Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020

Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 được phê duyệt ngày 31/7/2007.

Quy hoạch xác định phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam như sau:

Đối với ngành Dệt - May: Xây dựng và phát triển ba trung tâm nguyên phụ liệu dệt may ở Hưng Yên, Long An, Bình Dương và Đà Nẵng; Phát triển các dự án sản xuất phụ tùng cơ khí dệt may;

Hình thành ở phía Bắc ba dự án sản xuất nồi, khuyên, thiết bị kéo sợi, dệt vải và ở miền Nam 4 dự án sản xuất khung go, dây go, lamen, suốt kéo dài, nồi khuyên; Xây dựng một số cơ sở sản xuất hoá chất trợ nhuộm tại 2 miền Bắc và Nam. Tại miền Trung sản xuất xơ Polyester.

Đối với ngành Da - Giày: Xây dựng trung tâm nguyên phụ liệu da giày ở Hà Tây, Bình Dương và Quảng Nam; Đầu tư một số dự án sản xuất vải PVC, PU, sản xuất phụ tùng, khuôn mẫu cho ngành. Đến năm 2010 phát triển 2-3 dự án sản xuất máy móc, phụ tùng, khuôn mẫu tại ba miền để đáp ứng nhu cầu trong nước;

Di dời các doanh nghiệp và cơ sở thuộc da ô nhiễm ở các khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp, ứng dụng các công nghệ tiên tiến; Phát triển các trang trại nuôi bò lấy da, mở rộng mạng lưới thu mua nguyên liệu da để thuộc da tập trung tại các cơ sở có trang thiết bị, công nghệ tiên tiến.

Đối với ngành Điện tử - Tin học: Đến 2010 tập trung thu hút đầu tư một số dự án sản xuất linh kiện điện tử, mạch vi điện tử, vật liệu linh kiện điện từ, linh kiện thạch anh, linh kiện máy vi tính… để phát triển các thiết bị ngoại vi và máy tính cá nhân, đồ điện tử gia dụng, thiết bị nghe nhìn, các linh kiện lắp ráp đơn giản;

Sau 2010 phát triển sản xuát linh kiện lắp ráp đồng bộ, linh kiện dạng nguyên vật liệu và các loại linh phụ kiện khác. Xây dựng một số nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử y tế kỹ thuật cao, thiết bị cảnh báo điện tử.

Đối với ngành Sản xuất và Lắp ráp ô tô: Sản lượng xe tải, xe khách đến 2010 vào khoảng 73.000 chiếc. Do đó đầu tư chiều sâu phát triển các nhà máy cơ khí ô tô hiện có theo hướng công nghệ truyền lực, công nghệ chassis;

Sau 2010, tập trung sản xuất phụ tùng và tổng thành của loại động cơ diesel công suất từ 80-240 kW. Thu hút đầu tư liên doanh sản xuất động cơ diesel tại khu công nghiệp ô tô Củ Chi, tiến tới hình thành khu công nghiệp hỗ trợ cho việc sản xuất động cơ và ô tô tại TP HCM, Bình Dương, Tây Ninh; Xây dựng mới nhà máy chế tạo bánh răng trục cho hệ thống truyền lực tại TP HCM hoặc Đà Nẵng.

Đối với ngành Cơ khí Chế tạo: Hình thành một số nhà máy chuyên sản xuất các chi tiết tiêu chuẩn, khuôn mẫu chính xác, vật liệu cắt gọt và gia công áp lực… với mức độ trang thiết bị có độ chính xác cao, được điều khiển bằng chương trình tự động hoá, số hoá gần các khu vực có các nhà máy chế tạo ba nhóm sản phẩm cơ khí nêu trên;

Xây dựng các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ cơ khí tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh Hưng Yên, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh và Đà Nẵng.

Xem chi tiết: Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 TẠI ĐÂY.

chọn