Phụ nữ có phạm tội hiếp dâm?

Pháp luật không phân biệt chủ thể của tội hiếp dâm là nam hay nữ nên cần hiểu chủ thể của tội hiếp dâm có thể là nam hoặc nữ.

Pháp luật hình sự không quy định rõ chủ thể tội hiếp dâm là nam hay nữ. Có ý kiến chủ thể tội này chỉ có thể là nam, nhưng tôi thực sự chưa tìm thấy văn bản hướng dẫn luật nào nói rằng chỉ là nam. Vậy xin hỏi trường hợp này hiểu như thế nào?

Độc giả: Quốc Cường

phu nu co pham toi hiep dam
Ảnh minh họa

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến VietNamMoi. Vấn đề này xin được đưa ra ý kiến như sau:

Theo quy định của pháp luật hình sự nước ta hiện nay thì không có quy định nào xác định chủ thể của tội hiếp dâm là nam giới.

Tại khoản 1, Điều 111 (Tội hiếp dâm) của Bộ luật Hình sự 1999 quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.

Về chủ thể của tội phạm “người nào”, có nghĩa là không phân biệt giới tính, chỉ cần người đó có hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ” thì sẽ đủ yếu tố cấu thành tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự.

Phụ nữ có thể trở thành chủ thể của tội hiếp dâm đối với các trường hợp sau đây:

Thứ nhất, việc phụ nữ dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nam giới để thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn của họ là điều khó có thể xảy ra nhưng việc dùng “thủ đoạn khác” để giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn có thể được thực hiện bởi nữ giới. Ví dụ: cho uống thuốc kích dục, sử dụng thuốc mê... Vì vậy, không thể loại trừ khả năng này trên thực tế và đây là hành vi người nữ giới dùng “thủ đoạn khác” để giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của nạn nhân.

Thứ hai, phụ nữ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trong trường hợp đồng phạm. Dù không phải là người thực hành (chủ thể phổ biến là nam giới), thì phụ nữ cũng có thể bị coi là phạm tội nếu có hành vi cố ý cùng thực hiện tội hiếp dâm với người thực hành. Cụ thể, phụ nữ có thể là người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức (khoản 1, khoản 2, Điều 20 BLHS) cho người khác thực hiện hành vi hiếp dâm nạn nhân.

Pháp luật không phân biệt chủ thể của tội hiếp dâm là nam hay nữ nên cần hiểu chủ thể của tội hiếp dâm có thể là nam hoặc nữ. Tuy nhiên, trên thực tiễn xét xử chủ thể tội hiếp dâm chỉ là nam giới, cụ thể nam giới mới là người thực hành trong tội hiếp dâm còn phụ nữ chỉ tham gia với vai trò là đồng phạm bởi những lí do:

Thứ nhất, đối với hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân thường là nam giới, phụ nữ khó có khả năng thực hiện các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực vì xét về sức mạnh cũng như cấu tạo cơ thể không bằng nam giới.

Thứ hai, xét về khả năng tự phục hồi về thể chất lẫn tinh thần thì hậu quả hành vi trên gây ra cho người phụ nữ là nặng nề hơn.

Tuy nhiên, về tội hiếp dâm theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 (đã lùi thời hạn thi hành) đã có điểm mới. Trong các Điều 141 tội hiếp dâm, Điều 142 tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, Điều 143 tội cưỡng dâm, Điều 144 tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, Điều 145 tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Đã mở rộng nội hàm khái niệm “giao cấu” thành “giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”.

