Quận Thanh Xuân cung cấp kịp thời hay ém nhẹm thông tin vụ Rạng Đông?

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân khẳng định đã kịp thời công khai thông tin liên quan vụ cháy Rạng Đông nhưng chuyên gia lại cho rằng chính quyền có tư duy quản lý như thời bao cấp.

Hơn một tuần sau vụ cháy nghiêm trọng tại Công ty Rạng Đông (quận Thanh Xuân), chiều 5/9, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu mới chính thức phát biểu về vụ việc trong cuộc họp do Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì.

Người đứng đầu UBND quận Thanh Xuân nhấn mạnh quận đã thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, cảnh cáo kịp thời về nguy cơ độc hại. Nhưng phát biểu này không giống những gì diễn ra những ngày qua.

Công bố thông tin công khai, kịp thời?

Ông Lưu cho hay ngay khi lửa bùng phát, quận xác định có khả năng liên quan đến hóa chất nên đã báo cáo lãnh đạo TP để xin ý kiến, đồng thời báo cáo Sở TNMT Hà Nội, mời Viện sức khỏe Bộ Y tế và lãnh đạo Sở Y tế họp bàn biện pháp xử lý môi trường.

Từ lời của Chủ tịch Nguyễn Xuân Lưu cho thấy ngay khi vụ cháy xảy ra, đơn vị này đã nhận định về khả năng hóa chất bị phát tán nhưng với chức năng quản lý Nhà nước tại địa phương, chính quyền lại không có bất cứ cảnh báo nào để người dân chủ động bảo vệ sức khỏe và môi trường sống.

Thậm chí, văn bản cảnh báo do UBND phường Hạ Đình ban hành ngay sau đó cũng bị can thiệp và thu hồi một cách nhanh chóng với lý do "không đúng thẩm quyền và không đủ cơ sở".

Quận Thanh Xuân cung cấp kịp thời hay ém nhẹm thông tin vụ Rạng Đông? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ cháy nhà máy Rạng Đông. Ảnh: Phạm Thắng.

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân khi báo cáo với lãnh đạo TP còn khẳng định đã công bố “công khai, kịp thời” với nhân dân. Ông Lưu khẳng định thông tin được công khai kịp thời và quận tôn trọng ý kiến của cơ quan chuyên môn.

“Báo cáo có thông tin đến đâu chúng tôi cập nhật đến đấy, công khai thông tin theo giờ. Đến nay đã công bố 5 bản tin, quán triệt cơ sở, phường, tổ dân phố là thông tin đến người dân. Truy cập thời điểm cao nhất cuối ngày 30/8 của cổng thông tin điện tử quận Thanh Xuân là gần nửa triệu người, tức là mối quan tâm rất cao”, vị lãnh đạo cho hay.

Thế nhưng trên thực tế, lãnh đạo quận chỉ cho ban hành những văn bản báo cáo thông tin cơ bản và trong đó, không có bất cứ nội dung nào nhắc đến hóa chất hay cảnh báo để người dân chủ động bảo vệ sức khỏe và môi trường sống.

Trong suốt một tuần qua, với rất nhiều diễn biến đáng chú ý, Zing.vn nỗ lực liên hệ với lãnh đạo quận Thanh Xuân bằng mọi cách từ tìm đến trụ sở, gọi điện thoại và nhắn tin liên hệ nhưng đều không nhận được hồi âm. Từ chủ tịch, phó chủ tịch UBND cho đến người phát ngôn của quận đều lặng im trước đề nghị cung cấp thông tin của báo chí.

Quận Thanh Xuân cung cấp kịp thời hay ém nhẹm thông tin vụ Rạng Đông? - Ảnh 2.

Số lượng lớn bóng đèn vỡ trong vụ cháy chính là lý do khiến thủy ngân bị phát tán ra ngoài môi trường. Ảnh: Phạm Thắng.

"Yếu kém năng lực, quản lý như thời bao cấp"

Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Thế Loãn, nguyên Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), đánh giá quận Thanh Xuân quá vội vàng khi đưa ra kết luận môi trường an toàn.

Chính kết luận vội vàng đó của chính quyền địa phương đã khiến người dân chủ quan, không phòng bị đầy đủ để bảo vệ sức khỏe và môi trường sống trong nguy cơ bị phơi nhiễm các hóa chất độc hại như thủy ngân.

Theo chuyên gia này, những việc làm đó của quận Thanh Xuân thể hiện sự yếu kém về năng lực, sự non kém về kinh nghiệm quản lý và đặc biệt, nó cho thấy một tư duy quản lý “như thời bao cấp”.

Quận Thanh Xuân cung cấp kịp thời hay ém nhẹm thông tin vụ Rạng Đông? - Ảnh 3.

Bộ TNMT cho biết khối lượng thủy ngân phát tán sau vụ cháy Rạng Đông có thể lên tới 27,2 kg. Ảnh: Hồng Quang.

Với những sự cố như cháy ở Rạng Đông, ông Loãn nhấn mạnh chính quyền địa phương phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ để người dân yên tâm, chứ không phải ém nhẹm thông tin.

Về nguy cơ độc hại sau vụ cháy, ông Loãn cho rằng trong khoảng 3-4 ngày đầu, hàm lượng thủy ngân ở mức cao nhất. Nếu không có biện pháp phòng bị, người dân trong khu vực xung quanh nhà máy cần được theo dõi sức khỏe.

Còn đề xuất tẩy độc môi trường mà Bộ TNMT đưa ra là đúng về nguyên tắc nhưng thực tế để thực hiện không dễ và rất tốn kém.

Chiều 4/9, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết khối lượng thủy ngân phát tán sau vụ cháy Rạng Đông có thể lên tới 27,2 kg. Các hóa chất gây ô nhiễm chủ yếu là thủy ngân và một số kim loại nặng.

Các chất này phát tán vào không khí và môi trường xung quanh. Một phần hòa vào nước chảy vào sông Tô Lịch, tích tụ trầm tích ở bùn đáy. Từ các khuyến cáo của WHO, ông Nhân cho biết vùng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người là trong bán kính 500 m.

Các điểm quan trắc không khí phía trước khu vực cháy và trong nhà kho cháy có giá trị thuỷ ngân cao vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO từ 10 đến 30 lần - ngưỡng ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người.

Hơn 5 giờ chiến đấu với giặc lửa tại Công ty bóng đèn Rạng Đông 50 xe chữa cháy cùng hàng trăm lính cứu hỏa được điều động đến Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông. Đến 23h30, đám cháy mới được khống chế, chống cháy lan.
chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.