Giãn cách kéo dài, thị trường bất động sản (BĐS) tháng 8 chứng kiến một gam màu ảm đạm. Phần lớn các phân khúc có rất ít giao dịch được ghi nhận.
Báo cáo của Batdongsan.com.vn cho thấy, trong tháng 8, số lượng các bài đăng về BĐS trên toàn trang cũng như mức độ quan tâm đều sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái và tháng trước.
Trong đó, mức độ quan tâm giảm mạnh nhất tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng của dịch như TP HCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai.
Ở khu vực TP HCM và các tỉnh giáp ranh, theo thống kê của DKRA Việt Nam, sức cầu phân khúc đất nền không có nhiều khởi sắc. Việc bán hàng online không có nhiều hiệu quả khi BĐS vốn là tài sản có tính đặc thù, cần giao dịch trực tiếp mới có thể xuống tiền.
Thị trường đất nền thứ cấp ghi nhận kém sôi động, thanh khoản ở mức rất thấp. Một số nhà đầu tư giảm giá, cắt lỗ để tạo thanh khoản do chịu áp lực từ lãi vay.
Tháng 8, TP HCM ghi nhận hai dự án căn hộ được mở bán, cung cấp ra thị trường 1.452 sản phẩm. Giao dịch trên thị trường thứ cấp gần như đóng băng do giãn cách, dẫn đến tắc nghẽn trong khâu mua bán.
Phân khúc nhà phố, biệt thự tại TP HCM và các tỉnh giáp ranh tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới, nhiều dự án phải dời thời gian mở bán. Giao dịch thứ cấp kém sôi động.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho biết, trong quý III, TP HCM và Hà Nội giãn cách, các hoạt động tụ tập đông người, mở bán bị trì hoãn, do đó gần như không có hoạt động chào bán diễn ra.
Khi các kênh bán hàng truyền thống bị hạn chế, mở bán trực tuyến là phương thức khả thi được nhiều chủ đầu tư lựa chọn để khơi thông nguồn cung.
Theo CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong tháng 7 và 8, nhiều ông lớn BĐS đã bán hàng qua các kênh trực tuyến như Facebook, Zalo hay nền tảng bán hàng riêng.
Đơn cử như CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã chứng khoán: DXG), doanh nghiệp này sử dụng nền tảng Real Agent để bán một vài dự án bao gồm Gem Sky World, Opal City View.
Hưng Thịnh Land cũng đã tổ chức livestream trên Facebook để bán các sản phẩm tại dự án Moonlight Centre Point (quận Bình Tân), kết quả có khoảng hơn 600 sản phẩm đã được bán.
Vào đầu tháng 7, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã chứng khoán: NVL) đã tổ chức sự kiện mở bán trực tuyến các sản phẩm mới tại Aqua City.
Trong khi đó, CTCP Vinhomes (Mã chứng khoán: VHM) đưa vào thử nghiệm ứng dụng Vinhomes Sales Agent từ tháng 5. Ứng dụng sau đó có hơn 6.000 người dùng và nhận được 503 lượt đặt mua.
Làn sóng dịch thứ 4 bùng phát khiến nhiều chủ đầu tư, sàn môi giới buộc phải áp dụng hình thức bán online, livestream BĐS. Tuy nhiên, hiệu quả của phương thức này không được nhiều chuyên gia đánh giá cao.
VDSC cho rằng, do khách hàng vẫn chưa quen với cách tiếp cận mới, tỷ lệ giao dịch trực tuyến thành công trung bình là khoảng 20%, thấp hơn kênh truyền thống với tỷ lệ 40 - 50%.
Công ty cho hay, việc thay đổi thói quen người mua nhà sẽ là câu chuyện trong trung và dài hạn, bởi các kênh bán hàng truyền thống vẫn được khách hàng ưa chuộng hơn với tài sản giá trị lớn như BĐS.
Theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, BĐS không giống sản phẩm khác, nó có giá trị lớn, mỗi phân khúc lại có sự khác nhau, do đó người mua buộc phải đi xem trực tiếp.
"Hiện nay, thị trường gần như không có dự án nào đạt booking 100% hay bán hết. Nếu có, tôi nghĩ mang tính PR nhiều hơn.
Việc bán hàng trực tuyến, tôi đánh giá hiệu quả đạt khoảng 30 - 40% so với thời điểm trước dịch, chủ yếu là đặt cọc, đặt chỗ với khoản tiền rất nhỏ.
Kèm theo đó, chủ đầu tư phải có những chính sách, ưu đãi hấp dẫn. Tôi đếm trên thị trường chỉ có 1 - 2 dự án như vậy", ông Quang chia sẻ.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, BĐS với người Việt là một tài sản lớn, có rất nhiều người dành dụm hàng chục năm mới có. Với tính chất như vậy, người mua thường phải đến tận nơi trả giá chứ không chỉ qua online.
Tuy nhiên, phương thức online có thể hiệu quả với những dự án chuẩn như module như căn hộ, BĐS nghỉ dưỡng... nhà đầu tư có thể tiếp nhận thông tin đầy đủ và được chăm sóc tốt từ các môi giới.