Việc mở rộng như vậy là vì theo quy định của BLHS năm 1999 người phạm tội hiếp dâm ( hiếp dâm trẻ em) cưỡng dâm (cưỡng dâm trẻ em ) thì yếu tố bắt buộc để chứng minh tội phạm là đã thực hiện hành vi “giao cấu” với nạn nhân . Tuy nhiên, thế nào coi là “giao cấu” ? thì hiện nay chưa được giải thích hoặc hướng dẫn cụ thể. Theo Tổng kết và hướng dẫn đường lối xét xử tội hiếp dâm và một số tội phạm khác về tình dục số 329-HS ngày 15/5/1967 của Tòa án nhân dân tối cao cũng như qua thực tiễn nhiều năm áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng và quan niệm truyền thống của người dân Việt Nam thì hành vi “giao cấu” vẫn được hiểu theo nghĩa truyền thống. Nhưng trong thực tiễn hiện nay thì cách thức giao cấu khá đa dạng và đặc biệt xuất hiện tình trạng ép buộc hoặc cưỡng bức quan hệ tình dục giữa những người cùng giới tính. Do vậy, để đảm bảo phản ánh được những yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục, thì bên cạnh việc thực hiện hành vi giao cấu, các Điều 141, 142, 143, 144, 145 BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm trường hợp nếu người phạm tội “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác mà không được sự đồng ý của nạn nhân” cũng bị coi là thực hiện các tội phạm này.

Trong điều 142 Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi của BLHS năm 2015, đã có sự sửa đổi chính sách hình sự đối với hành vi giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi.

Theo quy định của BLHS năm 1999 tại khoản 4 điều 112 có quy định mọi hành vi giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm và phải chịu khung hình phạt cao nhất của tội này, là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn thi hành BLHS 1999 cũng như qua khảo sát tại một số địa phương cho thấy, nhiều trường hợp mặc dù giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi, nhưng với sự phát triển thể chất ở một số em thì các em trưởng thành hơn so với độ tuổi và việc giao cấu là thuận tình. Do vậy, việc quy định mọi hành vi giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi phải chịu khung hình phạt cao nhất của điều luật này là quá nghiêm khắc. Do vậy, để phân hóa chính sách xử lý hình sự đối với hành vi giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi, Tại điểm b khoản 1 Điều 142 BLHS năm 2015 vẫn khẳng định mọi hành vi giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em, nhưng tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của từng trường hợp cụ thể mà cân nhắc xử lý theo từng khung hình phạt tương ứng, từ khoản 1 đến khoản 3 Điều 142 BLHS năm 2015.

Trong chương XIV của BLHS năm 2015 này đã sự bổ sung thêm tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Và được quy định tại điều 147 của bộ luật này. Đây là một điểm bổ sung mới góp phần phản ánh đúng tình trạng thực tiễn hiện nay. Bởi lẽ mặc dù BLHS 2015 đã có quy định tội dâm ô với trẻ em tại Điều 117. Tuy nhiên, qua nghiên cứu nhận thấy, việc quy định tội dâm ô với trẻ em chưa bao quát hết các hành vi xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trên thực tiễn trong thời gian qua. Theo cách hiểu hiện nay về dâm ô thì hành vi dâm ô được coi là hành vi đụng chạm vào những bộ phận nhậy cảm của trẻ em hoặc buộc trẻ em đụng chạm vào những bộ phận nhậy cảm của người phạm tội. Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay thì nhiều trường hợp, người phạm tội ép buộc trẻ em phải biểu diễn các hành vi khiêu dâm, đóng phim khiêu dâm hoặc buộc trẻ em phải xem những hình ảnh khiêu dâm… Đây đều là những hành vi nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của trẻ em- khách thể được pháp luật hình sự đặc biệt bảo vệ. Do vậy, Về việc bổ sung thêm tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147 BLHS năm 2015 ) là rất cần thiết và đáp ứng được yêu cầu phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ hiện nay.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

chọn
Cận cảnh khu đô thị hơn 3.113 tỷ đang mời đầu tư ở Đông Hội và Mai Lâm, Đông Anh
Hà Nội đang mời đầu tư dự án Xây dựng Khu đô thị mới G13 tại các xã Đông Hội và Mai Lâm, huyện Đông Anh với tổng chi phí thực hiện 3.113 tỷ đồng.