Một sớm tháng 3, Sơn Nhã (24 tuổi, quê tỉnh Tây Ninh) được áp giải đến tòa vì trị truy tố về tội "cố ý gây thương tích". Có mặt tại phòng xử, người thân anh ta ngồi kín ba hàng ghế dự khán. Gương mặt ai cũng buồn rượi, chẳng nói lời nào, đôi lúc hướng mắt nhìn lên bị cáo rồi lặng thinh, cúi mặt.
Theo cáo trạng, khoảng 19h40 ngày 11/3/2017, anh Lương Quốc Thiện và anh Lữ Thanh Lâm (cùng là tài xế Grabbike) dựng xe trước số nhà 200 Nguyễn Tri Phương (phường 4, quận 10). Cùng lúc, ông Tạ Văn Tiến (xe ôm) sang nói chuyện, không cho hai tài xế Grabbike bắt khách ở khu vực này, dẫn đến cự cãi. Ông Tiến kể lại sự việc cho Nhã (nhân viên giữ xe) biết. Anh Thiện và Lâm sau đó bỏ đi.
Sơn Nhã tại phiên tòa. Dự kiến ngày mai tòa sẽ tuyên án đối với nam thanh niên này
Đến khoảng 20h cùng ngày, anh Thiện cùng một nhóm người chạy xe quay lại chỗ ông Tiến ở 271 Nguyễn Tri Phương (phường 5, quận 10). Bị Thiện cầm nón bảo hiểm đánh vào đầu, ông Tiến bỏ chạy. Cùng lúc, Nhã đi đến thì nghe anh Thiện nói: "Nãy mày chỉ chỏ gì", rồi dùng nón bảo hiểm đánh.
Chống trả, Nhã dùng kéo đâm vào bụng anh Thiện. Thiện bỏ chạy vẫn bị Nhã đuổi theo và đâm tiếp nhiều nhát. Anh Thiện sau đó được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Nhã cũng bị bắt ngay sau đó. Theo kết quả giám định, tỉ lệ thương tích của anh Thiện lên đến 36%.
Tại tòa, khi được hỏi nguyên nhân hành hung anh Thiện, Nhã chậm rãi khai: "Hôm đó do bị cáo bị cả nhóm anh Thiện tấn công, cộng thêm nhất thời không suy nghĩ thấu đáo nên đã làm điều bồng bột". Thế nhưng, tài xế Grab phủ nhận điều này, cho rằng chỉ một mình ẩu đả với Nhã mà không hề có sự tham gia của người khác.
Thế rồi chủ tọa nghiêm giọng hỏi: "Bị cáo có hối hận không?", Nhã nhanh chóng gật đầu rồi rành rọt nói: "Những ngày bị tạm giam bị cáo đã suy nghĩ rất nhiều về những gì mình gây ra, bị cáo vô cùng hối hận và thấy có lỗi với anh Thiện".
Theo lời luật sư bào chữa cho Nhã, anh ta là con cả trong một gia đình dân tộc thiểu số nghèo ở vùng quê Trà Vinh. Đến năm 13 tuổi, vì quá khó khăn nên Nhã phải nghỉ học. Từ đó, chàng trai trẻ rời quê lên Sài Gòn làm thuê, mong đổi đời và phụ ba mẹ chăm lo cho các em.
Nghe đến đây, người thân của Nhã đều rơm rớm nước mắt. Cặp vợ chồng già với dáng người gầy gò, vẻ mặt khắc khổ tự trách mình đã không quan tâm, lo lắng cho con chu toàn nên giờ đây Nhã phải rơi vào hoàn cảnh này.
Trước khi chuyển sang phần tranh luận, VKS phát biểu quan điểm cho rằng hành vi của Nhã là đặc biệt nghiêm trọng, anh ta đã xâm phạm đến sức khỏe của anh Thiện, gây nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, VKS cũng ghi nhận thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận của Nhã, đồng thời anh ta có học vấn thấp và phía bị hại cũng có một phần lỗi.
Từ các lẽ trên, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Nhã mức án 4-5 tù, trong khi khung hình phạt truy tố bị cáo này lên đến 10 năm tù.
Bào chữa cho Nhã, luật sư bày tỏ mong muốn HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ, ghi nhận thêm tình tiết giảm nhẹ Nhã là phạm tội trong trạng thái tinh thần kích động mạnh. Song, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho nạn nhân lại yêu cầu HĐXX chuyển tội danh của Nhã sang "giết người".
Khi được nói lời sau cùng, Nhã xoay người nhìn về phía người thân rồi cúi đầu trước bục khai báo, anh hạ giọng: "Một lần nữa xin HĐXX cho bị cáo được gửi lời xin lỗi đến gia đình anh Thiện và gia đình mình. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà bị cáo đã phải rơi vào lao lí. Bị cáo rất mong được hưởng mức án khoan hồng để sớm đoàn tụ với gia đình và sửa chữa lỗi lầm mình đã gây ra".
Sau khi xem xét hồ sơ và quá trình thẩm vấn tại tòa, HĐXX đánh giá vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nên quyết định kéo dài thời gian nghị án. Dự kiến, tòa sẽ tuyên án vào lúc 8h ngày 7/3.
Kết thúc phiên xử, bị cáo được áp giải ra khỏi phòng xử. Người thân của anh ta vội vã chạy theo, nghẹn ngào nói: "Mạnh mẽ lên Nhã, đừng lo lắng nữa, hãy cố gắng cải tạo tốt". Thế rồi, chiếc xe chở phạm nhân vụt khỏi sân tòa, ba mẹ và các em của Nhã luyến tiếc nhìn theo cho đến khi khuất dạng.