Những nắp cống 'ỡm ờ' trên mặt đường Sài Gòn: Ai chịu trách nhiệm khi xảy ra tai nạn?

Về mặt kỹ thuật, các hố ga phải đảm bảo độ vững chắc về thiết kế, độ chịu lực phù hợp với từng mục đích sử dụng.

Theo TTO đưa tin, theo ghi nhận trên đường Cách Mạng Tháng 8, quận 3, TP HCM, những ổ gà lồi lõm xuất hiện xung quanh nắp cống, người dân khi di chuyển qua điểm này đều chạy nép sang một bên để né ổ gà, dễ xảy ra va quẹt khi người phía sau không kịp phản ứng.

Ngoài ra, những chiếc nắp không được đậy kín, xe cộ di chuyển nên phát ra âm thanh gây khó chịu cho người dân sinh sống quanh khu vực đó.

Như trên đường Dương Bá Trạc, quận 8, TP.HCM, nắp hầm bị sụp xuống 5-7 cm so với mặt đường, nắp không kín nên khi xe di chuyển qua lại phát ra tiếng "ầm ầm".

Người dân ở đây cho biết vào ban ngày, mật độ xe di chuyển từ hướng cầu Kênh Xáng đến cầu Nguyễn Văn Cừ nhiều nên âm thanh phát ra từ nắp dày đặc làm ảnh hưởng đến giấc ngủ trưa của trẻ con ở đây.

Đặc biệt khi TP HCM đang vào mùa mưa, người đi đường cần chú ý quan sát để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Vậy, trong trường hợp có tai nạn xảy ra ai chịu trách nhiệm? Nạn nhân được bồi thường ra sao?

Phập phồng đi ngang những nắp cống 'ỡm ờ' trên mặt đường Sài Gòn. (Video: Ngọc Phượng/TTO).

Tiêu chuẩn nào để các hố ga, miệng cống an toàn?

Theo Luật giao thông đường bộ, các công trình xây dựng thi công trên đường phố đang sử dụng đều phải đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Công việc đảm bảo an toàn này đã được chủ đầu tư và sở GTVT kiểm tra, phê duyệt cấp phép, tính tiền cho nhà thầu.

Từ Luật Xây dựng đến Luật Giao thông đường bộ cũng như các nghị định, thông tư liên quan đều quy định về vấn đề này và hai chữ "an toàn" được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần.

Khi thi công trên các con đường đang khai thác, các đơn vị có liên quan phải tuân thủ điều 47 Luật giao thông đường bộ 2008 với các quy định bắt buộc như: thi công công trình trên đường bộ đang khai thác chỉ được tiến hành khi có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thực hiện theo đúng nội dung của giấy phép và quy định của pháp luật về xây dựng.

Trong quá trình thi công, đơn vị thi công phải bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi thi công và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

Ngoài hàng chục văn bản luật, nghị định Chính phủ, thông tư bộ ngành điều chỉnh công tác an toàn lao động trong hoạt động đầu tư xây dựng, các bộ và địa phương cũng có hàng trăm văn bản chỉ đạo thường xuyên và đột xuất về công tác an toàn.

Về mặt kỹ thuật, loại sản phẩm này thường được thiết kế áp dụng theo tiêu chuẩn TCVN 6394:2014 Mương bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn; TCVN 10332:2014 Hào kỹ thuật bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn; TCVN 10333-1:2014 Hố ga bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn - Phần 1: Hố thu nước mưa và hố ngăn mùi; TCVN 10333-2:2014 Hố ga bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn - Phần 2: Giếng thăm hình hộp; TCVN 10334:2014 Bể tự hoại bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn dùng cho nhà vệ sinh.

Ai chịu trách nhiệm

Trước hết, khi xảy ra tai nạn thì phần lớn phải có người chịu trách nhiệm. Luật pháp cũng quy định, những người bị thiệt hại nếu họ không có lỗi mà lỗi do người khác gây ra có quyền khởi kiện. Đối với những tai nạn mà người gây ra thiệt hại đến mức vi phạm bộ Luật Hình sự thì sẽ bị khởi tố hình sự (trừ trường hợp không thể kiện được, đó là tai nạn gây ra do những nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai hay những việc không thể tiên liệu trước được...).

Mọi thiệt hại đều xác định được nguyên nhân và trách nhiệm của người gây thiệt hại và truy cứu trách nhiệm. Truy cứu trách nhiệm ở đây, ít nhất là bằng hành chính, như cách chức, buộc thôi việc, hay khởi kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại...

