'Rất nhiều doanh nghiệp rượu bia đến đặt vấn đề, nhưng tôi kiên quyết nói không'

TTO - Ông Bùi Sỹ Lợi - phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - nói khi đồng chủ trì cuộc họp báo đột xuất chiều nay 10/6.

Ông Bùi Sỹ Lợi nói tại họp báo chiều 10/6. (Video: TIẾN LONG)

"Bản thân tôi cũng được người ta đặt trong danh sách nhóm vận động cho lợi ích của ngành bia rượu. Tuy nhiên, rất tiếc là dự thảo luật này lại giao cho một đồng chí khác chủ trì chứ không phải cá nhân tôi. Nhưng tôi cũng khẳng định rằng rất nhiều các tổ chức, cơ quan doanh nghiệp và các tổ chức nước ngoài trong ngành bia rượu đã mời tôi chủ trì hội thảo nhưng tôi chưa dự một cuộc nào", ông Bùi Sỹ Lợi nói trước các cơ quan báo chí tại Trung tâm báo chí kỳ họp thứ 7.

Tài xế có cồn trong máu lúc lái xe vẫn bị xử lý theo luật hiện hành

Trước nhiều thông tin trái chiều và dư luận quan tâm đến các nội dung được cho là "yếu đi" trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia, chiều 10/6, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đã chủ trì họp báo để cung cấp thêm thông tin.

Mở đầu họp báo, Tổng thư ký Quốc hội cho biết chính vì có 2 luồng ý kiến khác biệt nhau nên tại phiên họp ngày 3-6, Quốc hội đã lấy ý kiến đại biểu bằng hệ thống bấm nút điện tử về việc tăng nặng chế tài hay giữ nguyên như luật hiện hành việc tài xế có cồn trong máu lúc lái xe.

Có 2 phương án được đưa ra, diễn đạt dễ hiểu là "lái xe mà có dùng rượu bia thì phạt ngay" hoặc "uống trong ngưỡng quy định thì không bị xử phạt". 

Kết quả biểu quyết là 44,21% đại biểu đồng ý với phương án "cấm tiệt" và 43,80% ý kiến "không đồng ý cấm". Phương án "uống trong ngưỡng quy định thì không bị phạt" nhận được 49,59% ý kiến đồng ý và 34,92% ý kiến không đồng ý.

Khi kết quả này được công bố, dư luận đã phản ứng mạnh. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết là do cách hiểu chưa đúng bản chất. 

"Cả hai phương án đều không quá bán không có nghĩa là sẽ không có điều luật nào hiện nay cấm người lái xe sử dụng bia rượu, các luật liên quan như Bộ luật Hình sự, Luật Giao thông đường bộ đều đã có các quy định", ông Nguyễn Hạnh Phúc giải thích thêm.

Rất nhiều doanh nghiệp rượu bia đến đặt vấn đề, nhưng tôi kiên quyết nói không - Ảnh 2.

Ông Bùi Sỹ Lợi - phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - tại họp báo chiều 10/6. (Ảnh: B.D)

Sửa Nghị định 46 để tăng nặng chế tài

* Với việc hai phương án đưa ra đều không nhận được quá bán, nội dung quy định sử dụng bia rượu đối với người lái xe sẽ được đưa ra khỏi dự thảo luật?

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc: Vì kết quả như thế nên nội dung này sẽ không còn trong dự thảo luật nữa. Tuy nhiên quy định xử phạt người lái xe uống bia rượu vẫn áp dụng các luật khác hiện hành như Luật Giao thông đường bộ, đường sắt. Bộ luật Hình sự cũng có quy định liên quan.

Trước tính chất nghiêm trọng của vấn đề sử dụng bia rượu gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông thời gian qua, dự kiến tại Nghị quyết chung của kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ giao Chính phủ sửa đổi Nghị định 46 theo hướng tăng nặng chế tài, áp dụng mức phạt cao hơn trong các quy định liên quan tới người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng bia rượu.

