Phơi nông sản trên đường dẫn đến tai nạn giao thông có thể bị phạt tù?

Để đảm bảo an toàn giao thông và tránh xảy ra các tai nạn, diện tích lòng đường phải được thông thoáng tạo điều kiện tốt cho các phương tiện giao thông di chuyển. Mọi hành vi đặt vật cản trên đường đều bị coi là vi phạm pháp luật trừ các trường hợp ngoại lệ.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh nông sản được phơi tràn trên mặt đường khiến cho một người đàn ông đi xe máy bị trượt ngã và bị thương.

Theo thông tin được đăng tải, tai nạn xảy ra ở Quốc lộ 46 nằm trong địa phận của tỉnh Nghệ An.

Từ vụ việc trên đặt ra môt câu hỏi: nếu tai nạn giao thông mà nguyên nhân chính là do phơi nông sản gây ra thì người mang nông sản ra đường phơi có phải chịu trách nhiệm hay bồi thường gì không?

Phơi nông sản trên đường dẫn đến tai nạn giao thông có thể bị phạt tù? - Ảnh 1.

Hình ảnh nông sản được phơi tràn trên mặt đường (Nguồn: OtoFun Nghệ An).

Theo khoản 3 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 "sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép" là hành vi bị cấm. Khoản 2 Điều 35 Luật này cũng quy định các hành vi sau đây sẽ bị cấm:

- Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ

- Tụ tập đông người trái phép trên đường bộ

- Thả rông súc vật trên đường bộ

- Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ

- Đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ

- Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông

- Che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông

- Sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy

- Hành vi khác gây cản trở giao thông.

Theo các quy định vừa trích dẫn, hành vi lấn chiếm vỉa hè, lề đường, lòng đường để phơi thóc, rơm, rạ… đã vi phạm pháp luật về an toàn giao thông.

Tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm và hậu quả gây ra, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử phạt hành chính

Theo đó, việc nông sản trên đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao, căn cứ theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ sẽ bị xử phạt hành chính từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Ngoài ra buộc phải thu dọn các vật cản, thu dọn những vật liệu, đồ vật chiếm dụng mặt đường và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Xử lý hình sự

Hành vi phơi nông sản trên đường gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cản trở giao thông đường bộ tại Khoản 73 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, cụ thể:

Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 03 năm:

- Làm chết người

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%

- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

- Tại đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm

- Làm chết 2 người

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%

- Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

- Làm chết 3 người trở lên

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên

- Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên.

Cản trở giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả như là làm chết 3 người trở lên, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.

Trách nhiệm dân sự

Khoản 1, Khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau:

Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Khoản 1, Khoản 2 Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:

Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

Về thiệt hại do sức khỏe bị đe dọa, Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 xác định thiệt hai bao gồm, chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại.

Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.

Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại. Thiệt hại khác do luật quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khoẻ của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 xác định thiệt hại bao gồm: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này.

Chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, thiệt hại khác do luật quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
Tiến độ Vinhomes Vũ Yên
Vinhomes Vũ Yên có tổng diện tích hơn 877 ha, tổng mức đầu tư 44.044 tỷ đồng. Vingroup cho biết, đến nay đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động 46 căn shophouse và 1.076 căn nhà liền kề...