Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết đây là một trong những nội dung được nêu tại Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lí, sử dụng đất đai tại đô thị. Trong đó giao Chính phủ xem xét kiểm tra việc điều chỉnh quy hoạch tại các địa phương.
“Bộ Xây dựng được Chính phủ giao thực hiện và Bộ đã yêu cầu các địa phương tự rà soát, kiểm tra việc điều chỉnh quy hoạch đúng hay sai. Trên cơ sở báo cáo Bộ sẽ kiểm tra lại, có thể kiểm tra trực tiếp tại một vài dự án. Tiến độ là cuối quý I/2020 báo cáo Chính phủ” – Thứ trưởng Hùng nói.
Đánh giá về công tác quy hoạch, quản lí, sử dụng đất đai tại đô thị, Quốc hội chỉ ra rằng vẫn còn những hạn chế, bất cập như: Chính sách, pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này còn có quy định chưa hợp lí, có sự chồng chéo, chưa thống nhất; Việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp tỉnh ở một số địa phương còn chậm; Chất lượng các quy hoạch còn thấp, thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa, dẫn tới điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, kiến trúc, hạ tầng kĩ thuật, xã hội và các lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư;….
Trước đó, tại phiên chất vấn của Đại biểu Quốc hội vào tháng 6/2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết việc điều chỉnh quy hoạch là một nội dung, một nhiệm vụ trong hoạt động quy hoạch và trong quá trình thực hiện quy hoạch. Trong đó, có điều chỉnh quy hoạch do Nhà nước yêu cầu (chất lượng quy hoạch kém); điều chỉnh quy hoạch do người dân yêu cầu (quy hoạch không phù hợp quyền lợi của người dân); điều chỉnh quy hoạch do nhà đầu tư yêu cầu.
Theo Phó Thủ tướng dư luận xã hội, cử tri và đại biểu Quốc hội đang rất bức xúc về tình trạng điều chỉnh quy hoạch đô thị tùy tiện, chạy theo nhà đầu tư. Theo đó, việc nâng tầng cao, tăng mật độ xây dựng làm gia tăng dân số, giảm không gian công cộng… khiến hệ thống hạ tầng quá tải. Điều đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân, gây bức xúc trong dư luận.
“Về biện pháp khắc phục, yêu cầu Bộ Xây dựng cùng các địa phương cho thanh tra, kiểm tra, rà soát lại các quy hoạch điều chỉnh. Xem xét xử lí nghiêm với các quy hoạch điều chỉnh nhưng vi phạm về quy chuẩn và tiêu chuẩn quy hoạch”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu dừng thực hiện các quy hoạch điều chỉnh có vi phạm đối với quy hoạch chưa thực hiện, đang thực hiện. Ngoài ra, cần có biện pháp xử lí việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, không đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch và không đảm bảo theo đúng quy định pháp luật.
Theo kế hoạch thanh tra năm 2020 được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà ký ban hành, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lí xây dựng tại nhiều khu vực.
Tại TP HCM, Thanh tra Bộ sẽ thanh tra khu vực hai bên tuyến đường Nguyễn Đức Cảnh. Còn tại Hà Nội, là tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu; Khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính.
Tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu là một trong những tuyến đường huyết mạch hướng Tây Nam vào nội đô Hà Nội. Tuy nhiên, tuyến đường này đang phải oằn mình chịu cảnh tắc đường thường xuyên. Theo quan sát, chỉ tính trong vòng bán kính 100m hai bên mặt đường Lê Văn Lương dài hơn 2km thì có tới gần 40 tòa nhà cao tầng.
Thực tế hiện nay tại Hà Nội có rất nhiều khu đô thị, tổ hợp nhà ở có mật độ xây dựng những tòa nhà cao tầng san sát nhau với mật độ dày đặc, được điều chỉnh quy hoạch nhiều lần.
Như trên tuyến đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) dù chỉ dài khoảng 1km và rộng khoảng 6m nhưng hàng ngày đang phải gánh tải cho hơn 20 tòa nhà chung cư cao tầng "đua nhau" mọc lên gây nên cảnh quá tải và ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Ngay đó, đường Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng… cũng dày đặc cao ốc. Những con đường này trở thành “điểm đen” tắc đường và ngập nặng khi mưa lớn tại khu vực Thanh Xuân.
Vào đầu năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 12/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021. Theo đó, Chính phủ yêu cầu UBND các thành phố: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ chỉ phê duyệt đầu tư các khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu và quy định về bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông và kết nối giao thông với các trục đường chính trong đô thị.
1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 – 6 lần
Theo báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất ở đô thị (2013 - 2018) đã điểm nhiều dự án điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của chủ đầu tư, gây hệ lụy lớn về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích người dân.
Dự án 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) được nhắc tới như một điển hình của sai phạm trong xây dựng, khi chủ đầu tư không làm theo giấy phép xây dựng, không giật cấp ở một số tầng, mà tự ý tăng chiều cao các tầng.
Hiện cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1- 6 lần, có dự án tới 9 lần. Trong đó phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại...
Hiện tượng tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội, TP HCM là dẫn chứng điển hình cho sự thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa quy hoạch xây dựng đô thị với hạ tầng kĩ thuật, xã hội. Tỉ lệ đất dành cho giao thông chỉ đạt 9%, đất bãi đỗ xe trên đất xây dựng đô thị dưới 1%...