Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt ngày 8/1/2014.

Quy hoạch xác định mục tiêu bảo đảm các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm được bảo tồn và phát triển bền vững; duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.

Phát triển, nâng cấp hệ thống 26 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học

Quy hoạch nêu rõ các mục tiêu cụ thể trong thời kỳ quy hoạch như sau: Xác định và khoanh vùng bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng. Nâng cao chất lượng và tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ trên phạm vi cả nước; nâng độ che phủ rừng đạt 45%;

Bảo tồn và có kế hoạch bảo vệ hiệu quả 0,57 triệu ha diện tích rừng nguyên sinh tại các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Bắc Trung Bộ; bảo vệ và phát triển bền vững khoảng 60.000 ha diện tích rừng ngập mặn tự nhiên; bảo vệ hệ sinh thái các rạn san hô, thảm cỏ biển tại các vùng Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; bảo vệ hệ sinh thái các đầm phá ven biển vùng Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; khôi phục 2.000 ha diện tích rừng trên núi đá vôi tại vùng Đông Bắc.

Hoàn thiện quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn; đề xuất điều chỉnh Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020, bảo đảm quỹ đất thành lập và đưa vào hoạt động 46 khu bảo tồn mới với tổng diện tích khoảng 567.000 ha, nâng tổng diện tích hệ thống khu bảo tồn trên phạm vi cả nước đạt khoảng 2.940.000 ha.

Phát triển và nâng cấp hệ thống 26 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và xây dựng kế hoạch phát triển với các loại hình: 4 vườn thực vật tại các vùng địa lý: Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ; 05 vườn cây thuốc quốc gia tại các vùng địa lý: Đông Bắc, Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ;

2 vườn động vật quốc gia tại các vùng địa lý: Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ; 12 trạm/trung tâm cứu hộ động vật trên phạm vi cả nước và 3 ngân hàng gen tại vùng đồng bằng sông Hồng.

Thành lập và đưa vào hoạt động 4 hành lang đa dạng sinh học tại 2 vùng Đông Bắc và Nam Trung Bộ với tổng diện tích khoảng 120.000 ha nhằm kết nối các sinh cảnh và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của các hệ sinh thái và loài sinh vật.

Định hướng đến năm 2030, tiếp tục bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia; các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn tự nhiên, đầm phá ven biển và núi đá vôi bị suy thoái; Tiếp tục thành lập và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và hành lang đa dạng sinh học đã được đề xuất. 

Xem chi tiết: Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 TẠI ĐÂY.

chọn