Rừng gỗ hương “rỉ máu”
Những cây gỗ hương cổ thụ quý hiếm tại Gia Lai đang bị lâm tặc dòm ngó. |
Quần thể gỗ hương duy nhất còn tồn tại ở Gia Lai được Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa (huyện Kbang, Gia Lai) quản lý. Các cây gỗ hương cổ thụ nằm rải rác trên 27 khoảnh thuộc 7 tiểu khu của công ty, với diện tích hơn 8.500 ha.
Chúng tôi đến thăm khu rừng vào những ngày đầu tháng 11, mưa rả rích ngày đêm. Theo chân các cán bộ bảo vệ rừng, băng qua nhiều đoạn dốc dựng đứng, bụi cây cao lút đầu người để đến được với khu vực có gỗ hương.
Các gốc hương ở đây có đường kính 1.5m, cao hơn 30m. Nhiều cây hương với đường kính của 3-4 người ôm, thân cây mọc thẳng tắp, cành lá xum suê cả một khoảng rừng. Bên dưới gốc cây là những chiếc võng được chủ mắc lên để ngày đêm trông coi, tránh lâm tặc “xẻ thịt”.
Tiếp tục vượt qua những con suối chảy siết để có mặt tại khoảnh 6, tiểu khu 90. Người dẫn đường bỗng lặng người khi đến khu vực này. “Gần 2 tháng trước ở chính nơi này, 2 cây gỗ hương đã bị lâm tặc đốn hạ. Giờ đây chỉ còn trơ lại mỗi gốc, ai cũng xót xa mỗi lần đi qua khu vực này”, anh kể.
Một gốc cây hương bị lâm tặc đốn hạ. |
Theo quan sát của PV, khu vực bị đốn hạ có một gốc cây hương với đường kính bằng hai người ôm. Cây còn lại đã bị lâm tặc vận chuyển một phần, phần còn lại nằm ngổn ngang dưới mặt đất. Tổng khối lượng gỗ bị lâm tặc lấy khoảng 30m3. Được biết, trong vụ việc lần đó, lực lượng chức năng đã bắt và khởi tố được 8/21 đối tượng tham gia.
Ngoài hai cây hương bị đốn hạ, từ đầu năm 2014 đến 8-2015 tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Pa đã xảy ra 59 vụ khai thác gỗ hương trái phép với 101 cây bị tàn phá. Khối lượng gỗ thiệt hại hơn 200m3. Trong những lần lâm tặc khai thác gỗ trái phép, công ty phát hiện, bắt quả tang 9 vụ, bắt giữ 19 đối tượng và thu giữ 9 cưa xăng.
Cần sự chung tay
Theo ông Võ Ngộ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa, hiện khu rừng thuộc quản lý của công ty chỉ còn khoảng 300 cây hương cổ thụ, nằm rải rác khắp các tiểu khu.
Trao đổi về vấn đề công ty được giao trách nhiệm bảo vệ rừng, nhưng rừng liên tục bị lâm tặc “xẻ thịt”, ông Võ Ngộ cho biết: “Bên phía công ty đã dùng nhiều biện pháp để quản lý rừng, nhưng do nhiều cây hương nằm gần rẫy, khu vực rừng sản xuất của người dân nên công tác bảo vệ rất khó khăn. Công ty cũng đã lập nên các lán, cử cán bộ mắc võng trông coi, nhưng lâm tặc tận dụng lúc sơ hở, lễ tết để đột kích tấn công”.
Cũng theo ông Ngộ, lâm tặc ở đây rất manh động và liều lĩnh, chúng sẵn sàng tấn công cán bộ bảo vệ rừng khi bị phát hiện. Nhiều cán bộ đã bị thương tích trong lúc làm nhiệm vụ. Phía công ty cũng đã đề xuất hỗ trợ thêm 5-6 cán bộ bảo vệ rừng và tiến hành khoán 2000-3000 ha rừng cho người dân để phối hợp cùng cán bộ công ty quản lý.
Việc bảo vệ rừng cần có sự chung tay của nhiều người. |
Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Văn Phán, Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết: “Cơ quan đã huy động tất cả lực lượng công an, kiểm lâm... kiểm tra, rà soát khu vực rừng, đặc biệt những nơi tồn tại quần thể gỗ hương cổ thụ. Nhưng lâm tặc rất nhanh tay và mưu mô, chính vì thế nhiều khu vực rừng vẫn bị đốn hạ”.
Hiện tại lực lượng chức năng vẫn đang tiến hành điều tra và bắt các đối tượng trong nhóm 21 người đã đốn hạ hai cây gỗ hương ngày 9/9 vừa qua. Từ đó, tìm ra cách thức khai thác, vận chuyển và đầu nậu của đường dây “xẻ thịt” rừng để công ty có kế hoạch bảo vệ rừng tốt hơn.
“Tôi cũng đã đề xuất với sở NN-PTNT tổ chức, sắp xếp một đội ngũ chuyên trách bảo vệ cây hương cổ thụ ở các công ty lâm nghiệp. Bên cạnh đó, nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ người dân và cán bộ bảo vệ rừng. Từ đó, giúp hai bên hợp tác, phối hợp ứng cứu, ngăn chặn các đối tượng lâm tặc ‘xẻ thịt’ rừng”, ông Phán nói.