Quy hoạch định hướng phát triển đến năm 2020 là tập trung phát triển một số ngành chủ lực, có lợi thế, cụ thể như sau:
Về phát triển ngành hải sản, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu sản xuất hợp lý, phát triển mạnh khai thác xa bờ, nuôi biển và dịch vụ nghề cá, trên cơ sở từng bước được hiện đại hoá, phấn đấu trở thành ngành sản xuất hàng hoá, có năng suất và hiệu quả cao.
Đến năm 2020 tổng sản lượng hải sản của vùng đảo đạt 300 - 350 ngàn tấn, trong đó khai thác 280 - 300 ngàn tấn; giá trị sản xuất ngành hải sản đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 7 - 8 %/năm thời kỳ 2011 - 2020.
Phát triển ngành du lịch, cần phát triển nhanh và bền vững du lịch vùng đảo trong sự gắn kết với các trung tâm đô thị, các khu du lịch lớn ven biển, sớm đưa du lịch đảo thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Coi phát triển du lịch là hướng trọng điểm, mang tính đột phá trong phát triển kinh tế đảo trong những năm tới.
Phấn đấu đến năm 2020 du lịch vùng đảo thu hút khoảng 2,7 - 2,8 triệu lượt khách, trong đó có 700 - 850 ngàn lượt khách quốc tế; đạt tốc độ tăng trưởng bình quân thời kỳ 2011 - 2020 khoảng 12,5 %/năm, trong đó khách quốc tế tăng 18,6 %/năm.
Đối với các ngành kinh tế khác, tranh thủ tối đa các điều kiện và khả năng có thể của từng đảo để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tập trung phát triển các ngành phục vụ trực tiếp sản xuất và đời sống của dân cư trên đảo như sản xuất điện, nước ngọt, chế biến và sơ chế hải sản, cơ khí sửa chữa tàu thuyền, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch...
Phát triển nền nông nghiệp sinh thái, bền vững. Chuyển diện tích cây lương thực năng suất thấp sang trồng cây ăn quả, cây thực phẩm, rau, hoa... Từ nay đến năm 2020 duy trì diện tích gieo trồng lúa khoảng 1.300 ha (chủ yếu ở Cô Tô, Vân Đồn) để đáp ứng một phần nhu cầu tại chỗ, từng bước thu hẹp dần để phát triển du lịch, dịch vụ.
Ngoài ra, phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng đảo chiếm khoảng 45%.
Khôi phục và phát triển rừng trên các đảo theo hướng kết hợp giữa mục tiêu phòng hộ với mục tiêu kinh tế và tham gia vào hoạt động du lịch. Lấy bảo vệ và phát triển rừng làm nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tăng tỷ lệ che phủ của rừng lên trên 65% năm 2020, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước trên các đảo.
Về tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống đảo, sơ bộ dự tính từ nay đến năm 2020 khoảng 162,5 ngàn tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2010 - 2015 cần khoảng 51,8 ngàn tỷ đồng.
Để đáp ứng nguồn vốn đầu tư phát triển cho các đảo từ nay đến năm 2020, cần có cơ chế huy động tích cực , khuyến khích mạnh mẽ nhằm thu hút mọi nguồn vốn có thể (cả trong và ngoài nước) dưới mọi hình thức.
Xem chi tiết: Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020 TẠI ĐÂY.