Sai phạm đất đai tại Bình Dương: Doanh nghiệp nộp tiền khắc phục hậu quả hàng trăm tỷ đồng

Liên quan đến sai phạm tại khu đất 43 ha ở Bình Dương, các doanh nghiệp hiện đã nộp tiền 252,5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Thông tin từ Báo Bình Dương, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương vừa tổ chức hội nghị để thông tin về một số vấn đề sai phạm liên quan đến khu đất 43 ha và 145 ha tại Tổng Công ty 3/2.

Theo đó, nội dung sai phạm được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra là: Vi phạm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện áp dụng giá đất năm 2006 để thu tiền sử dụng đất đối với khu đất 43 ha và 145 ha của Tổng Công ty 3/2 được UBND tỉnh quyết định giao năm 2012 và 2013, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, vi phạm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo để Tổng Công ty 3/2 chuyển nhượng khu đất 43 ha và 30% vốn nhà nước cho tư nhân trái quy định, gây thất thoát ngân sách nhà nước; vi phạm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo để Tổng Công ty 3/2 đưa khu đất 145 ha vào góp vốn không qua định giá, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Hậu quả của vụ chuyển nhượng trái phép đất vàng Bình Dương được khắc phục như thế nào? - Ảnh 1.

Khu đất 43 ha được chuyển nhượng trái phép, làm dự án Khu Đô thị - Thương mại - Dịch vụ Tân Phú. (Ảnh: Báo Tiền Phong).

Tại hội nghị, Thường trực Tỉnh ủy cũng đã nêu ra một số giải pháp, phương hướng khắc phục hậu quả vụ việc. 

Cụ thể, đối với khu đất 43 ha, Tổng Công ty 3/2 và CTCP Bất động sản Âu Lạc (đơn vị liên doanh với Tổng Công ty 3-2 để thành lập Công ty Tân Phú thực hiện dự án tại khu đất 43 ha) đã chủ động nộp đủ số tiền cho cơ quan chức năng, khắc phục triệt để thất thoát đã gây ra. Đến nay các doanh nghiệp đã nộp tiền 252,5 tỷ đồng để khắc phục.

Bao gồm: Ngày 18/11/2019, Tổng Công ty 3/2 đã nộp số tiền hơn 125,6 tỷ đồng vào tài khoản phong tỏa của Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương với nội dung tạm nộp phần chênh lệch giá trị của khu đất 43 ha tính theo giá UBND tỉnh Bình Dương ban hành năm 2016 so với giá chuyển nhượng. Số tiền này đã được Văn phòng Tỉnh ủy chuyển về Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. 

Đến ngày 22/4/2020, CTCP Bất động sản Âu Lạc và Tổng Công ty 3/2 đã chuyển tiếp số tiền hơn 126,8 tỷ đồng vào tài khoản của Phòng Cảnh sát kinh tế tỉnh Bình Dương. 

Đối với biện pháp khắc phục thất thoát do Tổng Công ty 3/2 không định giá khu đất 145 ha trước khi thực hiện góp vốn liên doanh bằng sử dụng đất: Ngày 16/12/2019, cả ba cổ đông của CTCP Tân Thành đã tự nguyện có văn bản đề nghị được chuyển nhượng lại toàn bộ phần vốn góp trong CTCP Tân Thành cho Công ty Impco bằng giá trị ban đầu theo số sách kế toán trước đây. 

Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển giao 100% vốn góp của các cổ đông trong CTCP Tân Thành sẽ thu hồi toàn bộ khu đất 145 ha giao về cho Công ty Impco, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp.

Liên quan đến vụ chuyển nhượng trái phép khu đất vàng Bình Dương, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với 4 bị can về Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219, Bộ luật Hình sự 2015).

Cụ thể, gồm: Nguyễn Đại Dương (con rể ông Nguyễn Văn Minh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty 3-2); Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Giám đốc CTCP Bất động sản Âu Lạc; Phạm Hữu Hiền, nguyên Phó Tổng Giám đốc CTCP Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam; Hồ Hoàng Nam, Phó Tổng Giám đốc CTCP Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam.

Trước đó, ngày 9/4/2020, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương cũng đã phối hợp cùng Công an tỉnh tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về việc khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với một số lãnh đạo Tổng Công ty 3/2.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.

chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.