* Quy định về cấm tài xế sử dụng bia rượu rất được kỳ vọng tại dự thảo luật lần này. Bị bỏ ra khỏi luật như thế thì có nghĩa là nhóm đại biểu ủng hộ quan điểm siết luật đã "thất bại". Tại sao Quốc hội không tiếp tục bàn, đợi vấn đề "chín muồi" đã rồi mới quyết định lấy ý kiến?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Quá trình lấy ý kiến tiếp thu một dự án luật chúng tôi phải tính tới phương án cân bằng tất cả các lợi ích. Đã có 13 cơ quan gửi văn bản đến và chúng tôi phải dành một buổi sáng để họp với tất cả các chuyên gia, bộ ngành và 13 cơ quan có ý kiến như vậy để giải trình thêm. 

Hôm họp thì không có ý kiến nhiều lắm. Tuy nhiên vừa rồi vẫn còn những cơ quan nghe thông tin việc này việc kia nên đã có văn bản. Tôi nghĩ chuyện này là bình thường, cái quan trọng là chúng ta giữ kỷ cương pháp luật làm sao đạt được yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, điều làm tôi đau buồn nhất là tình trạng tai nạn giao thông trong thời gian qua do sử dụng rượu bia ảnh hưởng đến nhân dân.

Rất nhiều doanh nghiệp rượu bia đến đặt vấn đề, nhưng tôi kiên quyết nói không - Ảnh 3.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại buổi họp báo chiều 10-6 - Ảnh: B.D

53 đại biểu vắng mặt lúc Quốc hội lấy ý kiến 

* Hôm bỏ phiếu về hai phương án thì có 432 đại biểu có mặt, trong khi Quốc hội có tới 485 đại biểu. Như vậy hơn 50 đại biểu đã không được lấy ý kiến. Tại sao Quốc hội không gửi phiếu thêm đối với những người không có mặt để tranh thủ hết ý kiến về hai phương án liên quan đến việc tài xế sử dụng bia rượu nêu trong dự thảo Luật Phòng chống rượu bia?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Vì Quốc hội đã có chương trình làm việc chính thức từ trước. Riêng cá nhân tôi đã viết vào biên bản góp ý cho kỳ họp là đề nghị Quốc hội tiếp tục lấy ý kiến đại biểu bằng giấy về hai nội dung liên quan đến việc tài xế sử dụng bia rượu. Lấy bằng giấy thì chắc chắn các ý kiến sẽ được viết rất cụ thể. 

Kết quả lấy ý kiến làm dư luận thắc mắc về tính khách quan trong quy định việc tài xế sử dụng bia rượu đúng là chưa thật đầy đủ. Bởi tỉ lệ ý kiến về hai phương án đó dựa trên tổng số đại biểu chứ không phải tính trên số đại biểu dự họp. Nếu là trên số đại biểu dự họp thì kết quả chắc chắn sẽ khác.

Tôi đề nghị nên tiếp thu ý kiến báo chí và trong các phương án của dự thảo luật thì nên nói rõ việc này.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Như tôi đã nói thì đây chỉ mới là kết quả xin ý kiến chứ chưa phải biểu quyết thông qua luật, tới đây Quốc hội sẽ tiếp thu, giải trình từng phương án cụ thể.

"Không thể lobby hết toàn bộ đại biểu Quốc hội"

* Vừa rồi có dư luận cho rằng một vài đại biểu Quốc hội đã được doanh nghiệp bia rượu mời đi du lịch châu Âu, sau đó về có những phát biểu ủng hộ doanh nghiệp rượu bia. Quốc hội có giải pháp gì phòng ngừa các nhóm lợi ích tác động vào các đại biểu không?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Về mặt nguyên tắc thì đại biểu không được đi khi các cơ quan có lợi ích nhóm mời. Nếu nói đi vì mục đích nghiên cứu thì Bộ Y tế và một số cơ quan đã cử ủy viên thường trực đi, cũng đã nghiên cứu kỹ chính sách trước khi đi.

Đại biểu Quốc hội mà đi theo lời mời của doanh nghiệp, tổ chức - tức là đi không phải để nghiên cứu chính sách mà với tính chất lobby - thì tôi nghĩ là không đúng và Quốc hội cũng không cho phép.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Làm sao mà doanh nghiệp có thể mời được hết 500 đại biểu. Nếu có thì cũng chỉ có một vài người và đi với tính chất khảo sát chứ làm sao doanh nghiệp có thể lobby tất cả đại biểu!

Hơn nữa, quy trình xây dựng văn bản pháp luật cũng rất chặt chẽ, có muốn (lobby) cũng không được. Tôi nghĩ không thể có chuyện lobby như thế.


chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.