Theconversation định nghĩa overtourism là sự tăng trưởng quá mức khách du lịch lên một điểm tham quan (một thị trấn, một thành phố)... gây ra tình trạng quá tải, khiến người dân địa phương phải gánh chịu những hậu quả làm thay đổi lối sống của họ". Thực tế, tình trạng quá tải khách du lịch cũng làm tổn hại đến cảnh quan, phá hoại các bãi biển, đặt cơ sở hạ tầng dưới sự căng thẳng và tác động không nhỏ tới thị trường bất động sản. Đó là một vấn đề cực kỳ phức tạp, dù nhìn dưới góc độ nào. Các nhà phân tích cho rằng, Overtourism không phải vấn đề mới, thậm chí đang phát triển thành vấn đề toàn cầu. Rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng thế giới đã và đang phải gồng mình chống đỡ làn sóng du khách quá lớn, như Barcelona, Venice, Maldives... Overtourism tác động nhiều chiều với ngành du lịch nói chung và đời sống của người dân của các vùng du lịch nói riêng. Nhìn ở hướng tích cực, du lịch và khách du lịch mang lại việc làm, đầu tư và lợi ích kinh tế cho các thành phố này. Nhưng khi các thành phố buộc phải chuyển đổi để phục vụ cho khách du lịch đã kéo theo đầu cơ bất động sản tăng cao, chi phí sinh hoạt cho cộng đồng địa phương cũng vậy. Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi các điểm đến không có sự chuẩn bị để đối phó với tình trạng dư thừa. Theo nhà xã hội học người Ý Marco d'Eramo, vào năm 1950, chỉ có 15 điểm đến được 98% du khách quốc tế đến thăm, trong khi năm 2007 chỉ số đã giảm xuống còn 57%. Điều này cho thấy sự mở rộng nhanh chóng của du lịch toàn cầu, xu hướng thích tìm tòi và khám phá của khách du lịch. Tình trạng quá đông còn dẫn đến tình trạng nở rộ doanh nghiệp du lịch, quán bar, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng lưu niệm - tạo nên bầu không khí ồn ào và khó quản lý ở nhiều nơi. Không quá khi nói rằng Overtourism làm giảm bầu không khí độc đáo của các điểm đến, đồng thời làm tăng áp lực quản lý đám đông và xử lý chất thải cho các địa phương. Khi tình trạng này kéo dài, một tâm lý sẽ xuất hiện ở các nơi du lịch phát triển, theo Manuel Delgado là "không tin tưởng, thậm chí kỳ thị khách du lịch". |
Đối phó với tình trạng quá tải khách du lịch bây giờ được xem là ưu tiên hàng đầu ở nhiều nơi, trong khi lượng khách đổ về vẫn tiếp tục khiến các thành phố, bãi biển... đông đúc, chật chội. Các cuộc biểu tình chống lại tình trạng quá tải du khách diễn ra ở nhiều nơi, nhiều thành phố nổi tiếng của châu Âu. Như Barcelona, thành phố này ước tính có 30 triệu du khách qua đêm trong năm 2017, so với dân số cư trú chỉ là 1.625.137 người. Nhiều điểm đến khác ghi nhận mức quá tải rất lớn như Palma de Mallorca, Paris , Dubrovnik, Kyoto, Berlin, Bali và Reykjavik. Trên khắp Nam Âu, các cuộc biểu tình và các phong trào xã hội đang gia tăng về số lượng. Điều này dẫn đến việc hình thành các tổ chức như Hội đồng các khu vực lân cận cho du lịch bền vững (ABTS) và Mạng lưới các thành phố Nam Âu chống lại du lịch (SET). Họ đang đi đầu trong cuộc chiến chống lại tình trạng quá tải và tác động của việc quá tải đối với cuộc sống của người dân địa phương. Trong khi nhiều du khách muốn "sống như một người bản địa" và có thật nhiều trải nghiệm chân thực trong chuyến đi của mình, thì ở chiều ngược lại, không ít cư dân địa phương cảm thấy mất mát vì những nét độc đáo dần bị mai một, thay vào đó là quá nhiều quầy bar, cửa hàng lưu niệm, đám đông và xe buýt du lịch trong thành phố, chưa kể tới lượng rác thải khổng lồ. Quản lý dòng chảy khách du lịch có vẻ là một nhiệm vụ không mong muốn. Nhưng một số thành phố đã thực hiện các biện pháp quyết liệt để hạn chế ảnh hưởng của tình trạng quá tải, bao gồm việc đưa ra các thỏa thuận thuế mới hoặc các hình thức xử phạt khi du khách vi phạm quy định của địa phương. Gần đây, chính quyền Thái Lan cũng tạm đóng cửa vịnh Maya, Philippines tạm đóng cửa Boracay để cải tạo lại môi trường biển - vốn đã bị ô nhiễm nặng nề do tác động của du lịch. Chile công bố quy định mới về thời hạn du khách lưu lại trên Đảo Phục Sinh, nhằm bảo vệ đảo du lịch nổi tiếng này khỏi những tác động xấu. Tựu chung lại, Overtourism là vấn đề chung, mà để khắc phục, đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bên liên quan. Chính quyền địa phương cần có những chính sách tốt cùng với quy định chặt chẽ để quản lý đám đông, đưa ra các giới hạn về lượng khách trong từng thời điểm. Người dân địa phương cần nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan, bảo vệ môi trường sống. Khách du lịch cũng phải thể hiện trách nhiệm bằng cách tôn trọng văn hóa bản địa, không xả rác bừa bãi, phá hoại cảnh quan. Các nhà cung cấp dịch vụ du lịch cần tổ chức tốt hành trình, truyền tải các thông điệp tốt đẹp và cảnh báo du khách về những hành vi, hoạt động cấm tại địa phương.
|