Rút khỏi giới ngân hàng, 'bầu' Thắng còn lại những gì?

Góp mặt tại nhiều vị trí từ cố vấn ngân hàng Kienlongbank, đứng sau chuỗi cà phê có tiếng cho đến công việc ông bầu bóng đá, Đồng Tâm Group vẫn là cơ ngơi của ông Võ Quốc Thắng.
Công ty ruột của bầu Thắng đang làm ăn ra sao? - Ảnh 1.

Đồ họa: Alex Chu.

Từng chi ra hàng nghìn tỷ đồng để mua lại Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank) và giữ ghế chủ tịch Hội đồng quản trị giai đoạn 2013 - 2018, tuy nhiên, sau đó ông Võ Quốc Thắng ("bầu" Thắng) đã quyết định chia tay nhà băng này.

Song những cá nhân và pháp nhân liên quan tới "bầu" Thắng vẫn sở hữu 9,41% vốn điều lệ tại Kienlongbank.

Người ta vẫn thấy "bầu" Thắng đã xuất hiện tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Kienlongbank với vai trò vừa là khách mời và là cố vấn.

Thực tế, dù trải qua nhiều vai trò tại các vị trí khác nhau, từ sáng lập chuỗi cà phê Ông Bầu cho đến Thành viên Hội đồng Trường Đại học Bách Khoa ĐHQG - TP HCM tới Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam nhưng "sân chơi" chính của "bầu" Thắng vẫn là CTCP Đồng Tâm (Đồng Tâm Group).

Hệ sinh thái đa lĩnh vực của "bầu" Thắng 

Sở dĩ coi Đồng Tâm Group là doanh nghiệp quan trọng với "bầu" Thắng bởi tính đến cuối năm 2020, ông là cổ đông lớn nhất, sở hữu trực tiếp 47,4% vốn tại đây. Hai cổ đông cá nhân là ông Võ Văn Khuyến, anh trai ông Thắng và là Phó Chủ tịch HĐQT nắm 14,5% và bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Tổng Giám đốc có 7,2% vốn tại đây.

Dồng tâm - Ảnh 1.

Thương hiệu Đồng Tâm được quảng cáo tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM. (Ảnh: Minh Hằng).

Về Đồng Tâm Group, đây không còn là doanh nghiệp quá xa lạ với người tiêu dùng khi được biết đến nhiều nhất là công ty chuyên sản xuất sản phẩm vật liệu xây dựng và trang trí nội thất (gạch men).

Riêng hoạt động bán hàng của tập đoàn phủ sóng khắp 63 tỉnh thành với 28 kho hàng, 39 showroom và trên 2.500 đại lý, đối tác, công ty thiết kế, công ty xây dựng trên toàn quốc.

Ngoài ra, Đồng Tâm Group còn làm về cảng biển quốc tế, khu công nghiệp (KCN), bất động sản và mảng giáo dục.

Hiện tại, doanh nghiệp của ông Thắng góp 45% vốn tại Cảng quốc tế Long An, cảng quốc tế dự kiến sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam và toàn khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Trên lĩnh vực khu công nghiệp, tập đoàn rót vốn vào các dự án KCN Đông Nam Á Long An, KCN Thuận Đạo, Khu Dịch vụ công nghiệp Đông Nam Á Long An. 

Còn với mảng bất động sản, tập đoàn là chủ đầu tư các dự án Green City tại Khu đô thị trung tâm hành chính tỉnh Long An (76,61 ha); Khu công nghiệp Long An (396 ha); Dự án Đô thị Cảng Long An (1.145 ha),...

Tham gia đa lĩnh vực nên Đồng Tâm nắm trực tiếp trong tay 14 công ty con và hai công ty liên kết với tổng vốn điều lệ gần 3.469 tỷ đồng để quản lý các dự án, trong đó vốn góp thực của tập đoàn gần 681 tỷ đồng tính đến cuối năm 2020.

Lợi nhuận giảm sâu năm 2020

Về kết quả kinh doanh, trong 5 năm gần đây, doanh thu hằng năm dao động từ 1.700 tỷ đồng đến 2.300 tỷ đồng. Lợi nhuận giai đoạn 2015 - 2019 đều trên dưới hai trăm tỷ song sang năm 2020 giảm chỉ còn 119 ty. Thậm chí sang năm 2021, doanh nghiệp đặt kế hoạch có lãi chỉ 80 tỷ.

Dồng tâm - Ảnh 2.

Nguồn: MH tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của Đồng Tâm Group.

Trong năm 2020, doanh thu thuần của công ty ghi nhận 1.919 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 119 tỷ đồng, lần lượt giảm 9% và giảm 41% so với năm trước đó. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn vượt 59% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2020.

Dù các chi phí được tiết giảm và các công ty liên kết có lãi hơn 500 triệu đồng so với mức lỗ hơn 11 tỷ đồng năm ngoái nhưng doanh thu tài chính giảm 64% còn 102 tỷ là yếu tố chính khiến lợi nhuận sau thuế giảm sâu.

Doanh nghiệp giải trình dịch COVID-19 đã khiến hoạt động công ty gặp khó khăn trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.

Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông năm 2021, Đồng Tâm Group đặt kế hoạch doanh thu thuần 2.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế còn 80 tỷ, tương ứng tăng 14% và giảm 33% so với kết quả năm 2020. 

Năm 2020, tập đoàn dự kiến mức chia cổ tức với tỷ lệ 10% tiền mặt (1.000 đồng/cp), thấp hơn con số 12% của năm 2019. Còn năm 2021, tập đoàn không muốn chia cổ tức do cần vốn để thực hiện các dự án trọng điểm đúng tiến độ và đầu tư mới máy móc thiết bị cho các nhà máy.

Tổng nợ đi vay chạm mốc 2.200 tỷ đồng

Công ty ruột của bầu Thắng đang làm ăn ra sao? - Ảnh 4.

Chỉ số khả năng thanh toán của Đồng Tâm Group qua các năm. (Nguồn: Đồng Tâm Group).

Về tình hình tài chính, tổng tài sản của Đồng Tâm Group tính đến cuối năm 2020 đã tăng gần 1.000 tỷ lên 6.512 tỷ đồng. Trong đó, công ty đã tích trữ gấp đôi khoản tiền nhàn rỗi và đầu tư chứng khoán so với đầu năm, ghi nhận 590 tỷ đồng. 

Ở phía nguồn vốn, hơn 4.963 tỷ đồng là nợ phải trả, chiếm 3/4 tổng nguồn vốn, tăng 23% so với đầu năm. Tại thời điểm cuối năm 2020, tỷ lệ nợ phải trả trên tổng nguồn vốn đã tăng lên 0,76 lần do đẩy mạnh tăng vay nợ dài hạn.

Tổng đi nợ đi vay ngắn hạn và dài hạn của công ty đã xấp xỉ 2.200 tỷ đồng cuối năm 2020, trong khi đầu năm là 1.845 tỷ.