Thứ nhất, cơ quan nào chịu trách nhiệm thi công về đường cống của khu vực đó thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm trước tiên.

Thứ hai, nếu thi công đã bàn giao thì cơ quan nào đang quản lý về hệ thống đường cống này cũng phải chịu trách nhiệm, bởi vì hệ thống phải được an toàn, nếu có sự cố thì phải có biển báo, cảnh báo, rào chắn để đảm bảo an toàn. Nếu họ không làm được như vậy thì trước hết là kiện đơn vị chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Trong trường hợp các đơn vị đùn đẩy trách nhiệm cho nhau thì người dân có thể kiện cả hai. Khi đó tòa sẽ phân xử bên chính, bên phụ hay một bên phải chịu trách nhiệm.

Khi khởi kiện, trong đơn khởi kiện, gia đình nạn nhân phải nêu rõ thiệt hại, ví dụ như chết người, thương tích hay tổn thất về tinh thần, vật chất như thế nào. Trong đơn phải ghi rõ là kiện ai, kiện đơn vị nào.

Đối với những hành vi vi phạm pháp luật gây ra chết người có thể phải khởi tố hình sự và việc khởi tố là trách nhiệm của công an và viện kiểm sát.

Về trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại Điều 281 – Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông quy định, người nào có trách nhiệm trong việc duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường không mà vi phạm các quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình đó gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 15 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.

Bên cạnh đó, Điều 15 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông cũng hướng dẫn: "Hành vi vi phạm các quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không" quy định tại Bộ luật hình sự là một trong các hành vi sau:

Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về duy tu, bảo dưỡng, quản lý để công trình giao thông không bảo đảm trạng thái an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình (như: không bảo đảm hệ thống cọc tiêu, biển báo, biển chỉ dẫn, biểu hiệu…) liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông.

Không xử lý kịp thời đối với các công trình giao thông bị hư hỏng, đe dọa an toàn giao thông.

Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp hướng dẫn, điều khiển giao thông đặt biển hiệu, cọc tiêu, rào chắn… ngăn ngừa tai nạn khi công trình giao thông đã bị hư hại chưa kịp hoặc đang tiến hành duy tu, sửa chữa.

Không thường xuyên kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên đoạn đường đèo dốc nguy hiểm, đoạn đường có đá lở, đất sụt, nước ngập hoặc trên các đoạn đường có nguy cơ không bảo đảm an toàn giao thông.

Không có biện pháp xử lý kịp thời và biện pháp ngăn ngừa tai nạn khi phát hiện hoặc được tin báo công trình giao thông thuộc thẩm quyền quản lý của mình bị hư hỏng.

Các vi phạm khác về duy tu, bảo dưỡng, quản lý công trình giao thông như không đặt hoặc đặt không đủ các tín hiệu phòng vệ theo quy định thi công, sửa chữa công trình giao thông; không thu dọn, thanh thải các biển phòng vệ, rào chắn, phương tiện, các vật liệu khi thi công xong và các hành vi tương tự khác.

Về trách nhiệm dân sự

Đơn vị tổ chức thi công công trình có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho thân nhân người bị hại, chi phí mai táng, tiền tổn thất tinh thần, tiền cấp dưỡng (nếu người bị hại đang có nghĩa vụ cấp dưỡng theo luật định).

Cụ thể, theo quy định Bộ luật dân sự năm và Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm các chi phí sau:

Thứ nhất, Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc cho người bị thiệt hại trước khi chết.

Thứ hai, Chi phí cho việc mai táng bao gồm : các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ…

Thứ ba, Khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết: Chỉ xem xét khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu trước khi tính mạng bị xâm phạm người bị thiệt hại thực tế đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Những người đang được người bị thiệt hại cấp dưỡng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng, tương ứng đó.

Đối với những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng nhưng sau khi người bị thiệt hại bị xâm phạm tính mạng, thì những người này được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng hợp lý phù hợp với thu nhập và khả năng thực tế của người phải bồi thường, nhu cầu thiết yếu của người được bồi thường.Thời điểm cấp dưỡng được xác định kể từ thời điểm tính mạng bị xâm phạm.

Ngoài ra, người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị hại, nếu không có những người này thì người mà người bị hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận.

Nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho tất cả những người thân thích của người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, số lượng người thân thích của họ, nhưng tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.