện dù rất nhỏ và có thái độ thân thiện đối với mọi người.
Lòng thương người, tính đôn hậu là tính tốt cơ bản nhất mà mỗi con người nên có. Hãy để cho trẻ con chúng ta biết đến, nghĩ đến biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, biết bao số phận cay đăng, biết bao hoàn cảnh ngặt nghèo của rất nhiều người trong xã hội.
Thông điệp của ông mong muốn được học trò khắc ghi: "Các con có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kĩ thuật có chuyên môn giỏi, những nhà nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc… nhưng trước hết phải là những người tử tế".
Những triết lý đó của cố nhà giáo Văn Như Cương đang được truyền cảm hứng và lan tỏa ra khỏi khuôn khổ cánh cổng trường: "Làm người tử tế", quan trọng hơn cả học chữ.
Một trong các câu chuyện được nhiều người kể lại, cứ đến mùa tuyển sinh của trường, nhà giáo Văn Như Cương lại tắt điện thoại, để khỏi phải nhận những lời nhờ vả của người quen...
Nữ sinh khiếm thị nhưng học giỏi Đào Thu Hương của trường Lương Thế Vinh năm nào giờ đã là một cô giáo. Ảnh: Đình Tuệ.
Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp 'không nguyên tắc' được ông nhận vào trường. Ví dụ trường hợp của em Đào Thu Hương, một học sinh khiếm thị nhưng có học lực rất giỏi, nhất là môn ngoại ngữ.
Dù điểm thi của con mình thừa đỗ vào bất cứ trường nào, nhưng mẹ của Thu Hương đã khóc hết nước mắt vì tất cả các trường ở Hà Nội đều từ chối không thể nhận một học sinh khiếm thị.
Nhưng khi đến Trường Lương Thế Vinh và gặp thầy Văn Như Cương, ông không những nhận Hương vào học mà còn miễn toàn bộ học phí cho cô bé. Để rồi Hương đã được tuyển thẳng vào ĐH Sư phạm Hà Nội và trở thành một cô giáo như mong ước.
Cô giáo Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, bộ phim nói lên sự giản dị, chân thực về cuộc đời thầy Văn Như Cương - một ông đồ khó tính nhiều khi đến khó chịu. Nhưng ẩn sau đó là một tình yêu thương bao la với học sinh và mọi người. Thông qua chân dung nhà giáo Văn Như Cương, bộ phim còn tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc...
Lúc sinh thời, nhà giáo Văn Như Cương nổi tiếng là người giỏi toán nhưng làm thơ cũng rất hay, thậm chí có những câu đối rất ấn tượng về nghề giáo của mình. Ảnh: Đình Tuệ.
Lúc sinh thời, nhà giáo Văn Như Cương từng kể rằng: "Có thể nói rằng trong cả cuộc đời của tôi, đây là quyết định liều lĩnh nhất, táo bạo nhất, phiêu lưu nhất. Hai vợ chồng với đồng lương giáo viên còm cõi, nuôi một con út đi học và một mẹ già, lương tháng nào tiêu hết tháng ấy, không có một xu gửi tiết kiệm…, thế mà dám xin mở trường Tư thục.
Bạn bè khuyên: Anh cứ nói cái ý tưởng ấy cho mọi người nghe, đừng có làm, thất bại là chắc chắn. Nhưng đã đâm lao thì phải theo lao, đã gửi đơn xin mở trường lên Bộ Giáo Dục rồi, báo chí đã đăng rồi, không thể rút lui như Việt Nam ta rút lui Asiad 18 được…
Và thật không ngờ, ngày 1/6/1989, Trường Lương Thế Vinh được cấp phép hoạt động và tôi được phong chức Hiệu trưởng".
Qua thước phim tư liệu cho thấy, Trường Lương Thế Vinh bắt đầu từ những con số không tròn trĩnh: Không tiền vốn, không nhà tài trợ, không cổ đông, không cán bộ, không giáo viên, không học sinh, không bàn ghế, không bảng đen…
Nhưng cũng thật không ngờ, những "con số không" ấy đã đẻ ra một "tài sản" khổng lồ ngay trong khoá đầu: Đơn xin vào học lên tới 1.600, trong đó có 400 đơn vào lớp 10; 200 đơn vào lớp 11; 200 đơn vào lớp 12.
Sau kì thi tuyển chọn với 70 phòng thi (đi thuê), năm học đầu tiên của trường có: 10 lớp 10; 5 lớp 11; 5 lớp 12 với tổng số 800 học sinh. Hiện tại, Trường Lương Thế Vinh đã có hơn 3.500 học sinh đang theo học.