Rạng Đông thừa nhận 480.000 bóng đèn bị cháy chứa thủy ngân lỏng, độc hơn viên Amalgan

Qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31/8 cùng với quá trình đấu tranh với lãnh đạo của Rạng Đông, Công ty này mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng (có độc tính cao hơn so với viên Amalgam) với khối lượng theo tính toán của các nhà khoa học là 30 mg/bóng",

9_zing

Bóng đèn bị cháy ở Rạng Đông. (Ảnh: Zing.vn).

Rạng Đông thừa nhận 480.000 bóng đèn dùng thủy ngân lỏng

Ngày 6/9, Tổng cục Môi trường có thông tin về kết quả quan trắc chất lượng môi trường sau vụ cháy tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.

Theo Tổng cục Môi trường, vụ cháy đã làm cháy khoảng 6.000m2 kho chứa sản phẩm chứa bóng đèn huỳnh quang, compact, bóng đèn tròn, nguyên liệu và một số loại hóa chất độc hại.

Cụ thể, kho sản phẩm chứa bóng đèn huỳnh quang với 480.000 sản phẩm (chủ yếu là loại đèn dài 1,2m, sử dụng thủy ngân (Hg) lỏng với hàm lượng là 20mg/bóng); Bóng đèn compact là 1.600.000 sản phẩm (sử dụng 1 viên Amalgam/bóng đèn trọng lượng khoảng 11,5 mg, hàm lượng thủy ngân khoảng 22-30%); Bóng đèn tròn công suất thấp dùng sợi đốt vonfram là 2.000.000 sản phẩm).

"Theo báo cáo ban đầu của Công ty Rạng Đông, từ năm 2016, đơn vị này chỉ sử dụng viên Amalgam để sản xuất bóng đèn và khối lượng viên Amalgam trong kho chứa hóa chất tầng 1 bị cháy chỉ còn vài kg.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31/8/2019 cùng với quá trình đấu tranh với lãnh đạo của Rạng Đông, Công ty này mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng (có độc tính cao hơn so với viên Amalgam) với khối lượng theo tính toán của các nhà khoa học là 30 mg/bóng", Tổng cục Môi trường cho hay.

Trước đó, khi xảy ra vụ cháy, Công ty Rạng Đông đã có thông báo gửi cơ quan chức năng trong đó nêu việc đã nghiên cứu sử dụng Amalgan thay thế cho thủy ngân lỏng từ năm 2016.

Kết quả quan trắc chỉ phản ánh môi trường 2-5 ngày sau vụ cháy

Theo Tổng cục Môi trường, từ ngày 30/8 đến 1/9, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc đã tổ chức quan trắc, lấy mẫu phân tích đánh giá chất lượng môi trường xung quanh gồm môi trường không khí (theo các tuyến thủy ngân có thể phát tán), mẫu nước theo dòng thoát ra sông Tô Lịch, các hồ Hạ Đình, hồ Rẻ Quạt, mẫu đất khu vực xung quanh.

Kết quả, có 1/12 mẫu nước mặt hàm lượng thủy ngân vượt QCVN 08-MT:2015 về chất lượng nước mặt là 1,3 lần tại điểm quan trắc trên sông Tô Lịch (cách cống xả gom nước thải của công ty tại ngõ 320 Khương Đình 1,5km).

So sánh với tiêu chuẩn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mà Việt Nam là thành viên cũng cho kết quả tương tự vượt 1,3 lần đối với hàm lượng thủy ngân có ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Các điểm quan trắc còn lại, hàm lượng thủy ngân trong nước mặt đạt giá trị theo quy chuẩn, tiêu chuẩn nêu trên.

Giá trị thủy ngân trong đất đo được tại các điểm quan trắc dao động từ 0,12-0,65 mg/kg, trong đó giá trị cao nhất được ghi nhận tại vườn hoa trong khuôn viên của Công ty Rạng Đông.

Tham khảo tiêu chuẩn của Canada, nồng độ thủy ngân quan trắc được trong môi trường đất đều không gây hại cho môi trường và sức khỏe con người.

Có 1/8 mẫu nước thải có giá trị thủy ngân vượt QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp là 2,76 lần tại hố ga cạnh xưởng led trong Công ty Rạng Đông.

