"Khối lượng rác quá lớn, địa hình dốc đứng nên không thể múc. Rác được rải vôi bột, phun chế phẩm vi sinh và hóa chất diệt ruồi để giảm thiểu mùi hôi, sau đó sẽ ủi đất lên trên", ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cho biết ngày 28/8.
UBND TP Đà Lạt đã khảo sát để xây lại bờ kè nhằm ngăn chặn bãi rác Cam Ly tiếp tục đổ xuống thung lũng. Tường kè nằm trên nền kè cũ dài 60 m, cao 13 m. Ngoài ra, địa phương sẽ nghiên cứu làm kè chắn ở hạ nguồn để ngăn rác không chảy tiếp, sau đó xây thêm một kè ngăn nước rỉ.
Bãi rác trên đỉnh đồi tràn xuống kéo dài khoảng một km. (Ảnh: Khánh Hương).
Theo chính quyền địa phương, khu vực bị rác vùi lấp nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp nhưng được người dân lấn chiếm sản xuất từ nhiều năm. Trong số 1,5 ha đất bị ảnh hưởng bởi sạt lở, có 8.800 m2 không thể khôi phục sản xuất. TP Đà Lạt bước đầu hỗ trợ cho 5 hộ dân bị thiệt hại với mức 10 triệu đồng mỗi hộ. Về phương án di dời, đền bù thành phố vẫn chưa có.
Bãi rác Cam Ly cách trung tâm Đà Lạt khoảng 5 km, do Công ty Cổ phần dịch vụ đô thị Đà Lạt quản lí, có diện tích 11,8 ha, gồm mặt bằng đổ rác và thung lũng chứa rác. Bãi rác hình thành từ hàng chục năm trước, là nơi thu gom, xử lí rác thải sinh hoạt ở TP Đà Lạt và thị trấn Lạc Dương.
Năm 2003, bãi rác nằm trong danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần được cải tạo, xử lí. Tuy nhiên, đến nay việc đóng cửa bãi rác vẫn chưa thực hiện được do Nhà máy xử lí rác tại xã Xuân Trường, cách đó hơn 20 km, không đảm bảo điều kiện xử lí, dù đi vào hoạt động từ năm 2015. Trong bốn năm qua, bãi rác Cam Ly tiếp nhận thêm hơn 260.000 tấn rác.
Trận mưa lớn đầu tháng 8 với lượng mưa 200 mm trong 4 giờ đã khiến số lượng rác khổng lồ tràn qua đập chắn. Vệt rác kéo dài khoảng km từ đỉnh đồi xuống thung lũng.