Quân đội Trung Quốc tung video nhạc rock thu hút tân binh |
Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất trên thế giới có quân đội tham gia hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, theo tạp chí quân sự Jane's Defence Weekly, quân đội nước này - PLA chính là cái tên đi tiên phong và cũng là nổi bật nhất.
Trong cuốn "Soldiers of Fortune", tác giả James C. Mulvenon cho biết hoạt động kinh doanh của quân đội Trung Quốc đã có từ khá sớm. Giai đoạn 1927 - 1950, quân đội đã được cho phép tự cung cấp tài chính bằng cách điều hành các nhà máy và trang trại. Việc này tiếp tục kéo dài trong thời kỳ Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông.
Tuy nhiên, phải đến đầu thập niên 80, mô hình này mới phát triển mạnh, với sự hậu thuẫn của lãnh đạo Trung Quốc - Đặng Tiểu Bình, Forbes cho biết. Nhằm hiện đại hóa kinh tế và kiểm soát chặt chi tiêu quốc phòng, ông cho phép quân đội sử dụng tài nguyên và cơ sở vật chất của mình để tăng sản xuất phục vụ dân sinh.
Từ đó, mạng lưới kinh doanh của quân đội Trung Quốc bùng nổ. Họ làm mọi thứ, từ nuôi lợn, lập hãng hàng không, mở bệnh viện, đào than đến kinh doanh khách sạn và dịch vụ viễn thông. Thậm chí, 3 trong 12 câu lạc bộ trong giải bóng rổ chuyên nghiệp Trung Quốc cũng do các đơn vị của PLA sở hữu. Nhiều hãng dược phẩm và dệt may lớn nhất nước cũng nằm trong tay quân đội.
Quân đội Trung Quốc từng sở hữu đế chế kinh doanh tỷ USD. Ảnh: Reuters |
Nhìn từ bên ngoài, người ta có thể dễ dàng kết luận PLA kiểm soát phần lớn ngành công nghiệp và thương mại Trung Quốc. New York Times cũng cho biết "Phần lớn việc kinh doanh của các công ty Mỹ tại Trung Quốc là với các doanh nghiệp do quân đội kiểm soát".
Sau 14 năm, quân đội Trung Quốc đã phát triển được một đế chế kinh doanh toàn cầu. Economist dẫn thông tin từ giới truyền thông Trung Quốc cho biết thời đó, đế chế này trị giá 50 tỷ NDT (6 tỷ USD) với lợi nhuận hàng năm khoảng 600 triệu USD. Tổng số doanh nghiệp quân đội vào khoảng 20.000 trên cả nước.
Tuy nhiên, Tai Ming Cheung - nhà phân tích tại công ty chứng khoán Kim Eng, và cũng là tác giả một cuốn sách về PLA ước tính số doanh nghiệp họ sở hữu vào khoảng 15.000, tạo ra doanh thu 10 tỷ USD mỗi năm. Cheung cho rằng doanh thu này phải tăng khoảng 10-15% mỗi năm.
Dù vậy, việc quản lý hàng nghìn doanh nghiệp rất thiếu sự tập trung. Nhiều công ty được điều hành bởi một sĩ quan quân đội hoặc quân nhân đã nghỉ hưu. Công ty khác lại do dân thường quản lý. Trên lý thuyết, Tổng cục Hậu cần Quân đội Trung Quốc là cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh của PLA. Tuy nhiên, chính họ cũng từng công khai thừa nhận chẳng biết có bao nhiêu doanh nghiệp thuộc quyền kiểm soát của quân đội, chứ chưa kể đến việc kiểm toán.
Việc này đã khiến giới chức Trung Quốc đau đầu. Nhiều công ty thuộc các đơn vị của PLA còn bị cáo buộc làm giả sản phẩm hay buôn lậu xe sang. Đến thập niên 90, Chủ tịch Trung Quốc khi ấy - Giang Trạch Dân nhận ra việc các cơ quan nhà nước tham gia quá sâu vào kinh doanh chính là rào cản với cải tổ và quản lý.
Giai đoạn tháng 11 - 12/1993, Trung Quốc ra hàng loạt quy định nhằm hạn chế hoạt động kinh doanh của quân đội.
Theo đó, họ cấm các đơn vị dưới cấp tập đoàn quân (army group) tham gia vào giao dịch thương mại. Tuy nhiên, chiến dịch này chỉ thành công một phần.