Có 12/13 mẫu trầm tích, bùn đáy có giá trị thủy ngân vượt QCVN 43:2017/BTNMT về chất lượng trầm tích. Điểm quan trắc tại sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của Công ty (ngõ 320 Khương Đình) là 1 km có giá trị thủy ngân cao nhất, vượt QCVN 43:2017/BTNMT 6,1 lần;

Có 1 mẫu không khí tại điểm quan trắc trong nhà kho đã bị cháy, sập mái, thông với môi trường không khí bên ngoài (được xem là môi trường không khí xung quanh tại đô thị) có giá trị thủy ngân vượt QCVN 06:2009/BTNMT về một số chất độc hại trong không khí xung quanh là 1,02 lần (giá trị đo trung bình 24 giờ).

So sánh với tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO và tiêu chuẩn của Cơ quan đặc trách về các chất độc hại và theo dõi bệnh tật của Mỹ (ATSDR) cũng cho kết quả hàm lượng thủy ngân tại vị trí nêu trên vượt hơn 1,5 lần ngưỡng rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe con người (WHO ước tính nồng độ được phép khi tiếp xúc qua đường hô hấp với kim loại thủy ngân trong không khí trong thời gian dài là 0,2 µg/m3; ngưỡng rủi ro tối thiếu ATSDR là 0,2 µg/m3).

Các mẫu không khí còn lại tại các vị trí: trước cửa trạm oxy bên trong công ty, phía bên ngoài tường khu nhà kho bị cháy cạnh khu dân cư 342 Khương Đình, cách công ty 200 m, 500 m và 1.000 m có dư lượng thủy ngân trong không khí bảo đảm chất lượng môi trường không khí xung quanh theo QCVN 06:2009/BTNMT và tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO, ATDSR.

"Các kết quả quan trắc nêu trên chỉ phản ánh hiện trạng môi trường sau 2 - 5 ngày xảy ra sự cố cháy nổ. Tuy nhiên, trong quá trình cháy, hầu hết lượng thủy ngân trong các bóng đèn đã phát tán ra môi trường cùng với khói và khí thải của đám cháy", Tổng cục cho biết.

Khuyến cáo người dân tẩy độc thủy ngân

Cũng theo đơn vị này, tại thời điểm cháy, lượng thủy ngân và các chất khí độc hại đã gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

"Theo dữ liệu khí tượng thủy văn và mô hình lan truyền ô nhiễm, ước tính phạm vi phát tán tối đa của khói thải khoảng 1,5km, phạm vi ô nhiễm khoảng 200m tính từ tường rào của Công ty và theo hướng gió có thể ảnh hưởng đến khoảng cách 500m", Tổng cục Môi trường thông tin.

Tổng cục cũng khuyến cáo người dân trong bán kính 500m tính từ hàng rào của Công ty Rạng Đông cần thực hiện các biện pháp như phun rửa mái nhà, tẩy rửa tường, sàn nhà và các đồ gia dụng, vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, thau rửa các bể chứa nước hở…

Đối với người dân sống trong bán kính 200m tính từ hàng rào công ty cần đi khám sức khỏe định kì; đối với người người dân trong bán kính từ 200m – 500m tính từ hàng rào Công ty cần đi khám khi có dấu hiệu ngộ độc thủy ngân.

Được biết, sau vụ cháy trên, Bộ TN&MT cũng đã đề nghị Rạng Đông tiếp tục thống kê chính xác số lượng hàng hoá, nguyên liệu vật liệu sử dụng đã bị cháy, đặc biệt là việc sử dụng thuỷ ngân lỏng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang.

Đề nghị Rạng Đông báo cáo các cơ quan chức năng để tính toán chính xác lượng thuỷ ngân phát tán ra môi trường; tổ chức kiểm tra sức khoẻ cho cán bộ, công nhân và người lao động của đơn vị này.

chọn
Cận cảnh khu đất gần 10.000 m2 sát công viên Ngọc Thụy sắp làm hạ tầng để đấu giá
UBND TP Hà Nội giao hai ô đất có tổng diện tích 9.989,5m2 đất tại phường Thượng Thanh, đoạn gần công viên Ngọc Thụy, cho quận Long Biên để chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, lên phương án đấu giá.