Đến năm 1995, nó được sửa đổi thành lệnh cấm với các đơn vị dưới cấp quân khu. Nỗ lực này cũng chẳng mấy thành công.
Cuối cùng, đến tháng 7/1998, giới chức Trung Quốc ra lệnh toàn bộ các đơn vị quân đội, cảnh sát nhân dân có vũ trang, các cơ quan an ninh quốc gia và công cộng phải bán hết cổ phần, đồng thời rút khỏi mọi hoạt động kinh doanh. Việc này phải hoàn tất vào tháng 12 cùng năm.
Lần này, các lãnh đạo Trung Quốc rất kiên quyết. Cũng như tất cả chính sách lớn khác, họ thành lập một nhóm gồm đại diện các cơ quan cấp cao nhất để thực hiện việc này.
Đầu tiên là Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc - Phó Toàn Hữu. Ông đã nhận thức được tác động tiêu cực mà kinh doanh gây ra với hoạt động luyện tập cũng như tinh thần sẵn sàng của quân đội và từ lâu vẫn đề nghị kìm hãm việc này.
Thứ hai là lãnh đạo đảng, nắm quyền đúng thời điểm các vụ buôn lậu của quân đội Trung Quốc ở phía Nam trở nên tràn lan và tham nhũng xảy ra khắp nơi. Thứ ba là tân Thủ tướng - Chu Dung Cơ. Ông khẳng định nếu Trung Quốc muốn xây dựng "một sân chơi công bằng" cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), quân đội cần rút khỏi mọi hoạt động kinh doanh và bán hết tài sản tài chính.
Cựu Thủ tướng Trung Quốc - Chu Dung Cơ. Ảnh: SPH |
Đây là lệnh cấm được thực hiện kiên quyết nhất từ trước đến nay. Dĩ nhiên, nó cũng không đảm bảo được tuân theo hoàn toàn. Rất nhiều đơn vị đã tìm cách giấu tiền và tài sản trong các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài.
Năm 1999, tạp chí Shidai Chao thuộc People’s Daily cho biết đợt kiểm toán đầu năm cho thấy 10% doanh nghiệp vẫn không tuân theo lệnh trên. Dù vậy, hơn 2.900 công ty đã được chuyển giao cho nhà nước và gần 4.000 công ty khác đã đóng cửa trước hạn chót tháng 12/1998.
Sau đó, giới chức đặt ra hạn chót lần 2 là tháng 8/1999. Đến lúc này, thêm hơn 3.500 doanh nghiệp nữa đã được chuyển giao. Số nhân lực của các công ty này lên tới 230.000 người.
Chỉ trong một năm, khoảng 90% doanh nghiệp thuộc PLA đã phải chuyển lại tài sản cho một cơ quan nhà nước có tên SETC Handover Office. Cơ quan này được lập ra bởi Ủy ban Thương mại và Kinh tế Nhà nước (SETC) Trung Quốc.
Dù vậy, Xinhua trích lời Jiang Luming - Giáo sư Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc cho biết quân đội vẫn được dùng tài nguyên dư thừa để cung cấp dịch vụ cho người dân tại 15 lĩnh vực, do ngành dịch vụ của Trung Quốc khi đó còn yếu. Những dịch vụ này đã giúp phát triển kinh tế trong nước, tạo sự tiện lợi cho người dân và bù đắp thiếu hụt trong chi tiêu quốc phòng.
Tuy nhiên, những năm gần đây, khi kinh tế thị trường phát triển và hoạt động kinh doanh còn nhiều kẽ hở, ngày càng nhiều vụ tham nhũng có sự tham gia của quân đội xuất hiện. Tháng 11 năm ngoái, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố các hoạt động không thiết yếu như bệnh viện và khách sạn quân đội phục vụ dân chúng sẽ bị dừng hoạt động.
Tháng 5 năm nay, Quân ủy Trung ương Trung Quốc cũng thông báo sẽ chấm dứt mọi hoạt động kinh tế của quân đội, để tập trung vào việc bảo vệ đất nước. Việc này sẽ được chia làm 2 giai đoạn, hoàn thành cuối tháng 6 này và cuối tháng 6/2018. Đợt một gồm 10 lĩnh vực, và đợt 2 là 5 lĩnh vực còn lại.
Theo Xinhua, những thay đổi này nhằm "giảm tham nhũng trong quân đội". Nó nằm trong chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" đã được Chủ tịch nước này - Tập Cận Bình phát động cách đây 3 năm.